Những đứa trẻ bán hàng rong

Trên những tuyến phố, góc chợ, hằng ngày chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh những đứa trẻ ở độ tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” vất vả mưu sinh bằng công việc bán hàng rong…

Những đứa trẻ bán hàng rong
Ảnh minh họa

Đi trên các tuyến phố của TP Phủ Lý, tôi thường xuyên gặp và mua hàng ủng hộ những cậu bé bán hàng rong. Hành lý mà các em mang theo để làm nghề đơn giản chỉ là chiếc túi vải đựng, hàng hoá, đồ ăn, áo mưa và một chiếc rổ nhựa nhỏ để bày biện đồ. Hàng hoá mà các em mang bán chủ yếu là những đồ dùng hằng ngày, dễ bán như bông tai, bút, tăm, dây buộc tóc, bấm móng tay, bàn chải đánh răng, dao cạo râu, kim chỉ, kẹo cao su… Các em thường đi bộ mời khách mua hàng hoặc ngồi bán ở những điểm có đông người qua lại như chợ; cổng khu, cụm công nghiệp; tuyến phố lớn.   

Có lần tôi mua vài cái bút, lần thì chục gói tăm để ủng hộ các em nhưng quả thật chưa khi nào trò chuyện hỏi han về hoàn cảnh của các em. Cho đến một hôm, khi đi qua đoạn đầu cầu Hồng Phú (TP Phủ Lý) thì trời lất phất mưa. Ngồi sau xe máy, cô con gái 5 tuổi của tôi thắc mắc: “Mẹ ơi, trời mưa rồi mà anh kia không đi về nhà à? Sao anh ấy không mặc áo mưa? Sao anh ấy còn bé thế mà không đi học lại đi bán hàng? Mẹ mua hàng để giúp đỡ anh ấy đi mẹ…”. Tôi đưa mắt nhìn và bắt gặp một cậu bé có thân hình gầy guộc, nước da đen và xanh xao, trên đầu đội chiếc mũ vải đã sờn bạc ngồi thu lu tránh mưa dưới một gốc cây. Phía trước mặt em vẫn còn bày bán vài túi bóng đựng dây buộc tóc, bấm móng tay, tăm… Tôi chợt khự lại vài giây và suy nghĩ, lẽ ra ở cái tuổi này, các em phải được học hành như các bạn cùng trang lứa chứ không phải đi bán hàng rong kiếm sống. 

Tôi rẽ vào mua hàng, hỏi thăm em vài câu và quan trọng là tôi muốn đưa cho em một chiếc áo mưa mỏng dự phòng trong cốp xe. Sau một chút im lặng có vẻ như để đề phòng người lạ thì em đã mở lòng chia sẻ với tôi về hoàn cảnh gia đình em. Em tên Đ.V.T, 12 tuổi, quê ở xã Tiêu Động (Bình Lục). Dù đã là học sinh lớp 7 nhưng khi gặp T., tôi cứ ngỡ em chỉ mới 7-8 tuổi vì em thấp bé quá. Qua chia sẻ của T., tôi biết được, nhà T. có 3 mẹ con và T. là con trai cả trong gia đình. Bố T. đi làm ăn xa và không liên lạc về nhà đã nhiều năm nay. Mẹ T. lại bị bệnh và đau ốm thường xuyên. Vì vậy, để giúp đỡ mẹ, đã 3 năm nay, T. phải đi bán hàng rong vào các kỳ nghỉ hè và dịp cuối tuần. Những hôm mẹ khoẻ thì T. được mẹ chở xe đạp điện từ quê lên Phủ Lý để bán hàng, còn lần này, vì mẹ ốm phải đi viện nên T. thuê xe ôm chở lên với mức giá cả hai lượt đi và về là 200.000 đồng. Nghe đến đây, tôi thắc mắc: “Vậy cả ngày bán hàng, em có kiếm được 200.000 đồng tiền lãi không?”. Rơm rớm nước mắt, T. nói: Không chỉ lần này đâu mà rất nhiều lần khác em phải đi xe ôm lên đây bán hàng. Sau khi trừ tiền xe ôm, có hôm thì em hoà vốn, có hôm thì lỗ, nhưng cũng có những hôm lãi được 50-100.000 đồng. Nhưng nếu không đi bán hàng thì cả nhà em không biết trông cậy vào đâu. 

Cũng theo lời T. kể, hằng ngày, hành trình đi bán hàng của T. bắt đầu từ 7 giờ đến 17 giờ T. thường chọn điểm bán hàng quanh khu vực ga Phủ Lý, điểm dừng đỗ xe khách, xe buýt tại quốc lộ 1A. Nhìn vào chiếc túi vải của T., tôi thấy một chiếc bánh mỳ, vài chiếc bánh lá và chai nước lọc, T. bảo: Đó là đồ ăn em mang theo để ăn trưa chứ nếu vào quán để ăn thì mất nhiều tiền lắm. Em phải dành tiền để mang về cho mẹ mua thuốc chữa bệnh và nuôi em.

Cũng như T., mùa hè này, T.K.A, 9 tuổi, Phường Lê Hồng Phong (TP Phủ Lý) không được nghỉ ngơi, vui chơi như bạn bè cùng trang lứa mà hằng ngày đều đi bán hàng rong tại khu vực chợ Phường Lê Hồng Phong và gắn bó với chiếc rổ nhựa đựng nào là bấm móng tay, bàn chải đánh răng, bút viết… Theo chia sẻ của A., vì gia đình khó khăn, bố mẹ em thường xuyên ốm đau, không làm được việc nặng, trong khi nhà lại có đông anh em nên A. sớm phải đi bán hàng để kiếm tiền phụ giúp bố mẹ. Để việc bán hàng thuận lợi, A. thường có mặt tại các chợ trên địa bàn vào thời điểm có đông người đi chợ mua sắm như đầu giờ sáng và buổi chiều lúc tan tầm. “Hôm nay em bán hàng được hơn 200.000 đồng, sau khi trừ tiền vốn, được gần 100.000 đồng tiền lãi. Ngoài ra, khi mua hàng, em còn được một số cô chú cho thêm tiền, được tất cả là 50.000 đồng. Em rất vui. Thế nhưng không phải ngày nào em cũng bán được nhiều hàng và có người cho tiền như vậy. Có hôm em đi cả ngày cũng không có người mua, may thì kiếm được 20.000-30.000 đồng tiền lãi. Em mong mùa hè này sẽ bán được thật nhiều hàng để có tiền đưa cho mẹ mua sách, bút trong năm học mới”, A. bộc bạch.

Lâu nay, việc trẻ em đi bán hàng rong đã trở thành hình ảnh khá quen thuộc với nhiều người tại các điểm công cộng trên địa bàn TP Phủ Lý. Hầu hết các em đều có hoàn cảnh khá giống nhau, do gia đình khó khăn nên phải bươn chải mưu sinh. Vì hoàn cảnh gia đình éo le nên tuổi thơ của các em không được vui chơi, học tập, ăn ngủ thoải mái như những đứa trẻ đồng trang lứa mà sớm phải đối mặt với nỗi lo cơm áo gạo tiền khi còn quá nhỏ. 

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy