Những con đường đồng chiêm

Bây giờ về bất kỳ vùng quê nào của Hà Nam, sẽ không còn những con đường đất, ngõ đất mà thay vào đấy là những con đường bê tông rộng rãi, phẳng lì.

Hà Nam đất đồng chiêm trũng, là rốn nước đồng bằng châu thổ sông Hồng, mùa lụt về làng xóm, đường đi lối lại lầy thụt, trơn trượt. Những mùa lụt to đường đi bị sóng đánh vỡ là chuyện thường xảy ra. Người dân làng tôi vẫn thường bảo rằng: “Phải bốn hòn đất chìm mới một hòn đất nổi. Một con đường đồng chiêm bằng bảy đường đồng bãi”. Người dân phải lặn lội dưới nước xắn đất đắp đường. Về sau này, hệ thống đê điều được xây dựng, sóng lụt tràn đồng, ngập nhà không còn nữa, những con đường đất được bao thế hệ xây đắp lại trở thành một trong những đặc trưng làng quê.

Những con ngõ đất nhẵn thín, mùa hè đi chân trần đất mát mịn. Người ở quê ít khi đi dép bởi vì đặc trưng công việc nhà nông nhưng cũng bởi sự mịn màng, nâng niu của những thớ đất thăn, đất thịt đắp lên những con đường. Những ngõ đất hợp với rào găng, dâm bụt, trúc, tre, với mùi ngái của đất bùn, rơm mục; những ngõ đất quanh co; những ngõ đất ngã không đau…

Nhưng những khi trời mưa, mưa tầm tã, dai dẳng thì những con đường đất lại trở nên trơn trượt, khó đi. Đất cao rêu trơn, đất trũng nhão ra, người ta phải bấm chân vào đất mà đi. Những con đường đất gây khó với mọi phương tiện giao thông nên người quê không hay đi xa, họ quen đất quê nhà, quen không khí xóm làng quần tụ. Những đứa trẻ ở nông thôn ra chơi thành phố, nửa buổi đã muốn về vì nhớ nhà, nhớ quê.

Những con đường đồng chiêm
Hạ tầng giao thông trên địa bàn xã An Đổ (Bình Lục) được đầu tư xây dựng đồng bộ.

Cuộc sống tự cung tự cấp, giao thông không thuận lợi làm cho không gian làng quê dường như khép kín. Công cuộc xây dựng nông thôn mới với mục tiêu đầu tiên là xây dựng đường giao thông nông thôn đã đưa nông thôn mở rộng ra, cởi mở đón nhận những điều mới mẻ, những cách làm ăn mới, những tư duy mới.

Bây giờ về bất kỳ vùng quê nào của Hà Nam, sẽ không còn những con đường đất, ngõ đất mà thay vào đấy là những con đường bê tông rộng rãi, phẳng lì. Đường ra đồng ngày xưa là những lối mòn ngoằn ngoèo hai bên mọc đầy cỏ lấp chân người giờ cũng được mở rộng, đổ bê tông sạch sẽ đưa hạt lúa về nhà thuận tiện hơn, hạn chế bao vất vả cho người nông dân. Tỉnh chủ trương hỗ trợ xi măng xây dựng đường giao thông nông thôn, người dân dịch tường, dịch giậu, hiến đất mở rộng đường làng, ngõ xóm. Đến năm 2013, Hà Nam đã hoàn thành việc xây dựng đường thôn, xóm và đường trục chính nội đồng theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Trên những con đường rộng rãi người dân đã tô điểm bằng nhiều loại hoa dân dã, dễ trồng: hoa mười giờ, hoa ngũ sắc, hoa cúc, chiều tím và nhiều cây lá có màu sắc… Đã không còn những giậu cúc tần, những bụi tre vừa làm rào giậu, vừa là vị thuốc khi cảm ốm. Làng xóm được mở rộng, sáng sủa, văn minh hơn nhưng cũng như thiếu đi ít nhiều những thân tình, giao đãi xóm giềng, những bức tường bê tông, những cổng nhà kiên cố, đã khiến cho nông thôn không còn nhiều những đặc trưng xưa cũ. Đã lâu rồi không còn ai hát những bài hát đắp đường…

Chu Bình

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.