Mùa thu không chỉ trời cao hơn, xanh hơn, không khí dịu mát có gió heo may nhẹ thổi, là mùa Vu Lan báo hiếu, mà mùa thu còn khiến lòng người bâng khuâng bởi những cơn mưa chợt đến chợt đi, lúc ào ạt, lúc tí tách - ấy là mưa Ngâu.
Để giải thích về những hiện tượng thiên nhiên, người Việt xưa đã sáng tác nên những câu chuyện cổ tích dân gian đầy màu sắc: Sơn Tinh - Thủy Tinh giải thích hiện tượng lũ lụt, rét nàng Bân giải thích hiện tượng đợt rét muộn tháng Ba âm lịch và mưa Ngâu là câu chuyện tình yêu, tình nghĩa vợ chồng giữa nàng tiên dệt vải Chức Nữ và chàng trai chăn trâu Ngưu Lang, giải thích cho những cơn mưa khác biệt và tháng 7 âm lịch hằng năm.
Chức Nữ là một nàng tiên ở bờ đông dải Ngân Hà. Hằng ngày nàng dùng những sợi tơ thần dệt nên những áng mây tuyệt đẹp, màu sắc huyền ảo. Những áng mây đó là xiêm y dệt cho trời. Cách dải Ngân Hà qua một vầng sáng rực là trần gian. Ở nơi ấy có chàng chăn trâu nghèo mồ côi cha mẹ là Ngưu Lang. Con trâu mà Ngưu Lang chăn bỗng một hôm nói được tiếng người đã “mách nước” cho Ngưu Lang lấy Chức Nữ làm vợ. Nhân lúc Chức Nữ và các nàng tiên xuống sông Ngân tắm, Ngưu Lang lén lấy xiêm y của nàng giấu đi. Không có xiêm y về trời, nàng bằng lòng nhận lời làm vợ Ngưu Lang. Hai vợ chồng sống vui vẻ, quấn quýt bên nhau và sinh được hai con một trai, một gái. Nhưng rồi Ngọc Hoàng biết chuyện đã triệu Chức Nữ về thiên đình hỏi tội, không cho xuống trần gian nữa. Ngưu Lang đưa hai con đi tìm nhưng dòng Ngân Hà nối cõi tiên với trần gian đã bị Ngọc Hoàng làm phép cách xa vời vợi. Lại nhờ da của trâu thần, Ngưu Lang cùng hai con đã tới được bờ sông Ngân Hà nhưng dòng sông trong veo rực rỡ ngày nào giờ cuồn cuộn sóng nước. Vợ chồng nhìn thấy nhau mà không thể gặp nhau, Ngưu Lang dồn hết sức mình ngày đêm tát nước sông Ngân mong gặp vợ. Tình yêu mãnh liệt đó đã khiến Ngọc Hoàng cảm động, sai chim Ô Thước bắc cầu qua sông Ngân cho phép hai vợ chồng được gặp nhau vào tháng 7 âm lịch hằng năm. Nước mắt ngày gặp nhau rơi xuống trần gian tạo nên những cơn mưa. Đó là sự tích mưa Ngâu lưu truyền trong dân gian.
Câu chuyện về mối tình Ngưu Lang Chức Nữ bao đời này luôn là nguồn thi hứng bất tận cho các nghệ sĩ, thi sĩ viết nên những câu thơ, bản nhạc mang nỗi buồn man mác. Nếu như trong ca dao, dân gian ý nhị “Tục truyền tháng bảy mưa Ngâu. Con trời lấy chú chăn trâu cũng phiền” thì có nhạc sĩ đã viết: “Mong sao mưa thật lâu. Để cho đôi lứa bên nhau”, hay da diết mà cảm thán “Đến bao năm nữa trời. Vợ chồng Ngâu thôi khóc vì thu”. Phải chăng, việc không còn hiện diện hay ít dần đi những cơn mưa vào tháng 7 – một vẻ đẹp đặc sắc của trời thu Bắc Việt những năm gần đây đã hồi đáp lời nhạc sĩ.
Tháng 7 âm lịch vẫn có mưa, nhưng là những cơn mưa dông rất mạnh luôn kèm theo cảnh bão lũ quét sạt lở đất, nhất là ở những vùng miền núi. Ở đồng bằng, tháng 7 có nhiều cơn dông nhưng mưa từng vùng, có nơi chỉ nghe ì ùng tiếng sấm mà không thấy mưa, hoặc mưa phớt qua rồi nắng chợt bừng lên cho những chiếc cầu vồng xuất hiện nhưng không đủ lộng lẫy bảy sắc màu. Tháng 7 năm nay, tiết trời đã sang thu nhưng trời vẫn còn nhiều ngày nóng gắt.
Những cơn dông về chiều có làm bầu trời dịu đi. Và mưa, nhưng những cơn mưa không còn mang đặc trưng của mưa Ngâu nữa – các cơn mưa không liên tục, rả rích, mà mưa dồn dập trong cùng một thời điểm khiến lòng người e ngại.
Mưa Ngâu tháng 7 - tiết trời làm cho lòng người dịu đi khi vừa qua cái nắng mùa hè gay gắt, để con người lấy lại năng lượng trước khi trời chuyển sang mùa bão lũ… Nhưng, trời trở vào thu với heo may, sương sớm, lá vàng và mưa Ngâu có lẽ chỉ còn nằm trong nỗi nhớ của những người lớn tuổi, những người đã trải qua nhiều cơn mưa Ngâu trong đời.
Bình Nguyên