Không còn giữ vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn nước mát lành phục vụ cuộc sống sinh hoạt hằng ngày cho người dân ở nông thôn như trước kia, nhưng hiện nay nhiều giếng làng đã, đang được các thôn, xóm đầu tư tu sửa, tôn tạo từ nguồn kinh phí xã hội hóa, góp phần “điều hòa” môi trường sống, đồng thời giữ gìn, tô đẹp phong cảnh đặc sắc riêng có của làng quê.
Giếng làng tôi nằm ở ngay đầu đình, bên cạnh gốc đa cổ thụ. Tôi còn nhớ, những năm bẩy mươi, tám mươi (thế kỷ XX) phần lớn người dân làng tôi thường ra giếng gánh nước về đổ vào chiếc chum sành dùng để nấu ăn hằng ngày. Giếng làng bốn mùa nước trong mát, đáy giếng in rõ nền trời cao xanh điểm tô mây trắng mỗi khi thu về. Đời sống của người dân quê ngày ấy còn nhiều vất vả, khó khăn, thiếu thốn, chỉ có một vài nhà kinh tế khá giả là đào được giếng dùng riêng, hoặc xây được những chiếc bể to để chứa nước mưa dùng dần. Không đào được giếng riêng, không có điều kiện xây bể to để chứa nước mưa, nước uống và nấu ăn hằng ngày phần đông người dân dùng nước giếng làng. Công việc nhà nông bận rộn, cực nhọc, các bà, các mẹ, các chị thường tranh thủ đi gánh nước lúc sáng sớm tinh mơ hoặc khi trời chiều buông xuống. Có hôm tranh thủ sáng trăng, các chị trong làng lại rủ nhau đi gánh nước vào buổi tối. Gánh những gánh nước đầy, để không bị sánh ra ngoài, các bà, các chị thường hái vài cành lá rửa sạch rồi đặt lên trên thùng (hoặc xô) nước. Đảm đang, tảo tần lo việc đồng áng, hằng ngày đôi vai gầy chai sần của các bà, các mẹ, các chị còn trĩu nặng gánh những gánh nước đầy ăm ắp về nấu ăn cho gia đình. Ngày nối ngày, những chiếc chum sành to, mầu da lươn đựng nước cứ vơi lại đầy, vơi lại đầy... Dáng lưng còng múc nước, tiếng đòn gánh kĩu kịt, tiếng bước chân rảo nhanh, những giọt mồ hôi lặng lẽ rơi… cứ như vậy, qua xuân, sang hạ, sang thu, đến đông, năm này qua năm khác giếng làng cung cấp đủ nguồn nước mát lành phục vụ cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của người dân. Nước giếng làng trong mát, ngọt lành, pha trà trà xanh, thổi cơm cơm trắng… vì vậy người dân trong làng luôn ý thức cao trong việc bảo vệ, giữ gìn nguồn nước được coi là mạch nguồn sự sống của làng quê.
Bên giếng làng ngày ấy, tranh thủ lúc nghỉ ngơi, các bà, các mẹ thường nhỏ to tâm sự chuyện gia đình, chuyện công việc… Mỗi người mỗi nỗi niềm riêng, nhưng sau khi chia sẻ, chuyện trò, cùng động viên nhau cố gắng nỗi buồn như nhẹ đi, niềm vui, nụ cười lại rạng trên những gương mặt đã hằn nhiều “nếp chân chim”... Không chỉ cung cấp nguồn nước mát lành phục vụ cuộc sống sinh hoạt hằng ngày cho người dân quê, cùng với cây đa, mái đình cổ kính, giếng làng còn là biểu tượng trong bức tranh phong cảnh đặc sắc ở mỗi làng quê. Trong nỗi nhớ của những người con đi xa lập nghiệp, bên cạnh nỗi nhớ người thân, nhớ hàng xóm láng giềng, là nỗi nhớ về giếng nước mát lành - nơi gắn bó với biết bao kỷ niệm thời thơ ấu. Đó là những lần theo chân mẹ đi gánh nước đêm khuya. Thương mẹ vất vả gánh nặng trên vai mà vẫn mỉm cười giục con nhanh bước. Đó là những lần theo bà lên đình lễ thánh cầu phúc, cầu an, lễ xong bà cháu ra ngồi bên giếng nước, dưới gốc đa cổ thụ bà kể bao chuyện về thành hoàng làng linh thiêng có công giúp dân, giúp nước; khi “về trời” lại luôn phù hộ cho dân làng gặp nhiều may mắn, bình an... Có chị lấy chồng xa quê, lần nào “về ngoại” cũng dắt con lên đình thắp hương lễ thánh, sau đó chậm rãi ra thăm lại giếng xưa - nơi từng gắn bó một thời. Nước giếng vẫn trong vắt, bao kỷ niệm cũ chợt xao động trong lòng...
Làng quê giờ đổi khác rất nhiều. Đường làng to rộng, bê tông phẳng nhẵn, có rãnh thoát nước, có điện thắp sáng ban đêm, bên đường được trồng các loại hoa. Kinh tế phát triển, đời sống của người dân được nâng cao. Nhiều thôn xóm người dân đã được dùng nước máy. Giếng làng một thời là nơi cung cấp nguồn nước chính cho người dân quê nay đã hoàn thành “nhiệm vụ”. Tuy người dân không còn dùng nước giếng, nhưng với mong muốn giếng làng – nơi lưu giữ nhiều kỷ niệm về một thời gian khó luôn song hành cùng sự phát triển của quê hương, nhiều thôn xóm người dân tự nguyện ủng hộ, đóng góp tu sửa, tôn tạo giếng làng. Người góp công, người góp của... nhiều giếng làng đã được tôn tạo kiên cố, bảo đảm an toàn, sạch, đẹp.
Thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, hướng tới xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, dù cảnh quan môi trường ở các làng quê có rất nhiều thay đổi nhưng hình ảnh “Cây đa - giếng nước - sân đình” – nét đẹp cảnh sắc độc đáo ở làng quê vẫn luôn được các thế hệ tiếp nối chung tay bảo vệ, bảo tồn, gìn giữ và phát huy.
Vĩnh Linh