Đời cần nhiều mảng sáng

Ai đã từng gạn đục khơi trong, chia sẻ điều hay, chuyện tốt trên mạng? Ai đã chạy theo những chuyện xấu xí, hung bạo, chê bai, xúc phạm nhau ngày càng dày trên thế giới ảo ngày càng ngột ngạt?

Ngày 8-4, một người dân ở Bình Định nhận được tải sản người nước ngoài đánh rơi đã nhờ con mình lên Facebook và đã tìm được chủ nhân - Ảnh: DUYÊN PHAN

Mạng xã hội là ảo nhưng hiệu ứng xã hội, hay hậu quả mà nó gây ra không ảo chút nào.

Chuyện đẹp: sao không sẻ chia?

Còn nhớ, năm 2015, một cô bé bị tai nạn giao thông được một thanh niên đưa đi cấp cứu kịp thời và chia sẻ thông tin trên mạng nhờ giúp đỡ. Chỉ sau vài giờ đã có 26.000 lượt chia sẻ. Một người bạn của nạn nhân đã đọc được thông tin và kịp thời báo cho gia đình em biết để lo phẫu thuật kịp thời, bé đã được cứu sống.

Hình ảnh cụ già 90 tuổi mò cua, bắt ốc giữa trời đông giá lạnh khi xuất hiện trên mạng xã hội đã làm thức tỉnh và lay động trái tim cộng đồng mạng. Nhiều bạn trẻ ở Hà Nội đã kết nối và hẹn nhau cùng tới dọn nhà, giúp đỡ cụ về vật chất lẫn tinh thần.

Hay mới đây, câu chuyện về bác bảo vệ ở Q.9, TP.HCM bị kẻ gian lừa lấy chiếc xe của khách đã được một số bạn trẻ đưa lên mạng và ngay lập tức nhận được sự giúp đỡ kịp thời của cộng đồng. Nhiều trang mạng xã hội đã tổ chức quyên tiền giúp đỡ người khó khăn rất hiệu quả.

Có những người thất lạc, mất liên lạc lâu năm nhờ mạng xã hội nên đã tìm được nhau...

Đó là lợi ích mà mạng xã hội mang lại khi người sử dụng có trách nhiệm với bản thân và xã hội.

Facebook ngày càng xô bồ ngột ngạt, Instagram ngày càng trở thành nơi chưng diện, TikTok có không ít những chuyện ngớ ngẩn, và YouTube trở thành môi trường lý tưởng cho "giang hồ mạng", vì đâu? Tất cả đều có sự góp tay của người dùng.

Đừng cổ xúy cái xấu

Tiếc thay, một số người Việt sử dụng mạng xã hội để phô bày đẳng cấp "sang chảnh" của mình. Có những người dùng mạng xã hội để chửi bới, mạt sát nhau, hạ bệ nhau, cổ xúy cho cái xấu, cái ác...

Khi một học sinh đưa lên mạng xã hội rằng nếu nhận đủ 1.000 like sẽ mang xăng đốt trường, thay vì người dùng mạng xã hội lên án, khuyên bảo thì lại ầm ầm nhấn nút like cho nhanh đủ 1.000 để chứng kiến em học sinh ấy đốt trường!

Khi những hình ảnh giết hại động vật quý hiếm được đưa lên mạng xã hội lại có những người trầm trồ, thán phục...

Chúng ta sẽ không còn xa lạ với những kiểu tranh luận "Chí Phèo" trên mạng. Trăm người, nghìn ý và ai cũng tự cho mình đúng nhất, hay nhất. Chỉ có một điều sơ đẳng, tối thiểu trong văn hóa tranh luận là phải tôn trọng ý kiến khác biệt lại bị bỏ qua.

Đôi khi người ta sử dụng ngôn từ "chợ búa" để lên án, mạt sát, miệt thị kiểu quy chụp. Đó là điều tối kỵ trong tranh luận, nhất là trong xu hướng mà những giá trị dân chủ, công bằng, văn minh đang ngày được xã hội mong mỏi, hướng tới và kỳ vọng.

Nhiều người sử dụng mạng xã hội chưa trang bị đủ cho mình một tâm thế và sự hiểu biết cần có khi tranh luận. Ý kiến khác nhau là điều bình thường, phải xem đó là điều đáng mừng và cần khuyến khích. Chỉ khi nào những ý kiến khác biệt ấy vi phạm pháp luật, phản văn hóa thì mới đáng bị lên án.

Cái gì cũng có hai mặt và mạng xã hội cũng vậy: dùng mạng xã hội với mục đích tốt hay xấu là do người dùng.

Khi nào những hình ảnh đẹp, những câu chuyện đẹp trên mạng xã hội nhận được nhiều ý kiến tán đồng, chia sẻ, cảm phục; khi nào những câu chuyện xấu, phản văn hóa, phi đạo đức bị cộng đồng mạng "ném đá" không thương tiếc, đó là lúc mạng xã hội mới thật sự trong, lành.

Chọn điều tử tế, tại sao không?

Có một thời gian tôi thử dùng hai tài khoản Facebook và nó mang lại cho tôi cảm giác như mình đang sống giữa hai thế giới. Một bên là thế giới của sự bất mãn lẫn bất lực của bạn bè và cả những người tôi "theo dõi", họ trút những nỗi bực dọc lên đó.

Còn ở Facebook kia là một thế giới những điều tử tế, những câu chuyện đẹp, mọi người luôn chia sẻ những điều hay, hướng đến những điều tử tế.

Từ đó, tôi nghĩ rằng nếu ở cuộc sống đời thực ta còn quá băn khoăn thì ở cuộc sống trên mạng ta có thể hoàn toàn tự chọn lấy cho mình những điều tốt đẹp để nhận lại những điều tốt đẹp, có thể cân bằng giữa điều tốt - xấu, thay vì ngập trong những xấu xí, hung ác, phê phán, bài xích...

Có lần trò chuyện với một bạn trẻ tham gia trào lưu dọn rác trên Facebook, bạn nói: mỗi ngày đều thấy thì rất đông người hào hứng tham gia. Bạn kêu gọi dọn rác với niềm tin rằng sẽ có đông đảo bạn bè hưởng ứng.

Nhưng rồi trong số hàng trăm bạn chia sẻ, bình luận, đến ngày hẹn chỉ có 5 bạn tham gia. Bạn đã không dừng lại với niềm tin rằng "mình làm được gì tốt cứ làm".

Chúng ta luôn tỏ ra mình thông minh, hiểu biết và khôn khéo trên mạng. Đã đến lúc chúng ta phải nhìn lại mình, để biết cùng tôn tạo một không gian mạng sạch đúng nghĩa.

Theo Tuổi trẻ

Hải Phong

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy