Cùng con chọn nghề

Cả tháng nay mẹ con chị Lan nhiều lần tranh cãi vì việc chọn ngành, chọn trường đại học cho con. Cô con gái chị vừa thi tốt nghiệp THPT, từ lâu đã thích ngành xây dựng, muốn đăng ký học ngành đó. Tuy nhiên cả vợ chồng chị đều kịch liệt phản đối, bởi cho rằng ngành xây dựng là của con trai, con gái theo không hợp, vất vả. Vợ chồng chị định hướng cho con theo ngành luật hoặc kế toán, tài chính - ngân hàng hợp với con gái hơn và cũng có người nhà làm trong các lĩnh vực đó, ra trường dễ xin việc. Tuy nhiên cô con gái cũng nhất quyết không chịu nghe theo, vì thế mẹ con xảy ra tranh cãi. Chị thậm chí còn nói với con nếu đăng ký vào ngành đó thì tự đi kiếm tiền để học. Cô con gái dỗi, lầm lì ở trong phòng, không chịu đi đâu cũng chẳng làm gì.

Đau đầu phiền não, chị Lan đem chuyện kể với mấy đồng nghiệp ở cơ quan. Mọi người góp ý, nói vợ chồng chị như thế là áp đặt cho con. Công việc gắn với cuộc đời của mỗi con người, vì thế học ngành gì bản thân con phải yêu thích mới có sự say mê, mới dễ đạt được thành tựu trong công việc và mới gắn bó lâu dài được. Đấy là chưa kể nếu học theo ngành nghề không thích, ngay từ khi học ở trường đại học các cháu dễ chán, không chuyên tâm vào học, có thể bỏ ngang, lúc đó mới lỡ dở thật sự. Có đồng nghiệp kể câu chuyện ở gần nhà mình, có cháu học ngành bố mẹ định hướng nhưng cháu không thích. Khi vào trường đại học, một phần vì tâm lý ấm ức bố mẹ không hiểu mình, phần vì chương trình học cũng khó, không tập trung, không quyết tâm, cháu không theo được, nợ nhiều môn và cuối cùng phải thôi học nhưng lại sợ không dám nói với bố mẹ. Đến khi bố mẹ biết thì cháu đã thôi học 1 năm. Một đồng nghiệp khác lại kể có trường hợp con cũng bị bố mẹ bắt học theo ngành không thích. Sau khi thuyết phục bố mẹ không được, cháu vẫn học. Hết 4 năm cháu mang bằng đại học về đưa cho bố mẹ, nói đã hoàn thành mong muốn của bố mẹ, và tự đi kiếm việc làm để có tiền học ngành mình yêu thích. 

Nghe những câu chuyện như thế, chị Lan đã bình tâm và suy xét lại vấn đề ở nhiều khía cạnh. Chị chủ động làm lành với con, lúc vui vẻ chị hỏi con sao lại thích ngành đó. Con gái vô cùng hào hứng, say sưa kể về việc từ lâu nhìn ngoài đời, hoặc khi xem phim thấy những cô gái, những người phụ nữ mặc bộ đồ bảo hộ lao động tự chủ, mạnh mẽ đi giữa những người đàn ông kiểm tra, giám sát, chỉ đạo ở công trường, hoặc nghiêm túc, tập trung cao độ bên những bản vẽ, con đã rất thích và ngưỡng mộ, ước mơ mình sẽ trở thành như thế. Chị cũng nhận ra đúng là dù người lớn chọn ngành có vẻ sẽ toàn vẹn hơn bởi có kinh nghiệm sống hơn, nhưng lại không tính đến khả năng, sở thích, ước mơ của con. Khả năng, sở thích, ước mơ mới giúp con được sống với công việc yêu thích khi trưởng thành, dễ có được thành tựu trong công việc, dù rằng ban đầu có thể sẽ không hề dễ dàng. Và việc của bố mẹ là phân tích cho con về những thuận lợi, khó khăn để con hình dung, nếu con đã quyết tâm thì cần ủng hộ, động viên, hỗ trợ trong khả năng có thể để con đạt được ước mơ của mình.

Đỗ Hồng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy