Chuyện lo Tết ở làng quê

Ngày nay, Tết đến Xuân về, ở các miền quê, nông dân không còn phải bận rộn và tất bật lo Tết như trước. Các dịch vụ “mọc lên” nhiều, giờ ở quê tiện chẳng khác gì thành phố.

Trước kia, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, để gia đình được đón Tết Nguyên đán – Tết cổ truyền của dân tộc đầy đủ, đầm ấm và hạnh phúc, nông dân ở các miền quê phải lo Tết trước nhiều tháng. Nào nuôi gà, nuôi lợn, chuẩn bị gạo nếp, đậu xanh… Tết đến Xuân về, chiều ba mươi nhà nào cũng mong mâm cơm có đủ những món ăn truyền thống, như: Bánh chưng xanh, con gà trống luộc ngậm bông hoa đỏ, đĩa giò mỡ, bát canh măng, đĩa dưa hành… để cúng gia tiên. Ba ngày Tết, lo cho gia đình ba bữa ăn no đủ là đã hạnh phúc lắm rồi!

Chuyện lo Tết ở làng quê
Nấu bánh chưng là một trong những công việc quan trọng của người dân quê vào dịp Tết cổ truyền. Ảnh: T.S

Giờ thì khác, kinh tế phát triển, đời sống người dân được nâng lên, về các miền quê hỏi chuyện lo Tết, nhiều nông dân phấn khởi chia sẻ: Tết đến Xuân về, nông dân chúng tôi giờ không còn phải lo nhiều đến chuyện chuẩn bị thực phẩm như trước kia nữa. Cần gì, muốn gì… chỉ cần “alo” là có dịch vụ phục vụ tận nơi, thuận tiện, đỡ vất vả hơn trước nhiều. Đời sống vật chất được nâng lên, Tết đến, nông dân giờ không chỉ lo sao cho gia đình có những bữa ăn ngon, nhiều nhà có điều kiện còn lo đi chơi Tết sao cho thật vui, thật gắn bó và ý nghĩa.

Kể chuyện về việc lo Tết xưa với chúng tôi, các cụ cao niên cười nhớ lại: Ngày trước, quê nghèo đón Tết không được đầy đủ như bây giờ, còn nhiều khó khăn, thiếu thốn về vật chất nhưng vẫn thật vui, thật ấm áp và gắn kết nghĩa tình. Ngày ấy, bánh chưng, giò… đâu sẵn như bây giờ. Đó là những món ăn ngày thường gần như không có, chỉ dành cho dịp Tết hoặc khi nhà có việc đặc biệt. Bữa cơm hằng ngày phải độn khoai, độn sắn, nhiều nhà phải luộc củ chuối ăn thay cơm… Quanh năm khó khăn, vất vả, bữa đói bữa no, vì vậy, Tết đến nhà nào cũng cố lo cho đủ: Dăm đồng bánh chưng xanh, chiếc giò xào, nồi thịt đông, vại dưa hành... để đón Tết. Trước Tết vài tháng, mọi người đã hẹn nhà nuôi đặt lợn để đụng vào dịp Tết. Gạo nếp, đậu xanh để dành hoặc mua dần trước cả tháng. Từ ngày hai mươi ba tháng Chạp (ngày tiễn ông Công ông Táo chầu trời) trở đi, không khí chuẩn bị Tết nhộn nhịp khắp làng trên xóm dưới. Đi tới đâu cũng nghe rộn rã tiếng hỏi chào thân tình và cởi mở: Nhà bác lo Tết đến đâu rồi? Nhà anh năm nay có đụng lợn không? Nhà bà đã muối dưa hành chưa?...

Những ngày giáp Tết, từ sáng sớm, các chú, các bác đã hối nhau mổ lợn để kịp gói giò, gói bánh. Khi trời sáng tỏ, các phần thịt đã được chia đủ, chia đều cho từng nhà. Bọn trẻ được phân công đi lấy thịt khệ nệ bê từng rổ thịt về nhà, hai tay nặng trĩu nhưng trong lòng đứa nào cũng sướng vui, hớn hở. Tết đến gần, nhà nhà đều bận. Ông chẻ lạt, pha thanh tre để bó giò; bà với các cháu rửa lá dong; mẹ ngâm gạo, ngâm đỗ; bố thái thịt, chặt xương... Mỗi người mỗi việc, vừa làm vừa trò chuyện, nói cười đầm ấm, vui vẻ, bình yên và hạnh phúc. Ngày ấy, các món ăn trong ba ngày Tết nhà nào cũng phải tự làm, tuy bận rộn nhưng không khí Tết ở mỗi gia đình, ở khắp các xóm làng đều rộn ràng và náo nức. Ngày gói bánh, làm giò không may thiếu lá, thiếu lạt, hoặc quên mua hạt tiêu... chạy sang hàng xóm là có ngay sự chia sẻ, giúp đỡ. Nhà nào neo người, con cháu ở xa chưa kịp về hàng xóm sẵn sàng sang gói giúp bánh chưng, bó hộ chiếc giò rồi cẩn thận treo trên tường bếp... Những ngày giáp Tết, bận rộn, vất vả nhưng mọi người ai cũng vui. Đây cũng là khoảng thời gian quý báu mọi người trong gia đình vui vẻ được cùng nhau lo chu toàn mọi việc trước thềm năm mới.    

Ngày nay, Tết đến Xuân về, ở các miền quê, nông dân không còn phải bận rộn và tất bật lo Tết như trước. Các dịch vụ “mọc lên” nhiều, giờ ở quê tiện chẳng khác gì thành phố. Tết đến, nhiều nhà đặt bánh chưng, giò, thậm chí cả hành muối... Bữa cơm ngày Tết không chỉ đủ các món ăn truyền thống mà có cả những món ăn đặc sản ở các vùng, miền khác. Kinh tế phát triển, đời sống được nâng lên, Tết đến Xuân về, nông dân giờ không còn lo nỗi lo thiếu ăn, mà lo sao cho gia đình có những bữa ăn ngon miệng. Trong những ngày nghỉ Tết, sắp xếp được thời gian, nhiều nhà có điều kiện tổ chức đi du Xuân để tận hưởng không khí Tết ở những địa điểm du lịch nổi tiếng trong nước.

Trước những thay đổi trong chuyện lo Tết ở các làng quê, có người nuối tiếc không khí bận rộn, đầm ấm, nhiều kỷ niệm của Tết xưa; có người lại hài lòng bởi sự thảnh thơi, tiện lợi nhưng không khí vẫn rộn rã, tươi vui của Tết nay. Dù đã có những thay đổi nhất định trong chuyện lo Tết xưa và nay, nhưng điều quan trọng nhất không thay đổi trong mỗi người khi Tết đến Xuân về, đó là được trở về nhà, về quê đón một cái Tết thật đầm ấm, đủ đầy, tươi vui, ý nghĩa bên người thân, bên xóm làng bình yên và thân thuộc.

Phạm Hiền

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy