Cha mẹ hãy luôn là người bạn đồng hành cùng con trẻ

Cho dù trong bất cứ trường hợp nào, cha mẹ cũng phải thực sự là người bạn, người đồng hành của con theo sự phát triển của lứa tuổi. Hãy dành nhiều thời gian để tâm sự cùng con...

Cha mẹ hãy luôn là người bạn đồng hành cùng con trẻ
Ảnh minh họa.

Năm học cuối cấp, thấy con trai liên tục đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi môn Toán cấp thành phố, rồi cấp tỉnh, anh chị tôi rất vui và tự hào. Nhưng kỳ vọng, những áp lực học thêm cũng bắt đầu đè nặng lên vai thằng bé từ đó. Dù không muốn nhưng lịch học thêm, học chính khóa của thằng bé hầu như phủ kín cả sáng, chiều, tối. Không chỉ học đội tuyển ở trường, học nhóm chung, nhóm riêng, anh chị tôi còn chạy ngược, chạy xuôi nhờ vả tìm thầy giỏi kèm cặp riêng cho cháu ở nhà. Nhìn thằng bé nhiều khi đờ đẫn, mệt mỏi vì áp lực học hành, áp lực thành công và sự kỳ vọng của cha mẹ, nhiều khi tôi cũng thấy ái ngại. Nhưng quan điểm của anh chị không thay đổi, muốn con trẻ thành công chỉ có một con đường duy nhất đúng là phải học thật giỏi, muốn học giỏi thì phải học ngày, học đêm, “văn phải ôn, võ phải luyện”,  nếu không “có công mài sắt” thì sao “có ngày nên kim” được. Ngày thi vào lớp 10, cả gia đình đều tin tưởng cháu sẽ đỗ đầu vào lớp chuyên Toán nhưng kết quả lại hoàn toàn ngược lại. Không vào được trường chuyên và cũng phải khá trầy trật, cháu mới đỗ được vào một trường công lập của thành phố. Không chấp nhận kết quả đó, sau khi chạy đôn, chạy đáo phúc khảo lên, phúc khảo xuống nhưng điểm bài thì vẫn không thể thay đổi, anh chị quay sang dằn hắt, chì chiết con trai. Từ một đứa trẻ vui vẻ, nhanh nhẹn, thằng bé trở nên lầm lì và hay cáu bẳn. Không khí gia đình lúc nào cũng nặng nề, cho đến khi thấy cháu có những biểu hiện bất thường, khóc, cười một mình trong phòng và không chịu giao tiếp với ai, kể cả bố mẹ, anh chị tôi mới vội vàng cho cháu đi khám bệnh và tá hỏa khi bác sỹ nói cháu mắc hội chứng trầm cảm thể nhẹ. 

Câu chuyện của anh chị tôi thực ra không phải là hiếm trong các gia đình hiện nay. Sự kỳ vọng của cha mẹ nếu không đúng lúc, đúng chỗ sẽ chuyển thành áp lực cho chính trẻ. Câu chuyện về những đứa trẻ tự tử, hay mắc bệnh trầm cảm vì áp lực học hành, áp lực thành công rất đáng để chúng ta phải suy ngẫm.

Thực tế, hiện nay, do có những nhận thức, quan điểm khá độc đoán, gia trưởng nên một số bậc làm cha, làm mẹ đã không chịu hiểu con cái mình. Họ luôn coi những đứa trẻ đã sang tuổi thanh, thiếu niên vẫn còn là trẻ con nên việc ứng xử mang tính áp đặt, thiếu tôn trọng ý kiến của trẻ và trong gia đình, cha mẹ mới là người quyết định, con cái không có nghĩa vụ tham gia. Vì vậy, trẻ cũng chẳng bao giờ muốn chia sẻ với cha mẹ về những điều trong cuộc sống, như tình bạn, tình yêu, mong muốn, nguyện vọng của mình. Những bất đồng trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái vì thế ngày càng trở nên sâu sắc. Rõ ràng, khi gia đình, cha mẹ không còn là điểm tựa tinh thần thì trẻ dễ tìm đến lựa chọn thiếu sự kiểm soát của lý trí, thậm chí là có thể dẫn đến những hành vi đáng tiếc là tự tử…

Từ câu chuyện trên, thiết nghĩ, cho dù trong bất cứ trường hợp nào, cha mẹ cũng phải thực sự là người bạn, người đồng hành của con theo sự phát triển của lứa tuổi. Hãy dành nhiều thời gian để tâm sự cùng con, đừng dùng vật chất để bù đắp khoảng trống tình cảm và đừng kỳ vọng quá nhiều vào con cái. Mọi sự kỳ vọng quá mức chính là con đường ngắn nhất dẫn đến thảm họa và bi kịch. Hãy luôn hài lòng với những gì con có, tôn trọng năng lực và đánh giá đúng tiềm năng của con để từ đó định hướng, gợi mở, khuyến khích con phát triển cả về thể chất, tinh thần và trí tuệ.

Minh Thu

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy