“Hạt gạo làng ta/ Có bão tháng bảy/ Có mưa tháng ba/ Giọt mồ hôi sa/ Những trưa tháng sáu/ Nước như ai nấu/ Chết cả cá cờ/ Cua ngoi lên bờ/ Mẹ em xuống cấy…” Hạt gạo làng ta - nhà thơ Trần Đăng Khoa.
Tháng sáu, nắng như đổ lửa. Những cơn gió lào thổi từng cơn khô rát, cảm giác như cháy bỏng thịt da. Năm nào cũng vậy, vụ gieo cấy lúa mùa rơi đúng vào thời điểm nắng nóng cao điểm của mùa hạ. Tránh cái nắng gắt gao, bỏng rát, như thiêu, như đốt, tranh thủ sớm, tối, nông dân tập trung xuống đồng gieo cấy lúa mùa để bảo đảm lịch thời vụ.
Đúng như những câu thơ trên của nhà thơ Trần Đăng Khoa, mùa cấy, có ra đồng mới thực sự thấu hiểu nỗi vất vả, cực nhọc của người nông dân. Hơn bốn giờ chiều, cái nóng vẫn còn hầm hập, dưới nóng lên, trên nóng xuống, nông dân đội nón, bịt khăn kín mít cùng nhau xuống đồng cấy lúa. Theo những đôi tay thoăn thoắt, những hàng lúa thẳng đều tăm tắp nối nhau xuất hiện trên đồng ruộng. Mặt trời xuống dần rồi lặn hẳn. Nắng nóng đã giảm, nhưng mồ hôi vẫn ướt đầm trên lưng áo, trên gương mặt của những người nông dân chân lấm tay bùn đang miệt mài với công việc đồng áng. Tranh thủ dừng tay uống cốc nước mát, các chị thợ cấy tâm sự: Gắn bó với đồng ruộng hàng chục năm, chúng tôi đã quen với nỗi vất vả, nhọc nhằn khi vào vụ gieo cấy. Để tránh nắng nóng mùa hạ, nông dân phải thức khuya, dậy sớm tranh thủ ra đồng cấy lúa mùa bảo đảm trong khung thời vụ tốt nhất. Đêm ngày mùa ngắn lắm. Do ngày nắng, tối đến nông dân thường tranh thủ cấy tới mười một, mười hai giờ đêm mới về. Nghỉ ngơi, chợp mắt được một lúc, hai, ba giờ sáng hôm sau đã dậy ra đồng cấy lúa. Tranh thủ lúc mát, cấy sớm, cấy khuya vậy mà mồ hôi lúc nào cũng ướt đầm quần áo…
Chia sẻ về nỗi vất vả nghề nông, một bác nông dân cao tuổi nói: Một nắng hai sương với đồng ruộng, nông dân chúng tôi không ngại vất vả, khó nhọc. Nỗi lo lớn nhất của chúng tôi là mưa bão, sâu bệnh... gây mất mùa, thất thu khi ngày thu hoạch đến. Từ khi cắm cây lúa xuống đất đến khi những bông lúa chín vàng trên đồng ruộng, bên cạnh việc chăm sóc, bảo vệ theo đúng quy trình kỹ thuật, chúng tôi chỉ mong sao mưa thuận gió hòa, cây lúa phát triển tốt để đến vụ thu hoạch cho năng suất cao.
Nếu như khâu làm đất và thu hoạch hiện nay đã cơ bản được thực hiện bằng máy móc, thì khâu gieo cấy, vì nhiều nguyên nhân vẫn còn nhiều diện tích phải thực hiện gieo cấy bằng phương pháp thủ công. Vì vậy, đến vụ gieo cấy lúa mùa, nông dân vẫn phải đội đèn cấy đêm, cấy vào lúc sáng sớm để tránh nắng nóng.
Ngày hè, đi trên những cánh đồng đang vào vụ cấy, chứng kiến cảnh nông dân cặm cụi, miệt mài trên đồng ruộng, tôi chợt nhớ tới những câu ca dao nói về nỗi vất vả, khó nhọc của nghề nông: “Muốn no thì phải chăm làm/ Một hạt thóc vàng chín giọt mồ hôi”; “Ai ơi bưng bát cơm đầy/ Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”.
“Một hạt thóc vàng chín giọt mồ hôi” – So với ngày trước, làm nông giờ đỡ cực nhọc hơn rất nhiều, nhưng vẫn còn đó bao vất vả, khó khăn. Tuy nhiên, bao đời nay, không quản ngại khó khăn, vất vả, nhọc nhằn, vào vụ nông dân vẫn ra đồng chăm chỉ, cần mẫn, chịu thương, chịu khó gieo trồng trên đồng ruộng, làm nên những mùa lúa chín vàng, lặng thầm dâng cho đời những bát cơm dẻo mềm, thơm ngọt.
Vĩnh Linh