Biết đủ là hạnh phúc

Có lẽ nhìn chị ai cũng nghĩ chị là người hạnh phúc nhất. Chị có một gia đình đủ đầy. Chồng chị là một doanh nhân thành đạt, con cái đủ nếp, tẻ, ngoan ngoãn, học giỏi. Gia đình chồng chị dù không thuộc hàng “ trâm anh thế phiệt” nhưng ở cái tỉnh lẻ này, cũng là mơ ước của bao người. Người ta bảo chị chẳng  khác  nào “ chuột sa chĩnh gạo”. Vì gia cảnh chị vốn không môn đăng hộ đối, bố mẹ chị xưa nay vốn là những người nông dân hiền lành chân chất như “hạt lúa củ khoai” nhưng tư tưởng khá tiến bộ nên mấy chị em trong nhà ai cũng được học hành tử tế, dù điều kiện kinh tế không dư dả gì. Là chị cả trong nhà nên ngoài việc đồng áng giúp cha mẹ, chị còn đảm đương luôn việc dạy các em học hành. Dù chị cũng là người biết lo toan, chăm lo gia đình nhưng ngày chị lên xe hoa theo chồng, bố mẹ chị vẫn vừa mừng vừa lo. Mừng vì chị được gả vào nơi đủ đầy, không phải nhọc nhằn bởi gánh nặng “cơm-áo-gạo-tiền” nhưng cũng lo nhiều vì sợ chị quen nếp sống ở quê, không biết “điều ăn lẽ ở” cho phù hợp với cuộc sống mới ở nhà chồng.

Rồi bẵng đi, cũng đã hơn 20 năm chị về làm dâu nhà anh. Cuộc sống vui cũng nhiều, buồn cũng lắm. Những nền nếp, gia phong có phần gia trưởng của gia đình nhà chồng đôi khi cũng khiến chị mệt mỏi. Anh thì mải mốt ngoài thương trường, cả tuần may ra mới có một bữa ăn chung cùng gia đình. Một mình chị, ngoài những giờ lên lớp, lại quay quắt với việc gia đình nội, ngoại. Nay đám giỗ, mai đám hỏi ở quê, rồi chăm sóc bố mẹ già và nuôi dạy hai đứa con “trứng gà, trứng vịt”. Một ngày của chị thường kết thúc vào lúc 22 giờ. Lên giường khi thân thể đã rã rời nên những cuộc trò chuyện, tâm sự với chồng cũng thưa dần. Cuộc sống vợ chồng nhiều khi cũng vì thế mà “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”. Đã có lúc chị nghĩ đến chuyện buông bỏ. Nhưng nhìn bọn trẻ, nhìn bố mẹ hai bên ngày một già yếu, nhìn anh mệt mỏi, căng thẳng sau mỗi lần tìm kiếm thị trường, chị lại tĩnh tâm và học cách buông bỏ, học cách tha thứ. Chị sắp xếp lại cuộc sống gia đình, yêu thương và chăm sóc bản thân mình nhiều hơn. Quan tâm và chia sẻ với chồng nhiều hơn. Thay vì im lặng, nhẫn nhịn, chị đã có những trao đổi cởi mở hơn với chồng và gần gũi hơn với bọn trẻ để dạy cho chúng biết giá trị của hạnh phúc, giá trị của tình yêu thương. Hạnh phúc không đến từ của cải vật chất, từ những tham vọng không giới hạn. Hạnh phúc đôi khi chỉ đến từ những điều giản dị nhất. Đó có thể chỉ là một cử chỉ yêu thương, hay một món quà nhỏ không có giá trị nhiều về vật chất nhưng lại khiến ta cảm thấy ấm áp và hạnh phúc vô cùng.

Viết đến đây, tôi chợt nhớ đến lời dạy của cha khi tôi thi trượt đại học. Cha từng nói: Khi khóc đã đủ đầy, việc đầu tiên con phải làm mỗi sáng là hãy nở một nụ cười thật tươi để cảm ơn cuộc sống đã cho con được sinh ra trên cuộc đời này. Cho con một đôi chân vững chãi để bước đi, một đôi tay lành lặn để ôm ấp những người con yêu thương, một đôi mắt sáng để ngắm nhìn thế giới xung quanh, có được niềm tin và nghị lực trong mỗi chặng đường đời để cảm thấy mình hạnh phúc dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Con đừng buồn phiền khi không có đủ tiền để mua một đôi giày mới, bởi ngoài kia còn có rất nhiều người bất hạnh khi không có chân để đi giày…

Minh Thu

Minh Thu

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy