Trước khi có dịch Covid-19, cơ sở vật chất, trang thiết bị, đời sống cán bộ, nhân viên các cơ sở điều trị trong tỉnh đã gặp khá nhiều khó khăn. Hơn 2 năm xảy ra đại dịch, khó khăn càng tăng lên khi lượng người đến khám, chữa bệnh (KCB) giảm dẫn đến nguồn thu giảm, không có kinh phí tái đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, không có thu nhập tăng thêm trong khi cường độ làm việc của cán bộ, nhân viên y tế tăng gấp nhiều lần vì đảm nhiệm vai trò nòng cốt trong công tác phòng chống dịch (PCD). Vì thế, khi đại dịch được kiểm soát, dù số lượng người dân đến KCB đông trở lại nhưng các cơ sở điều trị khá chật vật trong việc phục hồi và phát triển, rất cần được sự hỗ trợ tích cực hơn nữa.
Ngành Y tế Hà Nam hiện có 14 cơ sở thực hiện điều trị, trong đó có 7 bệnh viện (BV) tuyến tỉnh và 7 cơ sở tuyến huyện, thị xã, thành phố. Hiện tại trừ BV Phong, các đơn vị điều trị đều đã thực hiện tự chủ một phần hoặc tự chủ hoàn toàn chi thường xuyên. Hơn 2 năm đại dịch Covid-19 hoành hành, đặc biệt là năm 2021 khi dịch bùng phát dữ dội, lượng người dân đến các cơ sở điều trị giảm mạnh dẫn đến nguồn thu giảm.
Ông Trần Đức Lý, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Hà Nam cho biết: Hơn 2 năm dịch Covid-19 hoành hành, có thời điểm số bệnh nhân đến KCB giảm tới trên 40%. Có những khoa phải dừng tiếp đón bệnh nhân suốt một thời gian vì phát hiện có F0, phải cách ly sàng lọc, theo dõi và thực hiện các biện pháp PCD. Trước đó, cơ sở hạ tầng của BV đã khá khó khăn bởi xây dựng từ lâu, nhiều khu vực xuống cấp. Trong hơn 2 năm có dịch Covid-19 càng khó khăn hơn bởi lượng bệnh nhân đến BV giảm, nguồn thu giảm, chỉ bảo đảm chi lương và phụ cấp chính cho cán bộ, nhân viên y tế, không có kinh phí chi cho bổ sung, sửa chữa cơ sở vật chất cũng như mua sắm trang thiết bị.
Những tháng đầu năm 2022, khi dịch Covid-19 được khống chế, các BV tập trung thực hiện công tác KCB thường quy, phục hồi BV sau đại dịch nhưng một khó khăn mới lại phát sinh: Thiếu thuốc, vật tư y tế phục vụ công tác KCB. Việc chậm các gói thầu khiến các cơ sở y tế công lập đều rơi vào tình trạng này. Hiện tại thuốc đã có nhưng vẫn thiếu cục bộ, vật tư, hóa chất vẫn chưa có.
Từ tháng 1 đến tháng 5/2022, BVĐK tỉnh rơi vào tình trạng thiếu thuốc, vật tư, hóa chất. Để bảo đảm việc điều trị, BV giải thích với bệnh nhân để họ tự bỏ tiền mua thuốc, vật tư ở bên ngoài, hoặc chuyển viện lên tuyến trên. Tỷ lệ chuyển viện 6 tháng đầu năm của BVĐK vì thế tăng: Tỷ lệ chuyển viện hơn 3%, thấp hơn so với kế hoạch nhưng chuyển viện nội trú lên đến 4,6% (5.960 bệnh nhân), ngoại trú là 2,5% (1.154 bệnh nhân). Từ cuối tháng 5/2022, thuốc đã có nhưng vẫn thiếu cục bộ, hóa chất chưa có. Cũng do chưa có hóa chất nên hệ thống máy chụp và can thiệp tim mạch vẫn phải tạm dừng hoạt động dù có rất nhiều bệnh nhân muốn thực hiện thủ thuật can thiệp mạch vành tại BV.
Do những khó khăn trên cộng thêm đầu năm 2022 dịch Covid-19 vẫn phức tạp, 6 tháng đầu năm có trên 83.000 lượt người đến KCB tại BVĐK, đạt 32,1% kế hoạch năm. Trong 15 chỉ tiêu chuyên môn cơ bản như: Số lần khám bệnh, bệnh nhân điều trị nội trú, chụp X.quang, siêu âm, xét nghiệm, điện tim, phẫu thuật,... chỉ có 1 chỉ tiêu đạt trên 100%, 1 chỉ tiêu đạt 60%, còn lại 13 chỉ tiêu đều ở mức dưới 50% so với kế hoạch năm.
Việc thiếu, chậm thuốc, vật tư y tế ảnh hưởng không nhỏ đến công tác KCB, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người bệnh cũng như nguồn thu của các cơ sở điều trị.
Cơ sở vật chất xuống cấp
Thời gian qua, một số ít BV đã được xây dựng mới, có BV được cải tạo, sửa chữa lớn. Tuy nhiên, cơ sở vật chất của phần lớn các đơn vị điều trị (BVĐK tỉnh, TTYT các huyện, thị xã…) còn gặp nhiều khó khăn do xuống cấp, chắp vá không đồng bộ ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động.
Về nguyên nhân do các BV phần lớn đã được đầu tư xây dựng từ lâu, nay đã xuống cấp: BVĐK tỉnh: Khoa Khám bệnh xây dựng năm 2005, Khoa Cấp cứu xây dựng năm 2012. TTYT huyện Kim Bảng: Nhà điều trị 3 tầng xây từ năm 2006, Nhà điều hành xây năm 1998. TTYT huyện Thanh Liêm: Nhà điều trị nội trú xây dựng năm 2007, khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn năm 2000. TTYT huyện Bình Lục: Khu nhà điều trị 2 tầng năm 1985, khu nhà điều trị 3 tầng năm 2007...
Trong khi đó, việc đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất cần nguồn vốn đầu tư lớn, phần lớn phải phụ thuộc vào nguồn vốn đầu tư ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh, trong khi đó nguồn thu của tỉnh còn thấp nên việc cấp vốn cho các đơn vị có nhu cầu đầu tư còn hạn chế. Do không có đủ kinh phí nên việc cải tạo, sửa chữa chỉ đáp ứng nhu cầu sửa chữa nhỏ, cục bộ dẫn đến cơ sở vật chất chắp vá, không đồng bộ.
Về trang thiết bị, mặc dù các đơn vị như BVĐK tỉnh, BV Sản Nhi; TTYT các huyện, thị xã, thành phố đã được mua sắm một số thiết bị hiện đại như Hệ thống CT Scanner 128 lát, Hệ thống chụp và can thiệp tim mạch, Máy siêu âm đàn hồi mô, hệ thống nội soi dạ dày, đại tràng, hệ thống chụp X.quang kỹ thuật số… Tuy nhiên, các thiết bị phần lớn được mua sắm từ những năm 2018-2020, số đầu/loại thiết bị ít, thường chỉ có 1 cái, chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng, nhất là ở các đơn vị tuyến tỉnh số lượng bệnh nhân đông. Việc mua sắm trang thiết bị y tế cũng gặp nhiều khó khăn ở thủ tục, quy định chưa cụ thể.
Thu nhập của cán bộ y tế chưa tương xứng trước đây đã được nói đến nhiều nhưng vấn đề càng trở nên bức thiết hơn trong hơn 2 năm diễn ra đại dịch. Dịch Covid-19 hoành hành, các cán bộ y tế gác lại việc nhà, hạnh phúc cá nhân, chấp nhận nguy hiểm xông pha trên tuyến đầu chống dịch nhưng thu nhập chưa tương xứng do nguồn thu ở các BV giảm. Điều này tiếp tục tác động mạnh đến tư tưởng, sự gắn bó của họ đối với các BV công. Càng ngày càng có nhiều cán bộ y tế nghỉ việc, thôi việc để ra làm ở các BV tư hoặc tự mở phòng khám.
45 cán bộ y tế chuyển, nghỉ việc
Tại BVĐK tỉnh-đơn vị điều trị tuyến kỹ thuật cao nhất ở tỉnh trước đây đã có không ít cán bộ y tế, chủ yếu là các bác sỹ đầu ngành xin chuyển, hoặc thôi việc để đến làm tại BV tư ở các thành phố lớn. Lý do các bác sỹ chuyển, thậm chí chấp nhận thôi việc là do thu nhập ở BV công mức độ, trong khi BV tư lại trả lương hấp dẫn. Có những bác sỹ thu nhập tại BV tỉnh khoảng 15, 20, 25 triệu đồng tưởng đã là cao nhưng khi chuyển lên BV tư trên Hà Nội được trả tới 40, 50, 70 triệu đồng/tháng. Giai đoạn dịch Covid-19 và sau dịch tình trạng cán bộ y tế xin chuyển, nghỉ việc ngày càng tăng. Bác sỹ Trần Đức Lý, Phó Giám đốc BVĐK tỉnh cho biết trong năm 2021 BV có 6 cán bộ y tế xin chuyển, thôi việc (có 3 bác sỹ). 6 tháng đầu năm 2022, khi dịch Covid-19 đã được kiểm soát nhưng vẫn có 5 cán bộ nghỉ việc (có 4 bác sỹ). Như tháng 6/2022 có tới 3 bác sỹ xin nghỉ việc.
BVĐK tỉnh hiện vẫn thiếu chỉ tiêu bác sỹ so với yêu cầu. Hiện BV thiếu bác sỹ ở một số chuyên khoa quan trọng như: Tim mạch, nội tiết, ung bướu.
Tại TTYT huyện Bình Lục từ cuối năm 2021 đến nay có 3 bác sỹ nghỉ việc. Những người chuyển đi, thôi việc đều có thâm niên công tác từ 5-10 năm. So với số chỉ tiêu được giao trung tâm vẫn thiếu, nhất là bác sỹ, trong khi đó, số người thôi việc đều là bác sỹ khiến cho đơn vị càng khó khăn hơn trong triển khai các nhiệm vụ.
Năm 2020, 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 ngành y tế tỉnh có 45 cán bộ y tế xin nghỉ việc. Cụ thể, năm 2020 có 10 cán bộ y tế xin nghỉ việc (chuyển công tác 2; xin thôi việc 8). Năm 2021 có 22 người nghỉ việc (chuyển công tác 10; xin thôi việc 12) trong đó có 8 bác sỹ. 6 tháng đầu năm 2022, có tổng số 13 cán bộ y tế nghỉ việc (chuyển công tác 03; xin thôi việc 10) trong đó có 7 bác sỹ.
Tính đến 31/6/2022, tổng số nhân lực của toàn ngành y tế tỉnh là 2.632 người. Số biên chế được giao so với quy định còn thiếu hơn 300 chỉ tiêu.
Chế độ đãi ngộ thấp
Theo ông Nguyễn Xuân Sỹ, Giám đốc TTYT Bình Lục, từ nhiều năm nay các y bác sỹ không có thu nhập tăng thêm, chỉ có lương và phụ cấp chính. Hơn 2 năm chống dịch do số bệnh nhân đến BV giảm, nguồn thu giảm lại càng khó khăn hơn. Hiện tại một bác sỹ tại trung tâm mới ra trường có thu nhập khoảng 4 triệu đồng/tháng, làm 5-10 năm khoảng 5-6 triệu/tháng cộng với trên 300 nghìn tiền trực, một số có thêm chút phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật. Không có thu nhập tăng thêm hằng tháng, chế độ nghỉ mát cũng không có tiền chi. Mấy năm trước để động viên tinh thần anh em đơn vị quyết định cho cán bộ đi nghỉ mát ở Sầm Sơn (Thanh Hóa) 1,5 ngày nhưng mọi người phải đóng góp đến 2/3 kinh phí, cơ quan chi 1/3 (nhưng theo ông Sỹ thì đến bây giờ khoản này trung tâm vẫn nợ).
Bác sỹ Nguyễn Tiến Dũng công tác tại TTYT Bình Lục vừa là Trưởng phòng Tổ chức vừa tham gia công tác KCB do thiếu bác sỹ. Anh đã công tác 20 năm trong ngành nhưng thu nhập hiện tại là 8,2 triệu đồng/tháng, trong khi đó nếu làm việc ở phòng khám tư anh được trả 1 triệu đồng/ngày. “Đã công tác lâu năm ở trung tâm và tuổi cũng không còn trẻ nên tôi vẫn gắn bó, chứ nhiều lúc nghĩ nản lắm, nhất là trong hơn 2 năm đại dịch vừa qua công việc chất chồng đêm ngày” - anh Dũng chia sẻ. 3 đồng nghiệp của anh thôi việc ở trung tâm từ năm 2021 đến nay cũng do thu nhập eo hẹp, họ ra đi làm ở phòng khám tư hoặc thành lập phòng khám tư.
Bác sỹ Nguyễn Văn Tuân (BVĐK tỉnh) tốt nghiệp Học viện Quân y, sau đó học thêm tại BV Bạch Mai trước khi về BVĐK tỉnh làm việc vào tháng 6/2020. Năm 2020, 2021 khi dịch Covid-19 cao điểm, bác sỹ Tuân là một trong những cán bộ y tế dũng cảm trụ tại những điểm nóng hàng tháng trời, như khu cách ly F1, điều trị F0 ở BV Bạch Mai 2 Hà Nam; BV Dã chiến Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh, BV Dã chiến số 1 Hà Nam,... Anh đã 2 lần bị mắc Covid-19 trong khi làm nhiệm vụ. Công việc hằng ngày của anh cũng như các cán bộ y tế khác rất vất vả, thời gian ở BV nhiều hơn ở nhà. Tuy vậy, thu nhập của một bác sỹ mới ra trường như anh chỉ khoảng 4 triệu đồng/tháng, sau 2 năm làm việc tăng lên từ 4,5-5 triệu đồng/tháng. Bạn bè học cùng khóa với anh, những bạn làm ở BV tư thu nhập khoảng 15-20 triệu đồng/tháng. Bác sỹ Tuân quê Nam Định. Anh Tuân chia sẻ, mức thu nhập này tiết kiệm lắm chỉ đủ tiền ăn và xăng xe, may mắn có nhà người quen cho ở nhờ nên không mất tiền thuê nhà nếu không không biết làm thế nào.
Nghề y là một nghề đặc biệt, cần sự đãi ngộ đặc biệt
Nhớ lại những ngày chống dịch khốc liệt nhất của thành phố vào tháng 9/2021, Giám đốc TTYT TP Phủ Lý Trương Văn Trự vẫn "giật mình" bởi không hiểu sao lúc ấy toàn ngành có thể làm được những điều phi thường như thế. Mặc trên mình bộ đồ bảo hộ kín mít, công việc luôn chân luôn tay, xuyên đêm xét nghiệm, truy vết, rồi tiêm vắc - xin, bữa ăn cũng phải tranh thủ, giấc ngủ thì chập chờn, may sao lúc ấy không có ai ốm. Mệt mỏi chắc chắn có, song tất cả đều hiểu rõ nhiệm vụ của mình là người chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân nên ai nấy luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực hoàn thành một cách tốt nhất, nhanh nhất các công việc được giao, cho dù các chính sách hỗ trợ còn chưa rõ ràng.
Ông Trương Văn Trự cho biết: Dịch Covid-19 không chỉ tác động đến các hoạt động của cơ sở y tế mà còn ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của nhân viên y tế. Khối lượng công việc nhiều, nghỉ ngơi ít, stress nhiều hơn, thu nhập giảm, đào tạo hạn chế, ít được chia sẻ, chăm sóc gia đình, thậm chí còn bị cộng đồng kỳ thị… Để cán bộ ngành y bám trụ với nghề, lương cần phải đủ sống và lo được cho gia đình thì họ mới yên tâm công tác.
Nghị quyết số 20/NQ-TW ngày 25/10/2017, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới đã xác định: "Nghề y là một nghề đặc biệt. Nhân lực y tế phải đáp ứng yêu cầu chuyên môn và y đức; cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt”. Thế nhưng với nhiều nhân viên y tế, họ chưa cảm nhận được sự đãi ngộ đó. Đối với công tác hỗ trợ PCD, do vướng về thủ tục, quy trình nên có những cái chưa kịp thời.
Trước những khó khăn ở các đơn vị khám chữa bệnh (KCB), đặc biệt là sau 2 năm ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, các cấp, ngành chức năng đã có nhiều giải pháp để giải quyết, trong đó có việc hỗ trợ để giúp các cơ sở điều trị trên địa bàn tỉnh phục hồi và phát triển sau đại dịch. Phóng viên (P.V) Báo Hà Nam đã có cuộc trao đổi với ông Trương Thanh Phòng, Phó Giám đốc Sở Y tế với xung quanh vấn đề này.
P.V: Trước tình trạng cơ sở hạ tầng ở nhiều cơ sở KCB trên địa bàn tỉnh xuống cấp ảnh hưởng đến công tác điều trị, hiện đã có kế hoạch gì tháo gỡ, hỗ trợ thưa ông?
Ông Trương Thanh Phòng: Để thực hiện việc cải tạo, sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất cho một số đơn vị điều trị, UBND tỉnh đã có Báo cáo số 52/BC-UBND ngày 23/3/2022 về việc đề xuất danh mục các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong lĩnh vực y tế; Sở Y tế đã có Văn bản số 1425/SYT-KHTC ngày 05/7/2022 về việc rà soát danh mục các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế trong lĩnh vực y tế, trong đó có đề xuất các dự án Đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp tại 3 Trung tâm Y tế (TTYT) các huyện Thanh Liêm, Bình Lục, Lý Nhân với mức kinh phí đề xuất đầu tư cho mỗi đơn vị là 36 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh cũng được đề xuất đầu tư 45 tỷ đồng vốn ngân sách tỉnh để nâng cấp, cải tạo bệnh viện.
Ngày 8/7/2022, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 16/2022/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ chi thường xuyên cho các đơn vị sự nghiệp y tế công lập thu không đủ chi do tác động của dịch Covid-19 (thời gian thực hiện hỗ trợ từ ngày 01/01/2021 đến 31/12/2021). Đây cũng là một hỗ trợ thiết thực giúp các đơn vị KCB phục hồi sau đại dịch.
P.V: Theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế thời gian qua?
Ông Trương Thanh Phòng: Để xảy ra tình trạng trên, theo tôi có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Về khách quan là do tác động của các yếu tố như tình hình dịch bệnh, mô hình bệnh tật. Đặc biệt giai đoạn 2020 - 2021 là 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, nhiều gói thầu phải mua theo hình thức chỉ định thầu rút gọn, lựa chọn nhà thầu trong trường hợp khẩn cấp để phục vụ cho nhu cầu chống dịch. Dịch ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa dẫn đến nguồn nguyên liệu sản xuất, hàng hóa khan hiếm, giá cả hàng hóa nhiều biến động, việc mua sắm thuốc, vật tư y tế, hóa chất, các sinh phẩm cho phòng, chống dịch bệnh và KCB càng trở nên khó khăn hơn.
Cũng do dịch bệnh, một số cơ sở y tế tại địa phương đã phải phong tỏa tạm thời để tập trung cho công tác phòng chống dịch (PCD) bệnh. Năm 2022, khi dịch được kiểm soát, số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tại các cơ sở KCB trong 6 tháng đầu năm 2022 tăng cao so với thời gian trước đó đã làm ảnh hưởng đến việc xác định nhu cầu và triển khai kế hoạch mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư y tế của các cơ sở y tế.
Gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu khiến nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Nguồn cung khan hiếm, giá nguyên vật liệu tăng, tiến độ giao hàng không bảo đảm, lạm phát, trượt giá dẫn tới các nhà thầu bị ảnh hưởng trong sản xuất, kinh doanh, dẫn đến khó khăn trong cung ứng.
Thiếu nguồn cung nguyên liệu từ nước ngoài (nhất là Trung Quốc) để sản xuất các thuốc y học cổ truyền do một số giấy chứng nhận GMP của cơ sở sản xuất, chế biến dược liệu do cơ quan quản lý của Trung Quốc cấp đã hết hiệu lực theo thời hạn ghi trên giấy và không được tiếp tục gia hạn (80 - 85% nguyên liệu sản xuất thuốc y học cổ truyền nhập khẩu từ Trung Quốc).
Bên cạnh đó, các văn bản hướng dẫn về công tác đấu thầu của Bộ Y tế thường xuyên được bổ sung, hoàn thiện, nhất là về đấu thầu hóa chất, vật tư y tế và phương pháp xây dựng giá kế hoạch chưa cụ thể, còn nhiều hạn chế, trong quá trình tổ chức thực hiện phải thường xuyên xin ý kiến của cơ quan cấp trên và các ngành có liên quan. Một vấn đề nữa là hiện địa phương chưa có đơn vị đấu thầu tập trung chuyên trách mà toàn bộ công tác đấu thầu mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư y tế giao cho ngành y tế (chỉ có đấu thầu thuốc là có sự tham gia của BHXH tỉnh) do vậy hoạt động thiếu tính khách quan dễ xảy ra sai sót.
Về nguyên nhân chủ quan, công tác chỉ đạo, điều hành tại một số cơ sở KCB có lúc còn hạn chế. Hội đồng thuốc và điều trị tại một số đơn vị trong công tác xây dựng kế hoạch mua sắm thuốc của đơn vị mình còn chưa đáp ứng yêu cầu, do vậy việc tổng hợp, xây dựng danh mục, số lượng tại các đơn vị còn chậm và chưa bảo đảm theo quy định, chưa phù hợp với thực tế... Năng lực cán bộ làm công tác đấu thầu tại đa số các đơn vị trong ngành rất hạn chế, thường có tâm lý lo sợ khi được giao nhiệm vụ này nhất là trong tình hình hiện nay, nên tất cả mọi hoạt động đều trông chờ vào Sở Y tế.
Tổ chuyên gia đấu thầu, tổ thẩm định các thành viên là cán bộ công tác ở các cơ sở KCB trong ngành y tế làm kiêm nhiệm năng lực chuyên môn về đấu thầu còn mức độ, đều phải vừa làm vừa tìm hiểu, trong khi đó, đấu thầu thực tế có rất nhiều tình huống chưa có trong các văn bản hướng dẫn. Hoạt động đấu thầu mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư y tế của ngành y tế không được bố trí kinh phí để thuê tư vấn về đấu thầu.
Mặt khác, mặt hàng thuốc, hóa chất, vật tư y tế hiện nay nhiều, đa dạng về chủng loại, do vậy việc xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu, trong đó có giá kế hoạch cho các mặt hàng đấu thầu mất nhiều thời gian, nhất là hóa chất, vật tư y tế trên trang thông tin điện tử của Bộ Y tế công khai kết quả đấu thầu còn hạn chế, chưa thống nhất về danh mục... Do vậy, rất khó khăn trong quá trình thực hiện cho tuyến dưới.
P.V: Để bảo đảm đáp ứng kịp thời thuốc cho người bệnh, nhất là người bệnh có thẻ BHYT, Sở Y tế đã có giải pháp gì, thưa ông?
Ông Trương Thanh Phòng: Hiện nay, các gói thầu thuốc gồm: Gói thầu số 01-Thuốc generic; gói thầu số 02 - thuốc dược liệu được phê duyệt kết quả tại Quyết định số 140/QĐ- SYT ngày 08/4/2022 của Sở Y tế, cơ bản đáp ứng yêu cầu của các cơ sở KCB. Các gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế (bao gồm hóa chất, sinh phẩm y tế và vật tư y tế) dự kiến cuối tháng 07/2022 sẽ có kết quả. Tuy nhiên, vẫn có thể còn tình trạng thiếu thuốc cục bộ tại một số cơ sở KCB.
Để giải quyết vấn đề này, căn cứ các quy định hiện hành, Sở Y tế đã có văn bản hướng dẫn các đơn vị chủ động mua sắm thuốc theo thẩm quyền trong thời gian chờ kết quả đấu thầu thuốc, hóa chất, vật tư y tế tập trung các cấp. Đồng thời tham mưu đề xuất cấp có thẩm quyền chủ trương đấu thầu sau khi có kết quả đấu thầu tập trung năm 2022 tại Sở Y tế và những kỳ thầu tiếp theo.
Đề xuất với cấp có thẩm quyền: Ban hành danh mục chuẩn về hóa chất, vật tư y tế đấu thầu tập trung các cấp; cụ thể phương pháp xây dựng giá kế hoạch tại các văn bản hướng dẫn nhằm bảo đảm tính khả thi trong đấu thầu, đồng thời văn bản hướng dẫn cần rõ ràng, cụ thể, bảo đảm tính khách quan, giảm thiểu các sai sót không đáng có, tránh sự hiểu khác nhau giữa cơ quan thực hiện và cơ quan thanh, kiểm tra. Sở Y tế cũng đề nghị cần có sự phối hợp của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính trong thực hiện công tác này.
P.V: Hiện tại toàn ngành y tế tỉnh vẫn còn thiếu tới hơn 300 chỉ tiêu biên chế. Làm thế nào để giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân lực này, thưa ông?
Ông Trương Thanh Phòng: Hiện tại số cán bộ chuyên trách dân số chưa được giao chỉ tiêu biên chế, Sở Y tế đã báo cáo để được bổ sung chỉ tiêu biên chế đối với đối tượng này. Sở Y tế cũng đã đề nghị cấp có thẩm quyền quan tâm không tinh giản đối với ngành y tế, nhất là giai đoạn hiện nay dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường cần có đủ nhân lực để triển khai các hoạt động của ngành cũng như đáp ứng công tác PCD bệnh.
P.V: Để hạn chế tình trạng nhân viên y tế thôi việc, ngành y tế đã và sẽ có các giải pháp gì, thưa ông?
Ông Trương Thanh Phòng: Trước hết, ngành đề nghị cấp có thẩm quyền quan tâm tới lương, chế độ ưu đãi nghề và các khoản phụ cấp để bảo đảm đời sống cho cán bộ, nhân viên ngành y tế. Bên cạnh đó, đề nghị tỉnh có chính sách thu hút các bác sỹ về tỉnh, đặc biệt là bác sỹ có trình độ chuyên sâu, các bác sỹ công tác tại tuyến huyện, tuyến xã. Ngoài ra, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, động viên để cán bộ, nhân viên y tế ổn định tư tưởng, yên tâm công tác, yêu nghề, gắn bó với ngành.
P.V: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Nội dung: Đỗ Hồng-Hải Yến
Ảnh: Đỗ Hồng - Hải Yến
Thiết kế: Quốc Khánh
Ngày 21/11, Tổng Thư ký Quốc hội đã có Công văn số 4711/TTKQH-TT gửi các cơ quan thông tấn, báo, đài về việc công bố các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV. Báo Hà Nam trân trọng giới thiệu toàn văn các nghị quyết.
Báo Hà Nam trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Malaysia.
Với quan điểm: Lắng nghe, đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư tại Hà Nam, chiều 21/11, Ban Quản lý các khu công nghiêp (KCN) tỉnh tổ chức gặp gỡ doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) đầu tư tại các KCN trên địa bàn tỉnh. Ông Lưu Trần Sơn, Trưởng Ban Quản lý các KCN của tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Công ty Điện lực Hà Nam, các nhà đầu tư hạ tầng, đơn vị cung cấp dịch vụ tại các KCN và gần 40 doanh nghiệp đến từ Đài Loan.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.