Chú trọng công tác dân vận trong thực hiện giải phóng mặt bằng

E-MAGAZINE 10:58 12/07/2022 www.baohanam.com.vn

Một trong ba khâu đột phá Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Nam lần thứ XX đề ra là: Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát huy lợi thế liên kết vùng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, trọng tâm là phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Nhằm triển khai thực hiện hiệu quả khâu đột phá quan trọng này, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) được xác định là nhiệm vụ then chốt để đẩy mạnh thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế - xã hội (KT-XH) phát triển. Tuy nhiên, đây lại là khâu khó khăn nhất trong quá trình triển khai các dự án, chính vì vậy, công tác dân vận (CTDV) đã và đang được cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp trong tỉnh coi là giải pháp trọng tâm cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp tổ chức thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả.

Dự kiến giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh triển khai GPMB khoảng trên 9.000 ha, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của nhiều người dân trên địa bàn. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, MTTQ, đoàn thể trong tỉnh đang tích cực tham mưu, phối hợp, chỉ đạo, coi CTDV là nhiệm vụ quan trọng “đi trước, mở đường”, là “giải pháp mềm” có tính quyết định giúp đưa chủ trương, chính sách GPMB đến gần hơn với người dân, phát huy quyền làm chủ, tạo sự đồng thuận từ phía nhân dân trong chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, bảo đảm tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, phục vụ phát triển KT-XH. 

Ở Kim Bảng, từ đầu nhiệm kỳ đến nay trên địa bàn huyện đã thu hút 60 dự án, trong đó có nhiều dự án trọng điểm như: Khu Du lịch quốc gia Tam Chúc, đường Ba Sao- Bái Đính, Sân golf 36 hố (tại Tượng Lĩnh), tuyến đường kết nối vành đai 4 với vành đai 5, quốc lộ 21B; các dự án khu nhà ở đô thị, thương mại, dịch vụ, tái định cư, khu đấu giá đất... Từ năm 2021 đến nay, Kim Bảng đã thực hiện GPMB 24 dự án, phê duyệt 54 phương án bồi thường, hỗ trợ; tổng diện tích đất thu hồi trên 757.700m2, tổng kinh phí 184,424 tỷ đồng, 1.232 hộ dân ảnh hưởng. Về cơ bản, tiến độ GPMB thực hiện các dự án trên địa bàn Kim Bảng đều bảo đảm theo kế hoạch, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư triển khai dự án, góp phần quan trọng trong phát triển KT-XH, giúp địa phương thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025. 

Theo đồng chí Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, có được kết quả đó, “giải pháp mềm”-CTDV đặt lên hàng đầu. Ngoài tập trung chỉ đạo nêu cao vai trò của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đội ngũ cán bộ, đảng viên (CBĐV); gắn trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với triển khai thực hiện GPMB, Huyện ủy Kim Bảng tập trung chỉ đạo CBĐV, nhất là người đứng đầu phải gương mẫu, vận động người thân, nhân dân chấp hành nghiêm chủ trương, chính sách về GPMB. Mặt khác, chỉ đạo thực hiện nghiêm Quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với công khai thông tin về quy hoạch các dự án đầu tư, chính sách đền bù, hỗ trợ GPMB, tái định cư và tăng cường đối thoại, giải quyết kịp thời đơn thư, đề nghị chính đáng của công dân.

Coi trọng “giải pháp mềm”, các cơ quan, địa phương, đơn vị, đặc biệt là hệ thống cơ quan dân vận các cấp đã tập trung tham mưu cho cấp ủy đẩy mạnh CTDV, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong quá trình xây dựng, triển khai quy hoạch, thực hiện các dự án đầu tư phát triển KT-XH. Đồng chí Ngô Thị Khanh, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Bình Lục cho biết: Với sự chỉ đạo, vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phục vụ các dự án, công trình trên địa bàn huyện cơ bản đã thực hiện xong. Từ đầu năm 2020 đến nay, Bình Lục có 30 dự án triển khai với diện tích cần GPMB 43ha; số tiền đền bù GPMB 72,8 tỷ đồng. Để đạt được kết quả này, Ban Dân vận Huyện ủy đã tích cực tham mưu với cấp ủy, phối hợp chặt chẽ với UBND huyện, các phòng, ban, tổ chức đoàn thể đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, GPMB, tái định cư với phương châm “kiên trì, bền bỉ, liên tục”. 

Theo đó, tập trung tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh, sinh hoạt chi bộ, đoàn thể, họp dân, qua CBĐV phụ trách hộ và các thành viên ban vận động. Đồng thời, tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân để tuyên truyền kết hợp lắng nghe, tiếp thu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, nhất là những hộ bị ảnh hưởng khi thực hiện dự án. Ban Dân vận Huyện ủy cũng rất coi trọng tham mưu bồi dưỡng kỹ năng vận động, tuyên truyền, để đội ngũ CBĐV nói chung, CBĐV trực tiếp phụ trách công tác GPMB nói riêng thực sự biết lắng nghe, biết giải thích, thuyết phục giúp người dân hiểu về ý nghĩa, lợi ích khi triển khai dự án; tiếp thu, tham mưu giải quyết có hiệu quả từng ý kiến, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của người dân.

Với vai trò cơ quan tham mưu trong lĩnh vực thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư trên địa bàn tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng luôn bám sát quy định, hướng dẫn thực hiện Luật Đất đai, sự chỉ đạo của cấp trên để tham mưu với cấp ủy, chính quyền tỉnh ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, đúng trình tự, thủ tục thu hồi đất; cơ chế, chính sách về bồi thường, hỗ trợ tái định cư... Đây cũng được coi là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện tốt CTDV trong GPMB. 

Ông Hoàng Văn Long, Phó Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam cho biết: Cụ thể hóa tinh thần chỉ đạo của BTV, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu với Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết 06 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác GPMB phục vụ phát triển KT-XH giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết 09 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý, sử dụng đất đai, khoáng sản. Sở cũng đã tham mưu với HĐND tỉnh, UBND tỉnh ban hành văn bản về một số chính sách, biện pháp trong đầu tư xây dựng trước hạ tầng khu tái định cư phục vụ GPMB thực hiện các dự án phát triển KT-XH. Đầu năm 2022, sở cũng đã phối hợp với UBND TP Phủ Lý đề xuất cơ chế và được UBND tỉnh đồng ý cho phép thực hiện thí điểm thưởng bằng tiền đối với trường hợp người có đất đồng thuận để Nhà nước thu hồi, bàn giao mặt bằng trước thời hạn theo quy định của Luật Đất đai cho 1 dự án tại phường Lam Hạ. Việc thí điểm này được đông đảo người có đất thu hồi nhất trí, qua đó rút ngắn được nửa thời gian thu hồi đất.

Cùng với tập trung, sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo, cấp ủy, chính quyền, MTTQ, tổ chức chính trị- xã hội trong tỉnh đang tăng cường đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến công khai chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước về đất đai, tầm quan trọng của công tác GPMB, giúp đội ngũ CBĐV cùng các tầng lớp nhân dân hiểu và tự giác thực hiện. Cùng với đó, quá trình triển khai công tác bồi thường, GPMB, thu hồi đất thực hiện các dự án đầu tư phục vụ phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh được cấp ủy, chính quyền chỉ đạo tiến hành đúng trình tự, quy định, bảo đảm công khai, minh bạch, dân chủ, đúng pháp luật, bảo đảm quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. 

Nhờ thực hiện tốt công tác GPMB, tuyến đường Lê Duẩn, TP Phủ Lý được đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng đúng thời gian, tiến độ.

Là người có ruộng nằm trong diện thu hồi phục vụ dự án tại địa bàn TP Phủ Lý, bà Lại Thị Loan (Xóm 4, Liêm Chung, TP Phủ Lý) cho biết: “Khi triển khai GPMB, chính quyền địa phương tổ chức họp, lấy ý kiến nhân dân về quy hoạch dự án, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Đồng thời, công khai rộng rãi những nội dung liên quan đến dự án bằng nhiều hình thức linh hoạt, phù hợp, trực tiếp phổ biến trong hội nghị, thông tin trên hệ thống truyền thanh cơ sở, cung cấp tài liệu có liên quan, phát phiếu lấy ý kiến, niêm yết văn bản tại trụ sở UBND xã, nhà văn hóa thôn... Cách làm này vừa phát huy dân chủ, vừa giúp nhân dân hiểu đầy đủ hơn mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của dự án, quyền lợi cũng như trách nhiệm đồng thuận, ủng hộ cấp ủy, chính quyền trong triển khai GPMB phục vụ các dự án phát triển KT-XH.

Đồng chí Nguyễn Anh Chức, Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trao Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác GPMB dự án.

Trong quá trình triển khai thực hiện dự án, các cấp ủy, chính quyền còn thường xuyên tổ chức đối thoại, tiếp thu những ý kiến phản ánh, thắc mắc, khiếu nại của nhân dân, để điều chỉnh, bổ sung về cơ chế, chính sách, giá cả đền bù, phương pháp tổ chức thực hiện cho phù hợp; giải quyết kịp thời đơn thư khiếu nại, tố cáo của nhân dân. 

Từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn xã Tân Sơn, huyện Kim Bảng đã triển khai hơn 10 dự án có liên quan đến công tác GPMB. Ông Nguyễn Văn Chanh, Chủ tịch UBND xã Tân Sơn cho biết: Trong GPMB, việc di dời mồ mả là nhiệm vụ khó khăn nhất, bởi liên quan đến nhiều gia đình, dòng họ, người dân, trong đó có nhiều người dân sinh sống, làm ăn, công tác ở xa. Đặc biệt, với phong tục, tập quán văn hóa truyền thống của người Việt thì mồ mả là nơi rất linh thiêng cần được giữ gìn, chăm sóc. Thực hiện chủ trương di dời mồ mả riêng lẻ, chuẩn bị một bước trước khi đầu tư các dự án lớn, chỉ trong 2 tháng cuối năm 2021, nhờ phát huy dân chủ, tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân, cấp ủy, chính quyền, MTTQ, ban, ngành, đoàn thể ở Tân Sơn đã vận động các gia đình di dời 536 ngôi mộ về nghĩa trang tập trung. UBND xã Tân Sơn phối hợp chặt chẽ với Trung tâm phát triển quỹ đất, Ban Quản lý dự án huyện và chủ đầu tư thực hiện đầy đủ quy trình các bước triển khai. 

Cùng với đó, tham mưu với đảng ủy xã tổ chức hội nghị mở rộng đến các đoàn thể, các thôn, kết hợp tổ chức một số hội nghị để phổ biến chủ trương và tiến hành công tác tuyên truyền, vận động. Đồng thời, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ chức, cá nhân CBĐV; công khai quy hoạch, dự án, văn bản quy phạm pháp luật; mở hội nghị trực tiếp ở những thôn có công trình, dự án liên quan để nhân dân hiểu rõ chủ trương triển khai thực hiện dự án. UBND xã cũng đã tổ chức hội nghị làm việc trực tiếp với các hộ dân bị ảnh hưởng để phổ biến, quán triệt chủ trương, chính sách, kết hợp tuyên truyền vận động. Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với các ngành chuyên môn của huyện thực hiện việc đo đạc, thống kê, phân loại, xác định nguồn gốc đất đai, nguồn gốc tài sản, tổ chức kiểm kê tài sản, hoa màu và quản lý chắc thực địa. Mặt khác, phối hợp chặt chẽ trong xây dựng phương án bồi thường GPMB, công khai phương án đến những hộ bị ảnh hưởng, xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh theo đúng quy định của pháp luật; phối hợp tổ chức thanh toán, chi trả tiền bồi thường GPMB đúng, đủ, kịp thời.

Duy Tiên là địa phương thực hiện GPMB phục vụ rất nhiều dự án phát triển KT-XH. 2 năm qua, trên địa bàn thị xã có 40 dự án triển khai với diện tích đất thu hồi 526 ha; 5.498 hộ bị ảnh hưởng; tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ trên 864,2 tỷ đồng. Quá trình triển khai công tác GPMB tại một số dự án còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc về nguồn gốc đất, giá đất, đơn giá tài sản, vật kiến trúc để tính bồi thường, do lịch sử quản lý đất đai, lịch sử công trình tín ngưỡng, tôn giáo của gia đình, dòng họ, địa phương... Bên cạnh đó, nhận thức, ý thức của một bộ phận người dân trong thực hiện chủ trương thu hồi đất, GPMB còn hạn chế, ảnh hưởng đến tiến độ của các dự án, chương trình phát triển KT-XH... 

Ông Bùi Đức Long, Chủ tịch UBND phường Bạch Thượng, thị xã Duy Tiên cho biết: Thời gian qua, địa phương đã thực hiện GPMB để triển khai rất nhiều dự án như: Cải tạo, kiên cố hóa kênh A4-6, nhánh A4-8-29 và trạm bơm phục vụ chống úng cho các KCN, khu đô thị và sản xuất nông nghiệp (có 44 hộ dân bị ảnh hưởng); đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Đồng Văn I mở rộng phía đông bắc nút giao vực Vòng giai đoạn I (thu hồi 100ha, 689 hộ bị ảnh hưởng). Do có sự so sánh về chính sách, khung giá đền bù giữa người bị thu hồi đất trên địa bàn tỉnh với người bị thu hồi đất thuộc các tỉnh, thành phố lân cận nên làm nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp. Chính vì vậy, cấp ủy, chính quyền địa phương đã chỉ đạo quyết liệt, thực hiện nghiêm Quy chế dân chủ trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; công khai, minh bạch các quy định về dân chủ cơ sở và cơ chế "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng", coi trọng CTDV chính quyền trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương; tăng cường nắm tình hình nhân dân trước, trong và sau khi thực hiện dự án (nhất là tâm tư, nguyện vọng chính đáng của những người dân chịu tác động trực tiếp) để tham mưu, chỉ đạo giải quyết kịp thời, hạn chế ảnh hưởng tới các dự án tiếp sau; đẩy mạnh thực hiện mô hình “Dân vận khéo” trong công tác GPMB. Tổ chức đối thoại định kỳ giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với CBĐV, nhân dân, lắng nghe ý kiến, kiến nghị của nhân dân đối với những chủ trương, chính sách, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển KT-XH. Hướng dẫn nâng cao chất lượng hoạt động của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng trong quá trình triển khai các dự án trên địa bàn.

Tuyến giao thông huyết mạch nối 2 tỉnh Hà Nam và Hưng Yên được xây dựng góp phần quan trọng phát triển KT-XH 2 địa phương.

Nhờ chú trọng thực hiện đồng bộ các giải pháp trong CTDV khi thực hiện GPMB, đến nay cơ bản các dự án trên địa bàn tỉnh được triển khai đúng tiến độ, qua đó thiết thực góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, bảo đảm an ninh- quốc phòng, tạo tiền đề quan trọng hoàn thành thắng lợi mục tiêu nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.

Nội dung: Nguyễn Hằng

Ảnh: Thế Trang - Nguyễn Hằng - Khương Doanh

Thiết kế: Quốc Khánh

TIN MỚI CẬP NHẬT

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn yết kiến Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni

Chính trị  |  18:24 23/11/2024

Chiều 23/11, tại Hoàng cung Campuchia ở Thủ đô Phnom Penh, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã yết kiến Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni.

Cần cơ chế huy động tối đa nguồn vốn hiệu quả để phát triển đất nước

Người đại biểu nhân dân  |  14:54 23/11/2024

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, một trong những vấn đề cấp thiết hiện nay là đất nước vẫn còn thiếu vốn cho phát triển. Vì vậy, cần có một cơ chế chính sách hợp lý để huy động tối đa nguồn vốn từ nhiều nguồn lực khác nhau để thúc đẩy phát triển đất nước.

Tổng Bí thư Tô Lâm dự Lễ khai trương đường bay Hà Nội – Kuala Lumpur

Chính trị  |  12:33 23/11/2024

Theo đặc phái viên TTXVN, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Malaysia, sáng 23/11, ngay sau khi thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia và gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Malaysia, Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự khai trương đường bay mới kết nối Hà Nội và Kuala Lumpur của Vietjet nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế, văn hóa và du lịch giữa Việt Nam – Malaysia, cũng như toàn Đông Nam Á.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC