Các hình thức bạo lực dưới quan niệm “dạy dỗ con trẻ” cần được chấm dứt

Sự kiện - Bình luận 05:17 04/06/2022 Minh Thu

Ngay sau khi nhận được thông tin bé gái 1 tuổi ngụ ở phường Tân Tạo (quận Bình Tân) bị tử vong tại bệnh viện có dấu hiệu nghi vấn bị bạo hành, Công an quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh đã vào cuộc điều tra. Căn cứ vào kết luận điều tra, Hứa Thị Kim Trang, 21 tuổi, người trông giữ trẻ đã bị Công an quận Bình Tân tạm giữ hình sự, để điều tra về tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người.

Theo thông tin đã đưa, sáng 27/5, như thường lệ, mẹ bé gái đưa con đến gửi nhưng đến trưa Trang gọi điện nói "bé ho, ọc sữa, đang tím tái". Người mẹ lập tức chạy về đưa con vào bệnh viện cấp cứu nhưng các bác sĩ cho biết nạn nhân đã tử vong trước đó. Khám nghiệm tử thi, cảnh sát phát hiện bé bị đa chấn thương vùng bụng, dập gan, dập phổi... 

Vụ việc xảy ra đúng thời điểm nhiều địa phương đang sôi nổi triển khai Tháng hành động vì trẻ em đã khiến cho dư luận vô cùng bức xúc. Điều đáng lo ngại là những vụ việc bạo hành trẻ em dẫn đến tử vong xảy ra trong thời gian gần đây dường như tăng lên và hầu hết những đứa trẻ bị bạo hành dẫn đến tử vong đều quá nhỏ, không có khả năng tự vệ. 

Trẻ em cần được an toàn tại gia đình, trong nhà trường và trong cộng đồng. Tuy nhiên, kỷ luật mang tính bạo lực vẫn còn phổ biến ở Việt Nam. Trong nhiều gia đình, bạo lực vẫn được sử dụng làm phương tiện để dạy dỗ và giáo dục con cái… Điều đó, có nghĩa, khi các hình thức kỷ luật mang tính bạo lực vẫn là một tiêu chuẩn được xã hội chấp nhận, thì trẻ em sẽ là đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương khi hiểu biết về quyền của mình bị hạn chế nên các em thường không lên tiếng và tìm sự giúp đỡ khi bạo hành xảy ra. Luật Trẻ em 2016 đã nêu rất rõ: Tất cả trẻ em đều có quyền được bảo vệ khỏi bạo hành, bất kể bản chất hay mức độ nghiêm trọng của hành vi này và mọi hình thức bạo hành đều có thể gây hại cho trẻ em, giảm lòng tự trọng, sự tôn trọng nhân phẩm và cản trở sự phát triển của trẻ… 

Đại dịch Covid-19 gây ra tổn thất nặng nề trên mọi phương diện. Những hạn chế đi lại, cách ly xã hội cùng những áp lực về kinh tế và xã hội tăng đã dẫn đến nguy cơ bạo lực gia đình tăng; đặc biệt là đối với phụ nữ và trẻ em gái, như ngược đãi, bạo lực trên cơ sở giới và xâm hại tình dục. Ở nhiều quốc gia trên thế giới, bạo lực gia đình tăng từ 30% đến 300%. Tại Việt Nam, theo thống kê năm 2021, cả nước xảy ra 2.000 vụ trẻ bị xâm hại. Tuy nhiên, đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Bởi theo báo cáo của UNICEF giai đoạn 2020 - 2021, bạo lực có xu hướng gia tăng với 70,5% trẻ từ 1 đến 14 tuổi cho biết đã trải qua một số hình thức bạo lực tại gia đình hoặc do người chăm sóc gây ra. 

Mặc dù, thời gian qua, rất nhiều vụ việc đã bị phát hiện nhiều đối tượng bạo hành trẻ em bị khởi tố và đã bị pháp luật nghiêm trị nhưng số vụ bạo hành trẻ em dường như vẫn có xu hướng tăng với mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn. Thiết nghĩ, để giải quyết tận gốc vấn nạn này, trước hết cần phải thay đổi quan niệm về giáo dục, phương thức giáo dục đối với trẻ em. Các hình thức bạo lực dưới quan niệm dạy dỗ con trẻ trong gia đình cần được chấm dứt ngay lập tức.

Dưới góc độ tâm lý, bà Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) cũng nhấn mạnh: Cần thay đổi nhận thức của người dân. Bởi nhiều người vẫn ngại phiền phức, nghĩ rằng đó là chuyện riêng của nhà người ta. Người lớn im lặng đồng nghĩa với chấp nhận sống trong xã hội dung túng bạo hành con trẻ… Vụ việc em bé 3 tuổi bị đinh găm vào đầu ở Thạch Thất hay vụ bé 8 tuổi bị người tình của bố bạo hành ở TP Hồ Chí Minh, khiến nhiều người ám ảnh vì sự im lặng hoặc chậm trễ nói ra khiến những đứa trẻ tổn thương cả về tinh thần lẫn thể chất.

Về lâu dài, hệ thống bảo vệ trẻ em cần vươn dài tới tận thôn, xã, với những cán bộ được đào tạo bài bản, có kỹ năng giao tiếp với trẻ, kết nối với các cơ quan để cùng vào cuộc khi có vụ việc xảy ra. Công tác bảo vệ trẻ em cũng nên đưa vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu về vấn đề này.

TIN MỚI CẬP NHẬT

Chủ tịch Đại hội đồng LHQ chúc mừng Việt Nam trúng cử UNCITRAL

Quốc tế  |  10:29 22/11/2024

Ngày 21/11, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc Đặng Hoàng Giang đã có cuộc tiếp xúc với Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) khóa 79 Philemon Yang để trao đổi về các tiến trình quan trọng và ưu tiên sắp tới của ĐHĐ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Dominicana

Kinh tế  |  06:20 22/11/2024

Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21/11 (theo giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Dominicana.

Tăng cường phòng, chống bệnh dại

Y tế  |  05:33 22/11/2024

Sau ổ dịch dại trên đàn chó tại xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm xảy ra năm 2015 và 1 ca bệnh dại làm 1 người chết tại xã Đồn Xá, huyện Bình Lục xảy ra năm 2016, từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn tỉnh không xảy ra ổ dịch dại nhưng nguy cơ về bệnh dại luôn thường trực khi số lượng người phải tiêm phòng dại hằng năm đều cao.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC