Kiểm soát tình trạng béo phì ở trẻ

Theo dõi kết quả nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe của trẻ cho thấy, ngành giáo dục và đào tạo Hà Nam đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục mầm non quản lý chặt chẽ chất lượng bữa ăn đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm, bảo đảm cân đối, hợp lý về dinh dưỡng, đa dạng thực phẩm và phù hợp với trẻ. 

Toàn tỉnh có 56.720 trẻ em mầm non ra lớp trong năm học qua, ít hơn so với các năm trước. Tuy nhiên, theo báo cáo, trong số trẻ mầm non đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại các cơ sở giáo dục mầm non, có 437 trẻ em ở diện béo phì, chủ yếu tập trung ở lứa tuổi mẫu giáo, chiếm tỷ lệ gần 1%. Mặc dù số trẻ béo phì ở các trường mầm non có xu hướng giảm đi, song việc kiểm soát cân nặng đối với trẻ ở độ tuổi này rất đáng lưu ý, vì 80% số trẻ béo phì có nguyên nhân từ chế độ dinh dưỡng.

Theo bà Phạm Thị Thúy Hường, Tổ trưởng Tổ Mầm non, Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Duy Tiên, 5 năm về trước, trên địa bàn thị xã tỷ lệ trẻ em béo phì cao hơn hiện nay. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, trong đó có nguyên nhân cơ bản là điều kiện kinh tế của các gia đình phát triển, việc chăm sóc con cái tốt hơn trước, do đó vấn đề đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng vượt mức cần thiết đối với trẻ.

Vài năm trở lại đây, công tác chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ đã có những thay đổi tích cực từ gia đình đến nhà trường. Hầu hết các trường mầm non đều có kế hoạch quản lý chặt chẽ chất lượng bữa ăn đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm, bảo đảm cân đối, hợp lý về dinh dưỡng, đa dạng thực phẩm và phù hợp với trẻ; kiểm soát chặt chẽ nguồn cung cấp thực phẩm và thực hiện nghiêm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm trong các bếp ăn tại các cơ sở giáo dục mầm non; nghiêm túc thực hiện việc giao, nhận thực phẩm theo quy trình 3 bước có sự giám sát của cha mẹ/người chăm sóc trẻ và cộng đồng theo quy định. 

Kiểm soát tình trạng béo phì ở trẻ
Giờ vui chơi của các bé Trường Mầm non phường Yên Bắc (thị xã Duy Tiên). 

Duy Tiên là địa bàn có đông trẻ em đến lớp do tập trung nhiều khu công nghiệp, thu hút lực lượng lao động từ các tỉnh, các địa phương khác về làm việc đông, trong đó lao động ở độ tuổi có con nhỏ chiếm đa số. Ngành giáo dục chỉ đạo các nhà trường họp phụ huynh, thống nhất các biện pháp chăm sóc trẻ phù hợp với yêu cầu nâng cao thể chất, bảo đảm sự phát triển lành mạnh cho trẻ. Với những trẻ có nguy cơ béo phì, giáo viên phụ trách lớp có nhiệm vụ trao đổi với gia đình, kiểm soát tốt chế độ ăn, nghỉ cho trẻ. Trong khẩu phần ăn hằng ngày ở trường, các bé được lưu ý chế độ ăn riêng, tăng cường các bài tập, chơi để trẻ được vận động nhiều.

Bà Phạm Thị Thúy Hường chia sẻ: “Theo báo cáo từ các trường, bám sát chỉ đạo này mà thời gian qua, tỷ lệ trẻ em béo phì được kiểm soát tốt, giảm từng năm. Nếu trước đây, số trẻ béo phì có lúc chiếm tỉ lệ từ 2- 3% tổng số trẻ ra lớp thì bây giờ chỉ là 0,36%...”. 

Tuy nhiên, việc giảm béo cho trẻ béo phì và trẻ có nguy cơ béo phì là trách nhiệm lớn của các bậc phụ huynh. Theo bác sỹ Trần Thị Duyên, Bệnh viện Sản Nhi Hà Nam, trẻ em mắc béo phì hiện nay do nhiều nguyên nhân, trong đó có thói quen ăn uống nhiều năng lượng hơn nhu cầu, ít vận động. Điều có thể nhìn thấy rất rõ là chuyện trẻ em thích chơi điện thoại hơn là chạy nhảy ngoài trời. Thích ăn các đồ chiên, rán hơn là những thức ăn có nhiều chất xơ như rau, củ quả. Khi trẻ bị béo phì, không ít phụ huynh đã cố gắng hạn chế con ăn, thậm chí tuyệt đối không cho ăn đồ ngọt, đồ béo, hạn chế uống sữa… Đó không phải là cách hiệu quả để giảm béo cho bé. Điều quan trọng, phụ huynh nên cho con sử dụng thức ăn có nhiều xơ, thịt nạc, uống nhiều nước; tạo điều kiện cho bé được hoạt động, vận động nhiều hơn. Tuyệt đối không nên để cho trẻ nhịn ăn, vì với những trẻ béo phì, nhịn ăn một bữa bữa sau sẽ đói và ăn nhiều hơn. Việc chăm sóc trẻ béo phì cần khoa học, bảo đảm sức khỏe cho trẻ. 

Bác sỹ Trần Thị Duyên cũng khuyến cáo các bậc phụ huynh về những bệnh lý liên quan đến béo phì ở trẻ. Cũng giống như người lớn, khi trẻ em bị béo phì, dư thừa cân nặng sẽ có nguy cơ mắc một số bệnh về tim mạch, đái tháo đường, bệnh khớp, đau cột sống… Bên cạnh đó, các trẻ sẽ mắc phải những trở ngại về tâm lý khi bị các trẻ khác trêu chọc, kỳ thị về hình thức. Nhiều bé đã mất tự tin, xấu hổ và luôn tìm cách tránh giao tiếp. Nếu không có sự can thiệp của người lớn, trẻ sẽ càng ngày càng bị ảnh hưởng đến thể chất và tinh thần. Người lớn cũng nên có những biện pháp tâm lý, nâng cao nhận thức cho trẻ trong việc sử dụng các thức ăn nhanh, đồ uống dễ gây béo, làm cho trẻ hiểu tác động tiêu cực của việc béo phì đến sức khỏe, tâm lý, học tập và sinh hoạt của các em. 

Giang Nam

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.