Là bệnh viện tuyến đầu của tỉnh, cũng là một trong những cơ sở điều trị đầu tiên của Hà Nam thực hiện tự chủ hoàn toàn chi thường xuyên, từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh cùng lúc gánh trên vai hai nhiệm vụ quan trọng: duy trì khám, chữa bệnh (KCB) để bảo đảm nguồn thu; đồng thời thể hiện vai trò của BV tuyến đầu trong phòng, chống dịch (PCD). Trong điều kiện còn nhiều khó khăn về nguồn thu, cơ sở vật chất, trang thiết bị..., nhiệm vụ nào cũng không dễ dàng, nhưng qua đó BVĐK tỉnh đã ngày càng khẳng định vị thế BV tuyến đầu của mình.
TS Phan Anh Phong, Giám đốc BVĐK tỉnh cho biết, từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, cán bộ, nhân viên BV đã phải làm khối lượng công việc có thể nói là gấp đôi so với trước đó. Siết chặt các biện pháp PCD, không để dịch xâm nhập BV vừa là thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, của tỉnh, nhưng cũng là “giữ cánh cửa” trọng yếu để BV duy trì được công tác KCB, duy trì nguồn thu. Tuy nhiên, riêng việc PCD tại BV đã tiêu tốn không ít nhân lực, vật lực. BV phải xây dựng hệ thống phân luồng giao thông, bảo đảm người ra vào viện di chuyển một chiều, lập các chốt kiểm soát chặt chẽ người ra vào. 100% người vào viện đều được đo thân nhiệt, bắt buộc đeo khẩu trang, khai báo y tế, sau đó đóng dấu lên tay để tiện kiểm soát. Những người có dấu hiệu ho, sốt, có tiền sử đi về từ vùng dịch lập tức được đưa sang khu vực riêng để khám sàng lọc. Những người tại khu điều trị được kiểm soát chặt chẽ. Mỗi bệnh nhân có tối đa 2 người nhà cố định luân phiên nhau chăm sóc, được giám sát bằng vòng đeo tay nhận diện. Cả bệnh nhân và người nhà khi vào viện đều được làm xét nghiệm SARS-CoV-2, và cứ mỗi 7 ngày lại xét nghiệm lại.
Tại các khoa, phòng đều bố trí mô hình “Khoa, phòng chia đôi” (mỗi khoa, phòng đều chia 2 khu vực, một dành cho bệnh nhân đã có xét nghiệm âm tính, một dành cho bệnh nhân đang chờ kết quả xét nghiệm). Tất cả cán bộ, nhân viên BV đều thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 hằng tuần. Là một trong hai đơn vị của tỉnh được đầu tư hệ thống xét nghiệm xác định vi-rút SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật realtime RT-PRC, nên việc xét nghiệm cho các mẫu được lấy sàng lọc hằng ngày tại BV có kết quả nhanh hơn, nhưng để vận hành hệ thống này BV phải tính toán, dành ra 9 người đi đào tạo và về làm việc tại đây.
Một nhiệm vụ rất quan trọng khác của BV, đó là điều trị bệnh nhân Covid-19. Trong khuôn viên chật chội vì có cả BV Sản-Nhi nhờ cơ sở vật chất, BV vừa thực hiện bảo đảm an toàn tuyệt đối để tránh lây nhiễm từ khu cách ly ra ngoài, vừa tích cực nghiên cứu phác đồ để điều trị hiệu quả cho bệnh nhân. Các y, bác sỹ ở trong khu cách ly cùng với bệnh nhân cả tháng, có người đến gần 2 tháng, chấp nhận vất vả, nguy hiểm bởi có thể bị lây nhiễm bệnh bất cứ lúc nào, dốc sức hoàn thành nhiệm vụ rất quan trọng này. Từ khi dịch bùng phát đến nay phần lớn bệnh nhân Covid-19 của tỉnh được điều trị tại BVĐK tỉnh, tất cả đều khỏi bệnh.
BVĐK tỉnh cũng thể hiện vai trò là BV tuyến đầu của tỉnh khi hỗ trợ chuyên môn cho các BV tuyến dưới trong điều trị bệnh nhân Covid-19, hỗ trợ các điểm nóng dịch bệnh trong và ngoài tỉnh. Trong những ngày cao điểm của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, BV đã cử đoàn cán bộ y tế gồm 20 người hỗ trợ BV dã chiến đặt tại BV Bạch Mai cơ sở 2. Và vừa qua, 20 y, bác sỹ của BV lại lên đường hỗ trợ "điểm nóng" Thành phố Hồ Chí Minh dập dịch...
Thực hiện các nhiệm vụ quan trọng trong PCD, nhưng suốt 2 năm qua kể từ khi dịch bệnh bùng phát, BVĐK tỉnh cũng đối mặt với nhiều khó khăn do nguồn thu bị ảnh hưởng khá nặng nề bởi dịch bệnh. Bác sỹ Phan Anh Phong chia sẻ, khi BV bắt đầu thực hiện tự chủ hoàn toàn chi thường xuyên, lượng bệnh nhân quyết định sự tồn tại, phát triển của BV, nhưng đó cũng là thời điểm dịch bệnh bùng phát, số bệnh nhân đến viện giảm 30-50% so với trước đó, có thời điểm giảm tới 70% (trước đây khoảng 1.000 bệnh nhân đến KCB/ngày, duy trì điều trị nội trú khoảng 700 bệnh nhân. Hiện nay, có khoảng 500 bệnh nhân đến KCB/ngày, điều trị nội trú duy trì khoảng 550 bệnh nhân). Nguồn thu giảm, nhưng BV vẫn phải đầu tư nguồn kinh phí đáng kể cho công tác PCD tại BV, dẫn đến nguồn chi càng eo hẹp. Bên cạnh đó, việc thanh toán bảo hiểm y tế với cơ quan chuyên môn còn nhiều vướng mắc. Từ năm 2017 đến nay BV chưa được chi trả 34 tỷ đồng từ nguồn thu này, dẫn đến đã khó lại càng khó.
Ông Phan Anh Phong cho biết, suốt một thời gian dài qua nguồn thu của BV chỉ đủ chi hoạt động thường xuyên, bảo đảm chi lương, phụ cấp theo quy định, hoàn toàn không có kết dư trích thưởng, không có thu nhập tăng thêm, không có tích lũy để tái đầu tư. Trong khi đó, cơ sở vật chất BV ngày càng xuống cấp, BV cần thêm nhiều máy móc thiết bị để triển khai ứng dụng các kỹ thuật mới có thể phát triển BV... Hiện BV vẫn tiếp tục nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ quan trọng trong PCD bệnh, duy trì công tác KCB. Đặc biệt, thực hiện sự chỉ đạo, BV đang triển khai nâng số giường điều trị bệnh nhân Covid-19 từ 20 giường hiện tại lên 50 giường, trong đó có 20 giường điều trị bệnh nhân nặng để dự phòng cho tình huống dịch lan rộng. BV đang đề nghị được tăng cường trang thiết bị nâng cao năng lực đáp ứng điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng (cần thở máy, bị suy đa tạng).
Tuy nhiên, song song với việc thực hiện nhiệm vụ PCD mà BV đã và đang rất nỗ lực, BV rất cần được hỗ trợ để có thể thực hiện mục tiêu phát triển chuyên môn kỹ thuật, nâng cao chất lượng KCB, nâng cao đời sống cán bộ, y, bác sỹ để họ yên tâm gắn bó với BV...
Đỗ Hồng