Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, quân dân ta vừa tự chế tạo vũ khí, trang bị (VKTB), vừa được tiếp nhận viện trợ rất lớn VKTB hiện đại của Liên Xô, Trung Quốc và thu được vũ khí chiến lợi phẩm của địch. VKTB hiện đại nhập ngoại và thu của địch vốn được chế tạo để sử dụng cho những đội quân khác, trên chiến trường khác, đối phó với đối phương khác. Vì thế, việc khai thác, sử dụng số VKTB này để tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Quân đội ta và trở thành một lĩnh vực công nghệ có ý nghĩa chiến lược lâu dài.
Theo quan niệm của khoa học-công nghệ hiện đại, VKTB được Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN) viện trợ cho Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cũng là một dạng chuyển giao công nghệ, gọi là công nghệ-sản phẩm. Trong đó, yếu tố con người được đặt vào vị trí trung tâm và được hiểu là đội ngũ nhân lực có quyết tâm chiến đấu rất cao, được tổ chức tốt, có kiến thức và kỹ năng để khai thác, sử dụng hiệu quả sản phẩm công nghệ được chuyển giao từ bên ngoài.
Hoạt động của Quân đội ta khai thác, sử dụng VKTB để đánh thắng hai cường quốc quân sự hàng đầu thế giới là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ để lại nhiều bài học kinh nghiệm, hình thành nên đặc trưng nổi bật của công nghệ quân sự Việt Nam. Đặc trưng đó có những đặc điểm mang bản sắc Việt Nam. Đó là, ý chí cách mạng tiến công, quyết tâm đánh bại quân xâm lược có tiềm lực khoa học-công nghệ và sức mạnh quân sự vượt xa Việt Nam; đồng thời tiến hành cuộc cách mạng khoa học-kỹ thuật; có năng lực cải tiến và cải biên VKTB; nghiên cứu phát hiện những hạn chế cơ bản của vũ khí địch để tìm cách đánh bại chúng.
Ý chí cách mạng tiến công
Ý chí cách mạng tiến công, quyết tâm đánh bại quân xâm lược được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định trong bản Tuyên ngôn Độc lập: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy!”. Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1946 tiếp tục khẳng định: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên! Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc...”.
Biên đội Tàu tên lửa, Lữ đoàn 170, Vùng 1 Hải quân thực hành bắn đạn thật trên biển. Ảnh: ĐOÀN HIỆP
Bước vào giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (năm 1960) khẳng định: “Trong thời đại ngày nay, một dân tộc thuộc địa nhỏ yếu đoàn kết chiến đấu dưới sự lãnh đạo của Đảng của giai cấp công nhân thì có thể đánh bại bọn đế quốc xâm lược, giành độc lập và tự do thật sự”. Ngày 17-7-1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi chống Mỹ, cứu nước, khẳng định chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Trong những năm cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, tư tưởng cách mạng tiến công, quyết đánh bại quân xâm lược đã trở thành lý tưởng, lẽ sống của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta.
Chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III xác định tiến hành cuộc cách mạng XHCN ở miền Bắc là nhiệm vụ có ý nghĩa quyết định nhất đối với sự phát triển của toàn bộ cách mạng Việt Nam, đối với sự nghiệp thống nhất nước nhà. Trong đó có nhiệm vụ “tiến hành cuộc cách mạng về vǎn hóa và kỹ thuật là làm cho nhân dân lao động có trình độ vǎn hóa ngày càng cao, nắm được những hiểu biết cần thiết về khoa học và kỹ thuật và áp dụng được những hiểu biết đó vào việc xây dựng một nền vǎn hóa, khoa học và kỹ thuật tiên tiến, thiết thực phục vụ sự nghiệp cách mạng XHCN”.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III, khi bước vào cuộc chiến tranh nhân dân chống quân Mỹ xâm lược, chúng ta đã đạt được một số thành tựu quan trọng trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, trong đó có thành tựu xây dựng tiềm lực khoa học-kỹ thuật. Tuy tiềm lực đó chưa đủ để ta có thể tự sản xuất đủ VKTB cần thiết để trang bị cho Quân đội nhưng đã nâng cao trình độ dân trí, tạo tiền đề rất quan trọng để chúng ta khai thác, sử dụng các phương tiện chiến tranh hiện đại do Liên Xô, Trung Quốc và các nước XHCN viện trợ, cũng như các loại vũ khí thu được của địch, tiến tới cải tiến và cải biên các phương tiện đó sao cho thích hợp với điều kiện của cuộc chiến tranh nhân dân Việt Nam. Ngoài ra, tiềm lực khoa học-kỹ thuật còn đóng vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu các ưu, nhược điểm của VKTB hiện đại của địch, từ đó hạn chế chỗ mạnh và khoét sâu chỗ yếu để đánh bại chúng.
Tìm cách vô hiệu hóa vũ khí của đối phương
Năng lực của quân và dân ta cải tiến, cải biên VKTB trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ được thể hiện rất rõ trên nhiều mặt. Một là, trong điều kiện kháng chiến vô cùng ác liệt, khó khăn, thiếu thốn mọi bề, mỗi sáng kiến cải tiến, cải biên VKTB có thể được ghi nhận như một chiến công thầm lặng của quân và dân ta. Hai là, không chỉ cải tiến, cải biên các chi tiết nhỏ mà trong nhiều trường hợp còn cả hệ thống VKTB lớn; không chỉ cải tiến, cải biên các loại VKTB có tính chất cơ khí là chủ yếu như súng cối mà cả những VKTB có trình độ công nghệ cao như máy bay, tên lửa, các phương tiện công binh, thông tin liên lạc...
Phi công Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không-Không quân huấn luyện làm chủ bầu trời. Ảnh: ĐỨC LƯU
Xuất phát từ quyết tâm dám đánh những đội quân xâm lược có ưu thế sức mạnh vượt trội, quân dân ta mới nhận thấy ưu thế công nghệ của thực dân Pháp, đế quốc Mỹ không đồng nhất với ưu thế quân sự của họ, rằng VKTB của họ dù hiện đại đến mấy cũng có những hạn chế và khiếm khuyết nhất định. Qua nghiên cứu, chúng ta thấy chính các nhà lý luận quân sự phương Tây cũng cho rằng ưu thế công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, chỉ phát huy tác dụng trên những chiến trường nhất định, nhằm vào các đối tượng tác chiến nhất định. Một quả bom, tên lửa “tinh khôn” được chế tạo để tấn công đối thủ ở châu Âu hay ở sa mạc có thể tỏ ra rất "ngớ ngẩn" trước một đối phương trên chiến trường nhiệt đới, rừng rậm như ở Đông Dương, thậm chí không hữu hiệu bằng những vũ khí thô sơ. Ngoài ra, ưu thế công nghệ chỉ có thể tạo ra ưu thế quân sự khi kết hợp với các yếu tố khác như học thuyết quân sự, tinh thần, tâm lý và các yếu tố nhân văn khác. Trên cơ sở nhận thức lý luận này, quân và dân ta đã sáng tạo ra nhiều biện pháp hữu hiệu để vô hiệu hóa ưu thế công nghệ của Mỹ. Trong đó điển hình là các biện pháp đơn giản để vô hiệu hóa hàng rào điện tử McNamara, bom từ trường hay khả năng chiến tranh điện tử của máy bay ném bom chiến lược B-52...
Sử dụng khéo léo tính chất đan xen công nghệ của VKTB
VKTB của Quân đội ta trong hai cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Pháp và Mỹ được chế tạo bằng những công nghệ có trình độ rất khác nhau, từ thủ công thô sơ đến hiện đại, với những tính năng kỹ thuật, chiến thuật cũng rất khác nhau. Tuy nhiên, thực tế này đã tạo ra sự đan xen công nghệ rất thích hợp đối với cuộc chiến tranh nhân dân toàn diện của quân và dân ta.
Lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam thực hành diễn tập bắn đạn thật trên biển . Ảnh: VŨ TUẤN
Sử dụng một cách khéo léo tính chất đan xen công nghệ, quân và dân ta đã tạo ra hệ thống hỏa lực sát thương đan xen nhiều tầng, nhiều lớp, nhiều tuyến rộng khắp cả nước. Có trường hợp ta dùng vũ khí hiện đại là chính, kết hợp với vũ khí kém hiện đại và thô sơ. Trường hợp khác ta lại sử dụng vũ khí kém hiện đại và thô sơ là chính, kết hợp với vũ khí hiện đại. Ví dụ, sử dụng pháo phòng không là phương tiện chiến đấu chủ yếu, kết hợp với các phương tiện khác để đánh máy bay ở tầm thấp và vừa. Để đánh máy bay địch ở tầm cao, ta lại sử dụng máy bay và tên lửa là phương tiện chiến đấu chủ yếu, kết hợp với các phương tiện khác. Trên chiến trường miền Nam, ta dùng cả súng bộ binh và mìn bẫy bố trí trên ngọn cây để diệt máy bay địch; dùng chướng ngại vật, mìn chống tăng để đối phó với xe tăng của địch... Các phương tiện chiến đấu có tính năng, tác dụng khác nhau đặt trên mặt đất, trên không và trên biển, có uy lực lớn cũng như uy lực vừa và nhỏ, có tầm hoạt động xa cũng như gần, có điều khiển cũng như không điều khiển, tự động và nửa tự động, chuyên chở bằng những phương tiện cơ giới, tự hành hoặc thô sơ... đều được sử dụng phù hợp với tính năng, tác dụng của chúng.
Nhờ khai thác và tận dụng tính chất đan xen đó, quân và dân ta đã tạo ra hệ thống hỏa lực phù hợp với thế trận chiến tranh nhân dân, hình thành một loại hình chiến tranh du kích độc đáo, mang bản sắc Việt Nam. Không chỉ chiến tranh du kích trên núi rừng Việt Bắc, trên đầm lầy Nam Bộ, mà cả chiến tranh du kích trên không và trên biển, đưa nghệ thuật chiến tranh du kích Việt Nam phát triển đến đỉnh cao của chiến tranh nhân dân. Tờ Thời báo Mỹ số ra ngày 28-11-1966 đã nhận xét: Du kích Việt Nam trở thành những chuyên viên vĩ đại nhất, tài tình nhất trong lịch sử loài người. Một nhà báo quân sự Pháp trong bài viết đăng trên Tạp chí Các lực lượng vũ trang số ra ngày 30-4-1975 (đúng vào ngày quân và dân ta giải phóng miền Nam), nhận xét: Ở Bắc Việt Nam, trong hệ thống phòng không đan xen giữa pháo 23mm, 30mm, 37mm... là tên lửa SAM-2, về sau là SAM-3. Trong hệ thống đó, tên lửa SAM-2 đóng vai trò xua đuổi máy bay Mỹ từ tầng cao xuống tầng thấp và sa vào tầm hỏa lực phòng không rất nguy hiểm của pháo và súng bộ binh. Chỉnh thể hỏa lực đó đã giáng cho không quân Mỹ đòn thiệt hại với tỷ lệ 30 máy bay bị bắn rơi trong số 10.000 lượt chiếc trong năm 1966-1967.
(còn nữa)
THẾ MẪU - CHÍ DŨNG
QĐND