kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Bản lĩnh của những y, bác sĩ ở Bệnh viện Tâm thần

Bản lĩnh của những y, bác sĩ ở Bệnh viện Tâm thần

Điều trị, chăm sóc cho người bệnh vốn đã là công việc khó khăn, vất vả nhưng với các y, bác sĩ ở Bệnh viện Tâm thần tỉnh, công việc đó dường như còn khó khăn, vất vả hơn rất nhiều. Song với tình yêu nghề, tấm lòng của người thầy thuốc, đội ngũ các y, bác sĩ, điều dưỡng ở đây vẫn hằng ngày nỗ lực điều trị, xoa dịu tổn thương cho người bệnh tâm thần.

Trên thực tế, công việc của các y, bác sỹ ở bệnh viện tâm thần có tính đặc thù, khác hẳn với công việc của các đồng nghiệp tại các cơ sở y tế khác bởi đối tượng người bệnh cũng rất đặc biệt. Mỗi bệnh nhân khi vào đây có những tính cách khác nhau, có người trầm tính, ít nói nhưng có người luôn miệng lẩm bẩm, la hét, đập phá,... Hoàn cảnh mắc bệnh cũng đa dạng: do di truyền, do mắc phải những cú sốc tinh thần, làm việc quá căng thẳng hay do bị áp lực từ cuộc sống mà phát bệnh. Hơn thế, phần lớn bệnh nhân tâm thần đều có hoàn cảnh khó khăn, nhiều bệnh nhân không có người nhà chăm sóc nên mọi sinh hoạt hằng ngày của người bệnh đều do các y, bác sĩ, điều dưỡng của bệnh viện thực hiện.

9 năm gắn bó với Bệnh viện Tâm thần tỉnh cũng là bằng ấy thời gian bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, Chuyên khoa I, Trưởng khoa điều trị nghiện chất đã trải qua rất nhiều khó khăn, vất vả trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, phục vụ người bệnh. Dù vậy, anh chưa bao giờ thấy nản lòng. Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng tâm sự: Trong suốt những năm tháng làm việc ở đây, với tôi, đã có không ít kỷ niệm buồn, vui cùng những tình huống dở khóc, dở cười. Thậm chí, có không ít lần bản thân tôi và đồng nghiệp còn bị bệnh nhân đuổi đánh khi họ lên cơn... Khi đối diện với những tình huống đó, tâm lý chung của con người thì ai cũng sợ nhưng nếu cứ sợ thế sẽ lấy ai chăm sóc bệnh nhân. Nghĩ vậy, tôi cùng các y, bác sỹ luôn tự nhủ phải thực sự cảm thông cho người bệnh; cố gắng vượt qua áp lực để thực hiện tốt trách nhiệm của người thầy thuốc với bệnh nhân. Thời gian đã gắn chúng tôi với công việc chẳng ai muốn làm này và khi được chứng kiến có bệnh nhân khỏi bệnh, trở lại hòa nhập cộng đồng hay bệnh tình có tiến triển, phục hồi tốt hơn, chúng tôi như có thêm động lực để làm việc, thêm yêu và gắn bó với nghề.

Khi được hỏi vì sao lại chọn và gắn bó với công việc mà ai cũng cho là khó khăn, vất vả này, bác sĩ Nguyễn Văn Dũng đã khẳng khái trả lời: Thực ra khi mới ra trường, tôi cũng có cho mình nhiều sự lựa chọn, nhưng sau tất cả, tôi quyết định gắn bó với Bệnh viện Tâm thần tỉnh vì mong muốn góp chút sức lực nhỏ bé để làm thay đổi quan niệm của xã hội, cái nhìn tốt đẹp hơn về bệnh nhân khi vào bệnh viện tâm thần. Không phải chỉ đến khi bệnh nhân có các hành vi mất kiểm soát như: la hét, đập phá, chửi mắng... mới vào bệnh viện tâm thần mà ngay những người mất ngủ, rối loạn lo âu do áp lực cuộc sống, công việc cũng có thể vào đây để điều trị kịp thời. Điều đó có nghĩa bệnh viện tâm thần không phải là nơi chỉ dành cho bệnh nhân tâm thần...

Điều dưỡng Trịnh Thị Ngân ân cần chăm sóc người bệnh.

Hiện nay, mỗi ngày Bệnh viện Tâm thần tỉnh tiếp nhận khám cho hơn 100 trường hợp và điều trị nội trú cho khoảng 100 bệnh nhân. Đến Bệnh viện Tâm thần mới chứng kiến, hiểu hơn hết công việc bận rộn của các y, bác sĩ, điều dưỡng nơi đây, từ ghi chép bệnh án, chuẩn bị thuốc tiêm, cho bệnh nhân thuốc uống, thăm khám... cho đến cả việc đánh thức, hướng dẫn bệnh nhân dọn dẹp nơi ở, nhắc nhở ăn uống,... Bên cạnh những bệnh nhân có thể tự chăm sóc bản thân bằng những việc đơn giản thì một số trường hợp bệnh nặng phải trông chờ vào sự chăm sóc đặc biệt của cán bộ y tế.

Điều dưỡng Trịnh Thị Ngân sau 12 năm công tác tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh vẫn còn nhớ như in ngày mới nhận công tác nơi đây. Khi đó, chị đã cảm thấy vô cùng ngỡ ngàng và cả sợ hãi vì thực tế công việc khác xa rất nhiều so với suy nghĩ, mọi tình huống nguy hiểm có thể xảy đến khi đối mặt với bệnh nhân... Nhưng với sự đồng hành của các đồng nghiệp, chị nhanh chóng ổn định được tâm lý, sẵn sàng đối diện với những khó khăn, vất vả của công việc. Lâu dần, chị thấy nơi đây như một mái ấm dành cho những người không may mắn; người làm công việc như chị sẽ kéo gần hơn người bệnh về tới ranh giới của một người bình thường. Theo chia sẻ của chị Ngân, cùng với thực hiện các phác đồ điều trị trong khám và điều trị cho bệnh nhân, các cán bộ y tế còn đóng vai trò người thân, người bạn; phải tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh, thấu hiểu tính cách của từng bệnh nhân để gần gũi, động viên họ an tâm điều trị bệnh.

Trưởng phòng Điều dưỡng Bệnh viện Tâm thần tỉnh Trần Đức Linh cho biết: Các rối loạn tâm thần là những bệnh lý rất phức tạp, việc thăm khám, chăm sóc cho người bệnh gặp nhiều khó khăn do thiếu sự hợp tác. Nếu như bệnh nhân bình thường họ đều cho biết bản thân bị đau chỗ này, mỏi chỗ kia thì bệnh nhân tâm thần thường sẽ phủ nhận bệnh của họ. Do đó, đòi hỏi bác sĩ, điều dưỡng phải có kỹ năng quan sát, hiểu biết bệnh lý, tâm lý người bệnh, kết hợp với khai thác thông tin từ người nhà bệnh nhân. Đặc biệt, những bệnh nhân cao tuổi thường có nhiều bệnh lý kèm theo, đòi hỏi y, bác sĩ, điều dưỡng phải theo dõi sát sao có những biện pháp điều trị, chăm sóc riêng.

Khó khăn, vất vả là vậy các y, bác sĩ, điều dưỡng Bệnh viện Tâm thần tỉnh còn phải chịu áp lực từ định kiến xã hội và đôi khi là cả người thân. Bản thân họ khi quyết định nhận việc cũng luôn bị gia đình, bạn bè can ngăn vì sợ khổ, sợ bị hành hung, sợ tinh thần bị ảnh hưởng, nhưng những vất vả nói trên chỉ là phần nổi của “tảng băng chìm”. Làm thầy thuốc ở bệnh viện tâm thần nếu không có bản lĩnh thì khó có thể hoàn thành được nhiệm vụ. Được nghe kể, được chứng kiến công việc hằng ngày của họ, nhưng tôi thấy cảm phục hơn khi các y, bác sĩ, điều dưỡng vẫn ngày ngày gắn bó với nghề, đóng đủ mọi vai khi là thầy thuốc, khi là chuyên gia tâm lý, khi là người thân... với niềm tin các bệnh nhân của họ sẽ sớm được điều trị khỏi, để trở về với cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

Trần Giang

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy