Quốc khánh 2/9 năm nay, cờ hoa vẫn được trang trí khắp nơi nơi, nhưng người người đón chào Quốc khánh trong một tâm thế đặc biệt.
Cuộc chiến chưa có tiền lệ trong lịch sử với “giặc” Covid-19 ròng rã suốt 2 năm qua và bây giờ đang ở giai đoạn khốc liệt khi dịch bùng phát dữ dội ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Vì thế, Quốc khánh năm nay không có những cuộc du lịch, gặp gỡ bạn bè, họ hàng như mọi khi. Nhà nhà đón mừng Quốc khánh tại gia đình, tuân thủ các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt. Không có ngày nghỉ, giờ nghỉ, cấp ủy, chính quyền các cấp, các lực lượng chức năng căng sức trên tuyến đầu chạy đua với thời gian dập dịch, cứu người.
Quốc khánh giữa tâm dịch TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam
Ngày 20/8, đoàn cán bộ y tế thứ 3 của Hà Nam xuất quân lên đường hỗ trợ các tỉnh phía Nam chống dịch. Thời điểm này nếu những năm chưa có dịch, trừ những người phải trực, còn lại anh em đã đều xôn xao lên kế hoạch cho nghỉ lễ Quốc khánh với các cuộc du lịch, gặp gỡ anh em, bạn bè. Nhưng từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, các cán bộ y tế đã không còn ngày nghỉ nữa bởi cùng với nhiệm vụ khám, chữa bệnh (KCB), họ còn là lực lượng chủ chốt trên tuyến đầu chống dịch. Và dịp Quốc khánh 2/9 năm nay, thay vì nghỉ lễ, họ xung phong lên đường vào “tuyến lửa” các tỉnh phía Nam hỗ trợ chống dịch.
Từ huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai - nơi đoàn đang thực hiện nhiệm vụ, bác sỹ Nguyễn Đức Long, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế (TTYT) thị xã Duy Tiên, Trưởng Đoàn công tác số 3 của Hà Nam hỗ trợ chống dịch tại các tỉnh phía Nam cho biết, đoàn nhận nhiệm vụ tại bệnh viện (BV) dã chiến điều trị F0 tại huyện Vĩnh Cửu. Tỉnh Đồng Nai đang là địa phương đứng thứ 3 về số ca mắc sau TP Hồ Chí Minh, Bình Dương. Trong khi chờ BV dã chiến hoàn thiện và đi vào hoạt động, các cán bộ y tế của Hà Nam một nửa khẩn trương vào điều trị bệnh nhân Covid-19 tại các khu cách ly của huyện Vĩnh Cửu, số cán bộ còn lại hỗ trợ lấy mẫu cộng đồng, tiêm vắc - xin cho bà con. Nói về đón Quốc khánh 2/9 năm nay, bác sỹ Nguyễn Đức Long cho biết, chắc chắn những ngày tới và Quốc khánh 2/9 sẽ là những ngày căng thẳng, các y, bác sỹ sẽ đón Quốc khánh tại các nơi dịch bệnh nóng bỏng đang điều trị F0. Không nghỉ lễ, anh em mang trong tâm trí, việc làm của mình tinh thần Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 bất diệt.
Làm việc tại BV dã chiến số 6 Thủ Đức, nơi thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng, công việc của điều dưỡng Trần Thị Mơ (25 tuổi, công tác tại BV Sản-Nhi Hà Nam, thành viên đoàn cán bộ y tế số 2 của Hà Nam chi viện TP Hồ Chí Minh chống dịch) và các thành viên trong đoàn khá căng thẳng, vất vả. Các bệnh nhân do đoàn phụ trách đều phải thở ô xy, nhiều người có bệnh nền trong đó có bệnh nhân chạy thận. Ngoài chăm sóc, theo dõi, tiêm truyền, các cô còn phải vệ sinh cá nhân cho nhiều bệnh nhân nặng. Nói về Quốc khánh 2/9, cô cho biết cũng có những năm cô được nghỉ đi du lịch với gia đình, gặp gỡ bạn bè. Nhưng năm nay, cô đón một Quốc khánh đặc biệt ngay giữa tâm dịch của cả nước, nơi điều trị các F0 nặng. Dù Quốc khánh không được nghỉ nhưng cô cảm thấy rất tự hào khi được góp sức mình vào cuộc chiến diệt “giặc” Covid-19 của toàn dân tộc.
Đoàn cán bộ y tế Hà Nam đầu tiên vào TP Hồ Chí Minh đã được hơn 5 tuần, quá thời gian bình thường đi biệt phái của ngành y tế khá lâu, nhưng vì dịch bệnh tiếp tục căng thẳng, những ngày cuối tháng 8 họ vẫn nỗ lực làm việc tại BV Dã chiến số 9 Hóc Môn điều trị cho các F0.
Hà Nam hiện có 110 cán bộ y tế đang hỗ trợ chống dịch tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Quốc khánh 2/9 năm nay với họ thật đặc biệt khi họ ở trong đội quân những chiến sỹ áo trắng tình nguyện đi vào giữa tâm dịch nóng bỏng nhất. Họ tự hào, vững tâm vì được thể hiện trách nhiệm y đức người thầy thuốc giữa tâm dịch, nhận được tình cảm, sự cảm ơn từ lãnh đạo, người dân TP Hồ Chí Minh, cũng như sự tin tưởng giao nhiệm vụ của lãnh đạo tỉnh và đồng nghiệp ở quê hương Hà Nam. Từ tâm dịch họ thể hiện tinh thần quyết chiến thắng dịch bệnh!
Căng sức kiểm soát dịch trên địa bàn tỉnh
Dù ở thời điểm cuối tháng 8 chưa phát hiện các ổ dịch cộng đồng, nhưng công tác phòng, chống dịch (PCD) trên địa bàn Hà Nam luôn được kiểm soát chặt chẽ. Ban chỉ đạo PCD các cấp luôn bám sát tình hình dịch trên địa bàn để có chỉ đạo phù hợp, kịp thời. Các lực lượng chức năng căng sức đêm ngày thực hiện các biện pháp PCD. Không có ngày nghỉ, chỉ có tinh thần Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 dâng cao, các lực lượng nỗ lực làm việc để ngăn chặn dịch xâm nhập địa bàn nhằm bảo đảm sức khỏe người dân và duy trì phát triển kinh tế.
Quốc khánh, nhưng không ai nghĩ đến ngày nghỉ. Hàng trăm cán bộ y tế vẫn miệt mài với các công việc PCD ở cơ sở, như kịp thời phát hiện các ca nghi ngờ, test nhanh, lấy mẫu gửi về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh xét nghiệm bằng kỹ thuật realtime RT-PCR, giám sát các trường hợp cách ly tại nhà bảo đảm đúng quy định, tuyên truyền để người dân nghiêm túc thực hiện công tác PCD,… Tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, các cán bộ xét nghiệm vẫn cần mẫn ngày đêm trong bộ bảo hộ kín mít để xét nghiệm hàng nghìn mẫu bệnh phẩm gửi về hằng ngày nhằm nhanh chóng phát hiện các ca bệnh để có biện pháp kịp thời, không để dịch lây lan ra cộng đồng. Các cán bộ điều tra dịch tễ vẫn cứ hối hả đêm ngày khi nhận được thông tin liên quan đến các nguồn lây, ca nghi nhiễm...
BV Đa khoa Hà Nam một mặt điều trị cho bệnh nhân Covid-19 trong khu cách ly, duy trì công tác KCB cho người dân, một mặt kiểm soát nghiêm ngặt không cho dịch xâm nhập BV. Hệ thống xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật realtime RT-PCR của BV mỗi ngày vẫn xét nghiệm hàng trăm mẫu bệnh phẩm. BV Lao và Bệnh phổi tỉnh cùng với việc điều trị bệnh nhân Covid-19 cũng tích cực chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện mở rộng thu dung bệnh nhân Covid-19 nếu dịch lan rộng...
Tiến độ tiêm vắc - xin Covid-19 tiếp tục được đẩy mạnh. Trong điều kiện lực lượng mỏng đi do cử các đoàn hỗ trợ chống dịch các tỉnh phía Nam, các BV, TTYT vẫn phải vừa duy trì KCB thông thường, vừa là lực lượng nòng cốt PCD cộng đồng, đồng thời thực hiện tiêm vắc - xin phòng Covid-19 theo đúng kế hoạch, bảo đảm an toàn. Mỗi ngày có thêm hàng nghìn lượt người trong tỉnh được tiêm vắc - xin phòng Covid-19.
Tại các cơ sở cách ly tập trung, những anh “Bộ đội Cụ Hồ” vẫn làm việc ngày đêm để quản lý tốt hàng nghìn người cách ly PCD. Tại các chốt kiểm dịch đặt ở tất cả các cửa ngõ vào tỉnh, giữa cái nắng gay gắt, cơn giông bất chợt, giữa khói bụi xe cộ, nguy cơ có thể lây nhiễm dịch bệnh từ người đi đường, nhưng những cán bộ y tế, chiến sỹ công an, quân đội vẫn kiên cường bền bỉ thực hiện nhiệm vụ kiểm soát hàng nghìn lượt người qua chốt mỗi ngày, ngăn chặn không cho dịch xâm nhập địa bàn…
Tinh thần Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 bất diệt
Nói về Quốc khánh năm nay, ông Nguyễn Trí Tuệ, Tổ 2, Phường Hai Bà Trưng (TP Phủ Lý), hơn 70 tuổi đời, trên 40 năm tuổi Đảng chia sẻ: Thật đúng là một Quốc khánh đặc biệt. Không có các hoạt động vui chơi chào mừng tưng bừng như mọi khi. Cả nước chào mừng Quốc khánh bằng những hành động thiết thực để chung tay quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh. Tinh thần đoàn kết, sự sẻ chia, chung sức đồng lòng, với ý chí, quyết tâm chiến thắng “giặc” Covid-19 được đẩy lên cao độ. Từng đoàn cán bộ y tế, chiến sỹ quân y từ khắp các tỉnh, thành tình nguyện lên đường vào các tỉnh phía Nam chi viện chống dịch. Nhiều lực lượng làm việc không ngưng nghỉ trên tuyến đầu để ngăn chặn dịch xâm nhập địa bàn. Người dân đón Quốc khánh tại nhà, thực hiện nghiêm các biện pháp PCD để thể hiện tinh thần yêu nước…
76 năm từ khi nước ta giành được độc lập, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cách mạng nước ta đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, đánh thắng những đế quốc sừng sỏ nhất, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, xây dựng đất nước ngày càng phồn thịnh, mang lại cuộc sống ấm no hạnh phúc cho nhân dân. Kỷ niệm 76 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 năm nay là một thời điểm đặc biệt, khi tất cả các hoạt động đều được thể hiện bằng những hành động thiết thực với quyết tâm nhanh khống chế dịch bệnh. Tin rằng, dịch bệnh sẽ nhanh chóng được kiểm soát, đưa cuộc sống trở lại bình thường.
Hà Nam hiện có 110 cán bộ y tế đang hỗ trợ chống dịch tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Quốc khánh 2/9 năm nay với họ thật đặc biệt khi họ ở trong đội quân những chiến sỹ áo trắng tình nguyện đi vào giữa tâm dịch nóng bỏng nhất. Họ tự hào, vững tâm vì được thể hiện trách nhiệm y đức người thầy thuốc giữa tâm dịch, nhận được tình cảm, sự cảm ơn từ lãnh đạo, người dân TP Hồ Chí Minh, cũng như sự tin tưởng giao nhiệm vụ của lãnh đạo tỉnh và đồng nghiệp ở quê hương Hà Nam. Từ tâm dịch họ thể hiện tinh thần quyết chiến thắng dịch bệnh!
Đỗ Hồng