Chủ động chuẩn bị thực hiện dạy tích hợp cấp trung học cơ sở

Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 sẽ bắt đầu được triển khai ở cấp trung học cơ sở (THCS) trong năm học 2021-2022 và việc giảng dạy một số môn học tích hợp cũng được thực hiện. Trong đó, các môn Lịch sử, Địa lý được tích hợp thành môn Lịch sử và Địa lý; các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học được tích hợp thành môn Khoa học tự nhiên (KHTN).

Chủ động chuẩn bị thực hiện dạy tích hợp cấp trung học cơ sở
Thực hiện việc dạy các môn tích hợp,  giáo viên Trường THCS Nguyễn Hữu Tiến (thị xã Duy Tiên) đã chủ động nghiên cứu nội dung và xây dựng kế hoạch giảng dạy môn học theo yêu cầu.

Theo cô giáo Phạm Thị Phượng, giáo viên dạy Lịch sử, Trường THCS Nguyễn Hữu Tiến (thị xã Duy Tiên), qua việc nghiên cứu nội dung chương trình GDPT 2018 và nội dung các môn học được tích hợp cho thấy, việc thực hiện dạy học tích hợp sẽ được thực hiện theo ba định hướng chính, gồm tích hợp giữa các mảng kiến thức khác nhau, giữa yêu cầu trang bị kiến thức với việc rèn luyện kỹ năng trong cùng một môn học; tích hợp kiến thức của các môn học, khoa học có liên quan với nhau; tích hợp một số chủ đề quan trọng vào nội dung chương trình nhiều môn học. Bản thân tôi cho rằng, môn Lịch sử và Địa lý có khối lượng kiến thức không nặng, được chia thành các nội dung riêng và một số chủ đề chung, phù hợp với năng lực dạy học của giáo viên.

Ngay từ đầu năm học 2020 - 2021, Trường THCS Nguyễn Hữu Tiến đã xây dựng kế hoạch dự kiến phân công giáo viên có trình độ, năng lực để dạy môn KHTN, Lịch sử và Địa lý lớp 6 năm học 2021 - 2022. Tất cả cán bộ, giáo viên nhà trường đều tham gia đầy đủ hoạt động tập huấn về Chương trình GDPT 2018. Đặc biệt, với ưu thế của trường chất lượng cao nên các điều kiện khác về đội ngũ, như: số lượng giáo viên các môn học được tích hợp, chủng loại giáo viên hoàn toàn đáp ứng tốt các yêu cầu dạy học theo chương trình mới.

Cô giáo Lê Thị Thúy Nga, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Tuy có được đội ngũ đủ về số lượng, mạnh về chất lượng, nhưng giáo viên đều được đào tạo đơn môn, chưa có giáo viên được đào tạo tích hợp. Vì vậy, nhà trường đã chủ động phân công giáo viên, chỉ đạo xây dựng kế hoạch giáo dục đối với các môn học tích hợp. Trước mắt, giáo viên môn nào vẫn dạy các nội dung độc lập của môn đó và có sự bàn bạc, trao đổi, thống nhất cách dạy đối với các chủ đề chung. Về lâu dài, bên cạnh sự hỗ trợ của ngành, của địa phương trong việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, nhà trường xác định lộ trình riêng về bồi dưỡng giáo viên, có biện pháp hỗ trợ thực hiện bồi dưỡng tại chỗ, giáo viên tự bồi dưỡng để có vốn tri thức rộng và khả năng vận dụng tổng hợp kiến thức liên quan. 

Trên thực tế, không chỉ được thiết kế thành các mạch chủ đề, tạo điều kiện cho giáo viên vốn được đào tạo đơn môn có thể vận dụng kiến thức của các môn học liên quan để thực hiện tốt việc giảng dạy tích hợp, chương trình các môn tích hợp cấp THCS còn có một số chủ đề đòi hỏi tính tích hợp cao nhưng vẫn bảo đảm tính độc lập tương đối và hỗ trợ cho học sinh được tìm hiểu thêm nhiều kiến thức ở mức độ cao. Ở chương trình hiện hành, Lịch sử, Địa lý là 2 môn độc lập, mỗi môn được bố trí 1 tiết/lớp/tuần ở khối 6. Còn theo Chương trình GDPT 2018, hai môn này được tích hợp với nhau thành môn học Lịch sử và Địa lý, bố trí 105 tiết/lớp/năm học ở khối 6 (bình quân 3 tiết/lớp/tuần).

Cũng theo chương trình hiện hành, học sinh lớp 6 chỉ được học môn Vật lý (1 tiết/lớp/tuần), môn Sinh học (2 tiết/lớp/tuần) và chưa được học môn Hóa học, nhưng theo chương trình mới, với môn KHTN, học sinh lớp 6 sẽ học trong thời lượng 140 tiết/lớp/năm học. 

Trong những năm học trước, chủ trương đưa nội dung tích hợp các môn học vào giảng dạy tại các trường THCS trên địa bàn tỉnh đã sớm được chỉ đạo vận dụng và triển khai. Hằng năm, bên cạnh khung nghiệp vụ chung, trong kế hoạch công tác chuyên môn, các nhà trường có sự phân bố theo hướng ưu tiên nội dung và các chủ đề tích hợp dựa theo các nội dung chuyên môn mà giáo viên đã đăng ký. Giáo viên chủ động tìm ra sự thống nhất các môn học với nhau, kết nối các đơn vị kiến thức còn rời rạc thành hệ thống kiến thức có tính liên kết, bổ trợ lẫn nhau và xây dựng thành các chủ đề dạy học. 

Để tạo tính hiệu quả cho việc dạy tích hợp, nhiều nhà trường đã có sự lựa chọn các môn có khả năng tích hợp tốt nhất để triển khai áp dụng trước, thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn theo chủ đề, dạy thử các nội dung dạy tích hợp của từng bộ môn. Đồng thời, chủ động “phân vai” cho giáo viên để giáo viên nào cũng có cơ hội tiếp cận dần dần với việc dạy tích hợp, giúp giáo viên không quá bị áp lực và từng bước khắc phục tâm lý ngại đổi mới trong giáo viên. Do đó, theo nhận định của nhiều cán bộ quản lý giáo dục và bản thân các giáo viên, việc dạy các môn tích hợp không phải là công việc quá khó để thành công trong thực tế. 

Ông Lại Trường Giang, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kim Bảng khẳng định: Dạy học tích hợp là xu hướng phổ biến của giáo dục tiếp cận phát triển năng lực người học, giúp cho việc học tập của học sinh gắn liền với thực tiễn hơn. Đồng thời, giúp học sinh được phát triển các phẩm chất và năng lực cần thiết, khả năng tổng hợp kiến thức, kỹ năng thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau để giải quyết có hiệu quả các vấn đề trong học tập, trong cuộc sống, nhất là năng lực giải quyết vấn đề… Tuy nhiên, theo kế hoạch phát triển giáo dục, năm học 2021-2022, ở 18 trường THCS trên địa bàn huyện có 58 lớp với hơn 2.000 học sinh lớp 6 (tăng 6 lớp so với năm học 2020-2021).

Về đội ngũ, hiện tại, một số trường còn thiếu 10 giáo viên các môn Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa. Việc giảng dạy theo chương trình hiện hành (môn Hóa học chỉ có ở lớp 8, lớp 9) của một số đơn vị đã khó khăn do thiếu giáo viên nay sẽ càng khó khăn hơn khi thêm môn KHTN ở khối lớp 6. Trước khó khăn đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện chỉ đạo các trường THCS trong huyện ưu tiên sắp xếp đội ngũ giáo viên có trình độ, năng lực tốt nhất giảng dạy lớp 6 năm học 2021 - 2022, trong đó chú trọng tới các môn tích hợp. Đồng thời, chủ động bố trí, điều động, luân chuyển giáo viên hợp lý; có kế hoạch bồi dưỡng giáo viên, hướng tới việc một giáo viên có thể đảm nhiệm ít nhất 2 đến 3 phân môn trong các môn tích hợp; bố trí giáo viên trên nguyên tắc giáo viên thuận lợi trong việc dạy nội dung nào thì bố trí dạy nội dung đó; làm tốt công tác phân công giáo viên và xếp thời khóa biểu môn học…

Cũng như huyện Kim Bảng, ngành giáo dục và các trường THCS ở các địa phương khác cũng đang nỗ lực, chủ động tháo gỡ khó khăn để việc dạy học các môn tích hợp thuận lợi, hiệu quả, góp phần đẩy mạnh đổi mới giáo dục.

Thanh Hà

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy