Phát huy vai trò chủ thể của người dân trong bảo vệ môi trường nông thôn

Bảo vệ, cải tạo cảnh quan môi trường là tiêu chí quan trọng, yêu cầu bắt buộc phải thực hiện trong xây dựng nông thôn mới. Đến nay, nhiều địa phương đã hoàn thành tiêu chí môi trường, nhưng để có môi trường sạch, đẹp, an toàn, bảo đảm cho phát triển bền vững cần phải phát huy tốt hơn nữa vai trò chủ thể của người dân.

Xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với bảo vệ môi trường không chỉ là chủ trương mà còn là giải pháp giúp các địa phương hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Chính vì vậy, thời gian qua các địa phương trong tỉnh đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức trách nhiệm, thực hiện các giải pháp giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn, cải tạo cảnh quan môi trường đường làng, ngõ xóm xanh, sạch, đẹp.

Đoàn viên thanh niên và người dân xã Xuân Khê (Lý Nhân) tham gia thu dọn rác thải, làm vệ sinh môi trường hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới. Ảnh: Mộc Nam

Ông Nguyễn Văn Duy, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Lưu (Thanh Liêm) cho biết: Kể từ khi xây dựng NTM, người dân  trong xã chủ động tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường, nhất là thu gom rác thải và trồng cây xanh, cây hoa để làm đẹp cảnh quan môi trường. Hiện, tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn xã đạt 97%. Năm 2018, Thanh Lưu đã triển khai kế hoạch trồng cây hoa 2 bên đường trên địa bàn xã và đã trồng được hơn 3.600 m2 cây hoa các loại. Năm 2019, Thanh Lưu phấn đấu trồng khoảng 10.000m2, đến nay đã đạt  90% kế hoạch.

Hiện nay, trên nhiều tuyến đường thôn, đường xã ở Thanh Lưu, sắc thắm hoa chiều tím, hoa lạc vàng đã được thay thế cho những thảm hoa mười giờ nở theo mùa. Những đường hoa chiều tím cao gần một mét rung rinh trong gió, xen giữa những tán cây bóng mát ven đường tạo cho cảnh quan môi trường nông thôn thêm đẹp mắt. Không phải tuyến đường nào ở Thanh Lưu cũng có đất để trồng thảm hoa nên nhiều vị trí được xây bồn, đổ thêm đất trồng hoa giấy. 

Từ khi có phong trào trồng hoa, một số tuyến đường ở Thanh Lưu có tên gọi mới, như: đường hoa quân sự, đường hoa công an. Chính quyền xã Thanh Lưu đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc bảo vệ môi trường và phát huy vai trò chủ thể của nhân dân trong việc chủ động trồng cây xanh, cây bóng mát. Các trường học vận động học sinh quét dọn vệ sinh, các tổ chức đoàn thể chính trị vận động hội viên chăm sóc bảo vệ đường hoa, đường cây. Cán bộ công chức xã cũng được giao nhiệm vụ phụ trách dọn vệ sinh đoạn đường đi vào trụ sở UBND xã.

Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Duy nhận định, cải tạo cảnh quan môi trường đã trở thành phong trào, tạo ra sức lan tỏa, cho kết quả tích cực. Tuy nhiên, phong trào thường mang tính thời điểm, tính ổn định không cao. Để công tác bảo vệ môi trường đi vào nền nếp, đạt hiệu quả tốt hơn nữa, yếu tố quan trọng nhất chính là nhân dân phải làm chủ. Nếu không có sự tham gia của nhân dân thì rác thải có được thu gom cũng khó xử lý triệt để, cây trồng xong rồi cũng không được bảo vệ, chăm sóc.

Môi trường có tác động trực tiếp đến nâng cao chất lượng đời sống của người dân. Với cư dân nông thôn, môi trường sạch, đẹp, an toàn không chỉ có những tuyến đường hoa, mà là sự tổng hòa của nhiều tiêu chí khác. Thế nên trong Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 có quy định chi tiết các điều kiện cụ thể đối với xã chuẩn NTM. 

Riêng tiêu chí môi trường có đến 8 chỉ tiêu nhỏ và đều liên quan trực tiếp đến hộ gia đình: Tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch; tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh, nuôi trồng thủy sản, làng nghề bảo đảm quy định về bảo vệ môi trường; xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch đẹp, an toàn; chất thải rắn và nước thải khu dân cư tập trung, cơ sở sản xuất được thu gom; tỷ lệ hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh…

Nhiều tuyến đường nông thôn ở tỉnh ta đã được nhân dân trồng hoa, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp. Ảnh: Mạnh Hùng

Trao đổi với chúng tôi về những nội dung có liên quan, nhiều lãnh đạo địa phương đều khẳng định: Phải phát huy vai trò của người dân, để người dân cùng vào cuộc. Nếu không, chẳng biết đến khi nào chất thải từ chăn nuôi, từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh mới được thu gom và xử lý triệt để. Nhà nước chỉ tạo cơ chế, hỗ trợ đầu tư xây dựng một số công trình, dự án còn người dân phải trực tiếp tham gia thực hiện. 

Thực tế cho thấy, tình trạng chất thải từ chăn nuôi và các cơ sở sản xuất ở các làng nghề lâu nay không được thu gom xử lý triệt để, gây ô nhiễm môi trường. Nguyên nhân một phần do hạ tầng sản xuất, chăn nuôi chưa đồng bộ và chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, nhưng phần khác là do người dân chưa nâng cao ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường. 

Chương IV của Luật Chăn nuôi năm 2018 quy định rõ về điều kiện cơ sở chăn nuôi, xử lý chất thải chăn nuôi. Đây là cơ sở để cơ quan chức năng quản lý và xử lý các trường hợp vi phạm quy định về bảo vệ môi trường trong chăn nuôi. Tuy nhiên, Luật Chăn nuôi năm 2018 sẽ khó đi vào thực tiễn nếu chính quyền buông lỏng quản lý và người dân không phát huy cao vai trò, trách nhiệm thực thi.

Nói về vai trò của người dân trong xây dựng NTM, đồng chí Lê Anh Đông, Bí thư Huyện ủy Kim Bảng khẳng định: Vai trò chủ thể của người dân là rất quan trọng. Vấn đề là phải giữ được niềm tin của nhân dân, để người dân thấy được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng NTM, người dân phải tự giác, tích cực tham gia giữ vệ sinh môi trường, làm sạch đường làng ngõ xóm, xây dựng đời sống văn hóa… mới tốt được. Ngay như việc thu gom rác thải, nhiều lúc cũng phải loay hoay với chính sách. Hôm nay công ty này, mai công ty khác đưa ra lý do vì sao họ ngừng thu gom rác thải sinh hoạt cho người dân, thế nên người dân vẫn xả rác ra đường, kênh tiêu. Đó là bài học cho công tác quản lý…

Để nâng cao chất lượng tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, trách nhiệm và ý thức của cộng đồng xã hội. Ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức pháp luật về bảo vệ môi trường, giải pháp hiệu quả chính là đẩy mạnh xã hội hóa thu hút các nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực này và áp dụng các chế tài xử lý vi phạm. 

Phát huy vai trò của người dân tham gia giám sát hoạt động bảo vệ môi trường trong khu dân cư; xây dựng, thực hiện quy ước, hương ước cam kết bảo vệ môi trường; vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng gia đình văn hóa; khuyến khích phát triển sản xuất, chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường. Đồng thời, đẩy mạnh phong trào trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh; tổ chức phát động các phong trào chỉnh trang đường làng, ngõ xóm, khuôn viên gia đình và xây dựng các công trình vệ sinh kiên cố, đạt chuẩn.

Bích Huệ

Bích Huệ, Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy