Xã Liêm Cần (Thanh Liêm) định hướng về đích nông thôn mới kiểu mẫu trước năm 2023. Để đạt mục tiêu đề ra, Liêm Cần xác định, tập trung phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân là yếu tố then chốt. Trong đó, xã chú trọng phát triển kinh tế theo hướng đa dạng hoá các ngành nghề nhằm giải quyết tốt vấn đề về việc làm cho nhiều đối tượng lao động nông thôn.
Xác định, sản xuất nông nghiệp vẫn cần được duy trì, phát triển để tạo việc làm, thu nhập cho bộ phận lao động trung tuổi tại địa phương, thời gian qua, xã Liêm Cần đã chú trọng làm tốt công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi cho các hộ dân. Nhờ đó, ngoài việc duy trì sản xuất vụ đông trên đất 2 lúa với các giống cây trồng chính là khoai lang, khoai tây, các loại rau màu ngắn ngày, Liêm Cần còn tích cực tuyên truyền, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận các chương trình tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để phát triển chăn nuôi, nhất là phát triển đàn gia cầm, thủy cầm.
Cùng với đó, xã Liêm Cần còn xây dựng và duy trì hiệu quả các mô hình sản xuất cho giá trị kinh tế khá, như: trồng nấm, trồng hoa (thôn Vực Trại Nhuế); sản xuất khoai tây (thôn Ngũ Cõi); nuôi cá theo công nghệ “sông trong ao” và sản xuất lúa hàng hóa (thôn Tam Tứ)… Theo đó, trong những năm gần đây, sản lượng lương thực có hạt trên địa bàn xã đều vượt so với kế hoạch. Hiện, tổng đàn gia cầm, thủy cầm trên địa bàn xã đạt xấp xỉ 60.000 con; đàn trâu, bò đạt gần 200 con; sản lượng thịt hơi xuất chuồng mỗi năm đạt trên 1.000 tấn.
Xã Liêm Cần nằm trên các trục đường lớn như quốc lộ 21A, tỉnh lộ 499B, hằng ngày có rất đông người dân ở các xã, thị trấn: Liêm Thuận, Liêm Sơn, Thanh Bình, Tân Thanh đi làm qua địa bàn. Đây cũng là lợi thế để xã Liêm Cần đẩy mạnh phát triển các hoạt động giao thương, buôn bán. Theo thống kê, trên địa bàn xã hiện có gần 1.000 hộ sản xuất, kinh doanh cá thể. Trong đó, riêng tại khu vực chợ Nhất đã có gần 200 hộ tham gia kinh doanh thường xuyên với đa dạng các mặt hàng từ nông sản, đồ gia dụng cho đến hàng thời trang, thiết bị điện, đồ điện tử, điện lạnh… Toàn xã hiện có trên 100 hộ kinh doanh nhà hàng, quán ăn; khoảng 120 hộ kinh doanh dịch vụ vận tải. Trong giai đoạn 2015-2020, tốc độ tăng trưởng ngành thương mại - dịch vụ trên địa bàn xã đạt bình quân 16%/năm.
Trong lĩnh vực công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, những năm qua, xã Liêm Cần đã tạo thuận lợi về mặt bằng để thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư trên địa bàn. Cùng với đó, chủ động phối hợp với doanh nghiệp, các ngành, đơn vị chức năng của huyện tổ chức các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, yêu cầu các doanh nghiệp trên địa bàn cam kết ưu tiên tuyển dụng lao động trong xã vào làm việc sau đào tạo.
Trao đổi về nội dung này, ông Phạm Văn Độ, Chủ tịch UBND xã Liêm Cần cho biết: Trên địa bàn xã hiện có 5 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực may mặc, sản xuất gấu bông… tạo việc làm cho trên 1.000 lao động với mức thu nhập từ 4,5-6 triệu đồng/người/tháng.
Với định hướng phát triển đa dạng ngành nghề nông thôn để tất cả các đối tượng lao động đều có việc làm và thu nhập ổn định, bên cạnh việc duy trì, phát triển làng nghề chế tác đá cảnh truyền thống (thôn Nhất Nhì), thời gian qua, xã Liêm cần còn quan tâm khuyến khích, phát triển thêm các nghề phi nông nghiệp có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường, như: may công nghiệp (gồm gần chục xưởng may gia công), mộc, cơ khí (gần 30 hộ), xay xát (trên 20 hộ), xây dựng (trên 30 tổ thợ xây với gần 300 lao động), phá dỡ công trình (trên 30 hộ)… Nhờ đó, mỗi năm giải quyết việc làm mới cho 300-400 lao động, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo tại địa phương.
Kết quả phát triển kinh tế - xã hội ở xã Liêm Cần trong những năm qua cho thấy, với sự hỗ trợ tối đa các điều kiện để người dân mở rộng quy mô chăn nuôi, sản xuất rau màu vụ đông, kết hợp phát triển đa dạng các ngành nghề, kinh doanh các loại hình dịch vụ, mức sống của người dân trong xã đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đến hết năm 2020, thu nhập bình quân đầu người toàn xã đã đạt 48,5 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 1,9%.
Khẳng định, trong giai đoạn 2020-2025, xã Liêm Cần phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, đồng thời thúc đẩy công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ phát triển hơn nữa để tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân, ông Phạm Văn Độ, Chủ tịch UBND xã Liêm Cần cho biết: Thời gian tới, xã Liêm Cần sẽ tiếp tục thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ; đẩy mạnh phát triển các ngành nghề có thế mạnh, nhất là nghề chế tác đá cảnh, mộc, may công nghiệp, xây dựng, tháo dỡ công trình…
Phấn đấu năm 2022 Liêm Cần sẽ về đích nông thôn mới kiểu mẫu. Đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người đạt từ 71 triệu đồng/năm; thu từ kinh tế trên địa bàn tăng bình quân 18-20%/năm trở lên so với kế hoạch giao; tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm giảm từ 0,5%...
Nguyễn Oanh