Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới" do Thủ tướng Chính phủ phát động đã được chính quyền địa phương, mọi thành phần quần chúng tham gia với nhiều đổi mới, bám sát nhiệm vụ chính trị cũng như tình hình thực tế của từng ngành, từng đơn vị.
Tối 18/10, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Lễ tôn vinh, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu thực hiện Phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng Nông thôn mới (NTM)" giai đoạn 2016 - 2020 tại Nam Định. Đây là một trong chuỗi hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2020.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai quyết liệt, đồng bộ, rộng khắp cả nước, với sự hưởng ứng tham gia nhiệt tình của nhân dân, có nhiều cách làm hay, hiệu quả, tạo sự chuyển biến lớn cả về lượng và về chất đối với làng quê Việt Nam. Nhiều nơi, kết cấu hạ tầng điện đường, trường, trạm được xây dựng đồng bộ. Hệ thống tổ chức sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp, nông thôn được đồng bộ hơn với sản xuất hàng hóa, quy mô lớn. Cùng với đó, hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ có nhiều tiến bộ có nhiều kết quả tốt. Công tác đào tạo nghề cho khu vực nông nghiệp, nông thôn được đẩy mạnh. Đã hình thành nhiều trang trại, hợp tác xã kiểu mới, các doanh nghiệp hoạt động trong khu vực nông nghiệp, nông thôn hoạt động có hiệu quả. Nhiều mô hình gắn kết sản xuất theo chuỗi giá trị giữa hợp tác, doanh nghiệp và hộ nông dân, tạo sức sản xuất mới hiện đại hơn.
"Nông thôn giờ đây đã có hình ảnh mới, khang trang, sạch đẹp, đời sống vật chất và tinh thần được nâng lên. Niềm tin đối với Đảng, Nhà nước, cộng đồng được nâng cao. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thực sự là luồng gió đổi mới, tích cực cho sự phát triển toàn diện cho vùng nông thôn thân yêu. Đây là sự tất yếu của tinh thần chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và người dân" - Thủ tướng nêu rõ.
Theo Thủ tướng, những kết quả xây dựng nông thôn mới, những thành tựu phát triển nông nghiệp thời gian qua không thể vượt bậc, tỏa sáng như vậy nếu không có phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới". Trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều mô hình, điển hình trong lao động sản xuất, trong vận động gia đình và người thân hiến đất, góp công, góp sức tham gia kiến tạo nông thôn,...
Thủ tướng mong muốn các điển hình tiên tiến, các cá nhân và doanh nghiệp tiếp tục phát huy tốt các thành tích đã đạt được, lan tỏa, đóng góp xứng đáng cho phát triển một nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với phát triển nông thôn mới phồn vinh, văn minh và cải thiện nhanh hơn đời sống của người dân.
Nhấn mạnh xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn là nghiệm vụ then chốt trong xây dựng nông thôn mới, Thủ tướng cho rằng: 10 năm đã qua là chặng đường không dài, chúng ta cần tiếp nối con đường này để xây dựng nông thôn khá giả, giàu có và đáng sống.
"Các địa phương không được chủ quan, thỏa mãn với những kết quả đạt được, phải luôn nhất quán quan điểm xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm đầu, không có điểm kết thúc" - Thủ tướng nêu rõ.
Tiếp tục xây dựng nông thôn mới theo tinh thần Kết luận 54 của Bộ Chính trị ngày 7/9/2019, Thủ tướng cho biết, sắp tới đây, chúng ta sẽ triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; dự kiến phấn đấu đến năm 2025 có 75% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có ít nhất 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 50% số huyện, thị xã đạt chuẩn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, trong đó có 10% được công nhận là huyện, thị xã nông thôn mới kiểu mẫu, có ít nhất 19 tỉnh được công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn được nâng cao, thu nhập bình quân tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020.
Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua", với tinh thần mới, khí thế mới, tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát động phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021-2025.
Thủ tướng yêu cầu đưa nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới vào nội dung thực hiện kết quả nhiệm vụ chính trị, bình xét thi đua hàng năm của các địa phương; thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch trong phong trào thi đua, tạo điều kiện để người dân trực tiếp tham gia phong trào gắn với thực hiện phát triển kinh tế - xã hội của từng cấp, từng ngành, từng lĩnh vực; thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm thay thế về chất trong các phong trào thi đua trên cơ sở bám sát nhiệm vụ chính trị, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương, từng cơ quan, đơn vị.
Thủ tướng kêu gọi sự đồng tâm hiệp lực của toàn hệ thống chính trị, sự hưởng ứng tích cực của nhân dân cả nước, phát huy lòng yêu nước, tinh thần sáng tạo, đổi mới trong xây dựng nông thôn mới, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tại lễ tuyên dương, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trao Huân chương Độc lập hạng Ba cho hai tỉnh Nam Định và Đồng Nai. Đây là hai địa phương có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn NTM. 8 tỉnh, thành phố tiêu biểu là: Hà Nội, Lào Cai, Thái Nguyên, Hà Tĩnh, Lâm Đồng, Quảng Nam, Hậu Giang và An Giang… được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất. Nhiều Ban, Bộ ngành Trung ương, địa phương cũng vinh dự được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất như: Bộ NN-PTNT, Bộ KHĐT, Bộ Quốc phòng, Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ LĐTB&XH, Bộ Nội vụ, Ban dân vận Trung ương, Hội Nông dân Việt Nam...
Qua phong trào “Cả nước chung sức xây dựng NTM” đã có hàng vạn gương tiêu biểu, điển hình người tốt việc tốt được các cấp biểu dương, khen thưởng.
Theo số liệu báo cáo của các địa phương, đến hết tháng 7/2019, vùng Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ đã có 2.402/3.474 xã (69,1%) được công nhận đạt chuẩn NTM, tăng 48% so với cuối năm 2015, là mức tăng trưởng cao nhất trong cả nước), cao hơn nhiều so với mức đạt chuẩn của cả nước (50,26%).
Thu nhập của người dân ở khu vực nông thôn Đồng bằng sông Hồng là 43,3 triệu đồng/người/năm, tăng 2,5 lần; tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất cả nước với 1,7%. Thu nhập người dân nông thôn ở Bắc Trung Bộ tăng 2,4 lần so với trước, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 20% năm 2010 xuống còn 6,03% vào cuối 2018. Gần 100% số xã vùng Đông Nam Bộ có đường giao thông đến huyện, đường trục xã; 98% đường trục thôn được bê tông, nhựa hóa…
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 97% số xã có đường đến huyện, 96,5% đường trục xã được bê tông, nhựa hóa; trên 91% số xã có đường trục thôn được rải nhựa, bê tông, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho thúc đẩy tiêu thụ nông sản, thu hút đầu tư vào khu vực nông thôn.
Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2018 vùng Đông Nam Bộ khoảng 51,26 triệu đồng (tăng gấp 1,8 lần so với năm 2010), vùng đồng bằng Sông Cửu Long là khoảng 36,7 triệu đồng (tăng 2,4 lần so với năm 2010 và tăng 1,1 lần so với năm 2016), cao hơn bình quân cả nước (35,88 triệu đồng).
Tại vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên - nơi được xem là có tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM thấp hơn bình quân cả nước, đến nay cũng đã có 604/1.424 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM (đạt 42,41%). Cả 2 vùng có 9 đơn vị cấp huyện đã được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Cả nước đã có 7 tỉnh, thành phố có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới là: Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương và Cần Thơ. Đặc biệt, tỉnh Đồng Nai và tỉnh Nam Định đã có 100% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Như vậy, xây dựng nông thôn mới (NTM) đã về đích trước gần 2 năm so với mục tiêu năm 2020 – đây là thành tựu lớn của nền kinh tế nước ta, tạo nên sự khởi sắc cho bộ mặt nông thôn Việt Nam. Nhiều địa phương có 100% xã và huyện đạt chuẩn NTM; nhiều nơi chuyển sang giai đoạn nâng cao, xây dựng kiểu mẫu theo hướng bền vững.
Theo Báo Tin tức
Duy Nam