Dấu ấn nông thôn mới

Trong quá trình tổ chức, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) đã có nhiều vấn đề được đặt ra: Xây dựng NTM bằng cách nào? Tính khả thi ra sao và hiệu quả đạt được đến đâu? Xã NTM, huyện NTM khác gì so với các địa phương khác? Chúng tôi đã tìm được câu trả lời từ 2 địa phương phấn đấu để được công nhận huyện đạt chuẩn NTM đầu tiên của tỉnh là Kim Bảng và Duy Tiên.

Khi bắt tay vào xây dựng NTM, nhiều lãnh đạo địa phương còn băn khoăn, nói đúng hơn là lo lắng nên làm gì trước để tạo thành phong trào và tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân. Đã có lúc, phong trào xây dựng NTM ở một số nơi chùng xuống.

Đặc biệt, nhận thức về vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM có lúc chưa thật đúng. Thế nhưng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, khó khăn từng bước đã được tháo gỡ.

Trường THCS xã Hoàng Tây, huyện Kim Bảng mới được xây dựng và đưa vào sử dụng.

Xã Hoàng Tây -  xã khó khăn nhất của huyện Kim Bảng đã phải nỗ lực trong nhiều năm liền để về đích NTM đúng lộ trình. Bí thư Đảng ủy xã Hoàng Tây Vũ Đức Huynh giãi bày: "Tôi đã từng nghĩ, chưa biết đến khi nào, Hoàng Tây mới trở thành xã NTM. Vì đời sống của người dân còn khó khăn. Vậy mà, nay Hoàng Tây đã được công nhận đạt chuẩn NTM".

Năm 2011, Hoàng Tây chỉ có 7 tiêu chí đạt chuẩn, có tiêu chí còn non. Nội lực về kinh tế thấp nên địa phương phải cân nhắc rất kỹ giải pháp thực hiện. Được sự quan tâm của huyện, Hoàng Tây được hỗ trợ kinh phí từ các chương trình lồng ghép và các chương trình mục tiêu, đặc biệt là nguồn kinh phí từ đấu giá đất (hơn 20 tỷ đồng) để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.

Đón năm mới 2018, niềm vui của người dân Hoàng Tây được nhân đôi vì họ thấy rõ sự đổi thay trên mảnh đất quê mình. Điều mà ông Trần Văn Tuấn - người dân địa phương thấy lợi nhất là con, cháu ông được học trong ngôi trường mới khang trang, đường giao thông nông thôn đi lại thuận tiện.

Với Bí thư Vũ Đức Huynh, ấn tượng đậm nhất là người dân đã nhận thức đúng về sự cần thiết phải chung tay xây dựng NTM. Họ biết chăm lo cảnh quan môi trường, sẵn sàng đóng góp sức người, sức của vì mục tiêu chung. Đó là giá trị rất lớn từ sự thay đổi nhận thức mà có được.

Thế nên, dù còn khó khăn, nhưng trong 7 năm qua, nhân dân Hoàng Tây đã góp hơn 8,4 tỷ đồng xây dựng NTM, hiến 17,5 ha đất làm đường nội đồng. Bây giờ, Hoàng Tây đang tập trung cải tạo cảnh quan môi trường. Tới đây, xã sẽ nối dài những con đường hoa trong thôn, xóm. Hiện nay, đời sống của người dân Hoàng Tây khấm khá hơn nhiều so với 5 năm trước.

Chương trình xây dựng NTM làm đến đâu, tạo ra hiệu ứng ngay đến đó. Xác định phấn đấu trở thành huyện NTM nên huyện Kim Bảng đã dốc hết tâm sức để đầu tư cho các xã khó khăn và hoàn thành 9 tiêu chí của huyện.

Ông Nguyễn Xuân Mạnh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Kim Bảng cho biết: Cả huyện và các xã ở Kim Bảng đều chuyển mình mạnh mẽ trong chương trình xây dựng NTM. Hơn 1.600 tỷ đồng đã được đầu tư cho chương trình trong suốt gần chục năm qua để có được hạ tầng kinh tế - xã hội như bây giờ.

Phương châm của huyện là làm đến đâu, chắc đến đó. Bám sát vào thực tiễn và yêu cầu đạt chuẩn để thực hiện. Hiện nay, Kim Bảng đã có 100% xã đạt chuẩn NTM. Huyện hoàn thành hồ sơ đề nghị cấp trên xét, công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2017.

Cùng với Kim Bảng, huyện Duy Tiên cũng phấn đấu đạt chuẩn NTM trong năm 2017. Dù còn nhiều khó khăn đan xen, nhưng phương châm thực hiện luôn được giữ vững. Đó là, lấy người dân làm trung tâm, việc xây dựng, sửa sang hạ tầng nông thôn để tập trung phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và nâng cao chất lượng đời sống của người dân. Từ chỗ bình quân mỗi xã chỉ đạt 5,7 tiêu chí năm 2011, đến nay, Duy Tiên có 100% số xã đạt chuẩn NTM, đạt từ 17,5-18 tiêu chí/xã.

Trong những năm qua, Duy Tiên đã huy động, đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng xây dựng NTM. Nhờ đó, huyện đã hoàn thành đổ bê tông 282,9 km đường thôn xóm, hơn 13 km đường trục nội đồng; xây mới 348 phòng học và phòng chức năng ở các trường học; đầu tư, xây mới 7 trụ sở UBND xã, 3 nhà văn hóa xã và 31 nhà văn hóa thôn; xây mới và mua sắm vật tư cho 16 trạm y tế xã; đưa vào sử dụng 3 nhà máy nước sạch tập trung; 11 chợ nông thôn được tu sửa, nâng cấp…

Ông Phạm Hồng Thanh, Chủ tịch UBND huyện Duy Tiên nhận định: "Hạ tầng nông thôn chính là đòn bẩy quan trọng để nông thôn phát triển. Duy Tiên hết sức coi trọng xây dựng hạ tầng kết nối, phát triển đồng thời giữa hạ tầng giao thông và hạ tầng kinh tế - văn hóa, xã hội… Đó cũng là cơ sở để Duy Tiên phấn đấu được công nhận là đô thị loại IV trong năm 2018.

Không chỉ hạ tầng nông thôn, kinh tế nông nghiệp của Duy Tiên, Kim Bảng đều có sự chuyển biến mạnh mẽ. Ông Phạm Hồng Thanh, Chủ tịch UBND huyện Duy Tiên đưa ra một con số so sánh. Năm 2011, thu nhập bình quân theo đầu người ở Duy Tiên mới đạt khoảng 16 triệu đồng. Nay, con số này đã tăng gấp hơn 2 lần (38,1 triệu đồng).

Điều quan trọng là, nông nghiệp của huyện đang có nền móng tốt để phát triển, hướng tới nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa, có giá trị gia tăng cao. Hiện nay, Duy Tiên đã có vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, sản xuất theo chuỗi giá trị.

Đối với huyện Kim Bảng, cơ giới hóa trong nông nghiệp đã thực sự làm đổi thay phương thức sản xuất nông nghiệp ở địa phương. Cơ giới hóa nông nghiệp đã giúp nông dân bám đất, bám làng. Nông dân không phải vất vả cấy, cày, thu hoạch. Cũng nhờ vậy, những cánh đồng lớn được nới rộng thêm. Xe máy đến ruộng, máy gặt xuống đồng, nông dân chỉ việc đứng trên bờ thu thóc.

Chương trình xây dựng NTM đã và đang làm thay đổi nhận thức của người dân nông thôn, tiếp sức cho nông thôn nguồn nội lực lớn để phát triển.

Bích Huệ

Bích Huệ

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy