Năm 2020, xã Mộc Bắc (thị xã Duy Tiên) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu. Từ kết quả đạt được, cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế và đời sống của người dân trong xã được nâng lên rõ rệt. Đây là điều kiện để Mộc Bắc triển khai chuyển đổi số trong xây dựng NTM.
Ông Trần Hồng Quang, Chủ tịch UBND xã Mộc Bắc cho biết: Chuyển đổi số trong xây dựng NTM là yêu cầu tất yếu trong quá trình phát triển. Xã đang hướng đến xây dựng chương trình thực hiện chuyển đổi số trước hết từ dịch vụ công nhằm phục vụ tốt hơn đời sống của người dân.
Đối với xã Mộc Bắc, các yếu tố “cần” và “đủ” để chuyển đổi số trong xây dựng NTM cơ bản được bảo đảm, như: Hạ tầng viễn thông phục vụ cho việc chuyển đổi số được xây dựng tốt. Mạng 3G, 4G phủ kín địa bàn, người dân có nhu cầu đều được lắp đặt đầu thu, phát wifi tận nhà. Phần lớn người dân tự trang bị điện thoại thông minh phục vụ thông tin, liên lạc, có thể áp dụng và tiếp cận khá tốt quá trình chuyển đổi số. Thực tế cho thấy, các lĩnh vực sản xuất ngày càng phát triển, nhu cầu về thương mại điện tử được hình thành. Tận dụng lợi thế, một số cơ sở chăn nuôi bò sữa trên địa bàn đã chế biến các sản phẩm từ sữa bò tươi và nhanh chóng nắm bắt, tiếp cận bán hàng qua các trang mạng, đem lại hiệu quả.
Với xã Vũ Bản (Bình Lục) đang phấn đấu được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu trong năm 2021. Trong quá trình xây dựng NTM kiểu mẫu, Vũ Bản đang tích cực đẩy mạnh việc áp dụng hệ thống thông tin một cửa điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính (dịch vụ công). Để thực hiện có hiệu quả, UBND xã giao trực tiếp đồng chí cán bộ văn phòng phụ trách. Khi người dân đến làm các thủ tục hành chính, cán bộ phụ trách tuyên truyền, hướng dẫn việc thực hiện các thủ tục qua hệ thống thông tin một cửa điện tử của xã bằng phương tiện máy tính, điện thoại thông minh cá nhân. Xã đã trang bị đầy đủ phương tiện để đáp ứng giải quyết các thủ tục hành chính qua hệ thống thông tin một cửa điện tử, từ mạng Internet đến máy tính, điện thoại thông minh…
Hiện tại, xã Vũ Bản đã giải quyết 25% các thủ tục hành chính cho công dân qua hệ thống thông tin một cửa điện tử. Trong đó, chủ yếu là chứng thực và một phần thủ tục khai sinh. Ông Trần Ngọc Doanh, cán bộ văn phòng xã Vũ Bản cho biết: Từ việc được hướng dẫn, nhiều người dân trong xã đã dần quen giải quyết các thủ tục hành chính qua hệ thống thông tin một cửa điện tử. Cách làm này giúp thuận lợi hơn, người dân không phải trực tiếp lên UBND xã như trước đây. Điều này còn đặc biệt hiệu quả trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19.
Chuyển đổi số đang được coi là yêu cầu trong xây dựng NTM giai đoạn tiếp theo. Với các xã đăng ký hoàn thành xây dựng NTM kiểu mẫu phải có thấp nhất 5% các thủ tục hành chính được giải quyết qua hệ thống thông tin một cửa điện tử. Qua tìm hiểu được biết, việc chuyển đổi số trong xây dựng NTM có những nội dung chính, gồm: Hạ tầng số, tài nguyên số, dịch vụ số (các dịch vụ công) và thương mại số. Đây là vấn đề mà các địa phương cần giải quyết trong quá trình thực hiện. Đánh giá về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Nghiệp, Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN & PTNT) cho biết: Chuyển đổi số trong xây dựng NTM đang là bước đầu được triển khai. Tới đây, các cấp, ngành, nhất là chính quyền địa phương cần có sự quan tâm đầu tư để đáp ứng được yêu cầu đề ra.
Thực tế, để thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng NTM, các địa phương cần giải quyết nhiều vấn đề đặt ra. Đơn cử, hạ tầng số phải có sự đồng bộ về máy móc, thiết bị, cả ở phía người dân. Tuy nhiên, hiện nay một bộ phận người dân, nhất là những người cao tuổi không có, hoặc không sử dụng các thiết bị cá nhân đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi số như máy tính, điện thoại thông minh… Bên cạnh đó, hệ thống Internet, sóng wifi cũng phải được đầu tư đầy đủ để người dân có thể truy cập và thực hiện mọi lúc, mọi nơi. Về lĩnh vực thương mại số rất khó để thực hiện sớm do sản xuất tại khu vực nông thôn vẫn mang tính chất nhỏ lẻ. Để tham gia thương mại số, sản xuất cần theo quy trình, bảo đảm cả về số lượng, chất lượng sản phẩm, có đầy đủ tem, nhãn truy xuất nguồn gốc, xuất xứ… Đặc biệt, là liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Trên địa bàn tỉnh hiện nay, mới chỉ có một số sản phẩm tham gia, như: Các sản phẩm từ sữa bò tươi, rau, củ, quả sản xuất đạt tiêu chuẩn an toàn…
Chuyển đổi số trong xây dựng NTM là yêu cầu tất yếu của sự phát triển. Đây là vấn đề cần có sự đầu tư đồng bộ cả từ phía chính quyền và người dân. Làm tốt chuyển đổi số giúp các địa phương và người dân nắm bắt, ứng dụng tốt hơn công nghệ thông tin, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Mạnh Hùng