Quan tâm, khuyến khích phát triển làng nghề

Sau gần 10 năm thực hiện Đề án phát triển làng nghề giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020, hoạt động của các làng nghề đã góp phần gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu… Tuy nhiên, trong cơ chế thị trường ngày càng khắt khe, nhiều làng nghề đã gặp khó khăn, thậm chí bị mai một.

Làng nghề muốn phát triển bền vững phải có cơ chế thu hút lao động trẻ. Trong ảnh: Một cơ sở sản xuất bánh đa nem ở làng Chều, xã Nguyên Lý (Lý Nhân).

Lý Nhân hiện là địa phương có số lượng làng nghề truyền thống nhiều nhất tỉnh (15/35 làng nghề truyền thống). Trong đó có 3 nghề rất phát triển là: dệt, sản xuất bánh đa nem và sản xuất đồ gỗ, tập trung ở làng nghề Đại Hoàng (xã Hòa Hậu), làng Chều (xã Nguyên Lý)… Sự phát triển của các làng nghề ở Lý Nhân thời gian qua tương đối ổn định, giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng nghìn lao động có thu nhập ổn định, góp phần đáng kể trong phát triển kinh tế hộ.

Ông Trần Văn Khải, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Hậu khẳng định: Nhờ có nghề dệt truyền thống mà đời sống của nhiều hộ dân ở Hòa Hậu trở nên khá giả hơn. Cả xã có trên 1.000 hộ làm nghề, thu hút khoảng 2.500 lao động, thu nhập bình quân từ 4 triệu đồng/người/tháng trở lên. Sản phẩm của các làng nghề càng ngày càng đa dạng, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Sự phát triển của làng nghề đã tác động không nhỏ đến các chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư ở các địa phương. Tuy nhiên, ở nhiều nơi, các làng nghề truyền thống trong quá trình phát triển đã gặp vô vàn khó khăn do phải đối mặt với sự cạnh tranh sản phẩm, cạnh tranh thị trường, trong khi, hầu hết các cơ sở sản xuất trong làng nghề chủ yếu là nông hộ, quy mô nhỏ lẻ, ít vốn, thiếu kinh nghiệm quản lý sản xuất thiếu mặt bằng. Kết quả Đề án phát triển làng nghề giai đoạn 2011-2015 cho thấy, cả tỉnh đã có 163 làng nghề truyền thống, làng nghề tiểu thủ công nghiệp và làng có nghề được công nhận, trong đó có 35 làng nghề truyền thống, 30 làng nghề TTCN và 98 làng có nghề, thu hút gần 12.000 lao động làm việc với mức lương trung bình 3,3 triệu đồng/người/tháng.

Đến nay, trong số 35 làng nghề truyền thống, đã có 3 làng bị mai một là thêu ren Vũ Xá (xã Yên Bắc), thêu ren Lương Cổ (phường Lam Hạ), thêu ren tổ 13 phường Quang Trung. Đối với làng nghề TTCN giảm 4 làng so với năm 2015. Theo kết quả đánh giá, các làng nghề, làng nghề truyền thống hoạt động yếu kém chiếm tỷ lệ cao (trên 34%), làng nghề TTCN (trên 19%); làng nghề truyền thống làm ăn có hiệu quả chỉ đạt trên 34%, trong khi làng nghề TTCN hoạt động khá, chiếm gần 62%.

Theo ông Đặng Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Công thương, công tác hỗ trợ phát triển làng nghề truyền thống, làng nghề TTCN thời gian qua đã được tỉnh quan tâm. Hoạt động của công tác khuyến công, xúc tiến thương mại được triển khai hằng năm tập trung vào các nội dung như: trình diễn kỹ thuật, đầu tư đổi mới máy móc thiết bị, đưa hàng Việt về nông thôn, tham gia các hội chợ nhằm quảng bá sản phẩm và khai thác thị trường.

Cùng với đó, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các làng nghề; khuyến khích các làng nghề, cơ sở sản xuất làng nghề xây dựng thương hiệu; giải quyết ô nhiễm môi trường làng nghề, hướng phát triển làng nghề gắn với du lịch, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác phát triển làng nghề. Đặc biệt, công tác đào tạo nghề được quan tâm đầu tư hỗ trợ, nhất là đối với những nơi bị thu hồi đất, những nơi công nghiệp – TTCN còn chậm phát triển.

Dù vậy, trong sự phát triển của làng nghề, ngành nghề nông thôn ở tỉnh ta vẫn còn nhiều hạn chế: Công tác xử lý ô nhiễm môi trường chưa được quan tâm đúng mức, tình trạng xả thải bừa bãi ra hệ thống tiêu nước chung xảy ra ở hầu hết các địa phương. Đại đa số các làng nghề chưa có thương hiệu, công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm chưa được đầu tư đúng mức; tay nghề của lao động trong các làng nghề còn hạn chế, thiếu tính chuyên nghiệp, chủ động.

Các cơ sở sản xuất trong làng nghề chủ yếu là nông hộ, quy mô nhỏ lẻ, ít vốn, thiếu kinh nghiệm quản lý sản xuất, kinh doanh, thiếu mặt bằng sản xuất. Do chưa có vùng sản xuất nguyên liệu tập trung nên chưa chủ động nguyên liệu đầu vào của sản phẩm khi có đơn hàng với số lượng lớn; gặp nhiều khó khăn trong thu mua, giá đầu vào cao, chi phí sản xuất tăng, giảm doanh thu. Việc đổi mới, nâng cao công nghệ, thay thế các thiết bị máy móc chậm chạp. Đến nay, nhiều cơ sở sản xuất cầm chừng với công suất ước đạt từ 40% đến 60% so với năm 2011.

Vì vậy, để giúp làng nghề tháo gỡ những khó khăn, trong nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển làng nghề, những năm tới, chủ trương của tỉnh tiếp tục chú trọng nâng cấp cơ sở hạ tầng làng nghề, cải thiện môi trường, hạn chế tối đa các làng nghề gây ô nhiễm môi trường. Triển khai hiệu quả các đề án hỗ trợ và phát triển nghề sản xuất gắn với du lịch, xây dựng cơ chế, chính sách phát triển làng nghề gắn với nông thôn mới, giúp các làng nghề được tiếp cận với máy móc, thiết bị tiên tiến, công nghệ mới nhằm tăng năng suất, hạ giá thành sản phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường… Quan tâm khuyến khích, phát triển những làng đa nghề.

Giang Nam

Chu Uyên

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy