Năm 2018, lần đầu tiên Hà Nam thực hiện thỏa thuận đưa lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc với số lượng 13 người, ưu tiên đối tượng thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thuộc diện bị thu hồi đất nông nghiệp, thân nhân gia đình người có công với cách mạng. Đến năm 2022, Hà Nam có thêm 37 lao động tiếp tục sang Hàn Quốc làm nông dân với những kỹ năng nghề nghiệp và kỷ luật lao động tốt nhất, đáp ứng yêu cầu của chủ doanh nghiệp.
Vừa trở về từ quận Bonghwa-Gun tỉnh Gyeongsang-Buk (Hàn Quốc) sau 3 tháng làm nông dân và mang theo hơn 130 triệu đồng tiền công, anh Trần Quốc Đạt, thị trấn Vĩnh Trụ, huyện Lý Nhân làm việc ở nhà và chờ đợi một cơ hội mới.
Trần Quốc Đạt nói: “Không cần phải học tiếng, chỉ cần có sức khỏe, thân nhân tốt, có ý thức kỷ luật trong lao động, chăm chỉ là những yêu cầu cơ bản để một người Việt Nam có thể được nhận sang Hàn Quốc làm lao động nông nghiệp theo thời vụ. Lần thứ 2 tôi sang Hàn Quốc làm nông dân thời vụ, rất muốn đi thêm nữa. Công việc làm nông bên ấy thực sự thú vị, tôi đã quen với cách làm việc của ông chủ…”
Tháng 4/2019, Trần Quốc Đạt sang Hàn Quốc lần đầu, ở đó đúng 3 tháng làm việc và mang về cho gia đình gần 100 triệu đồng. Cùng đợt đi với anh có vài chục người Hà Nam, quê Thanh Liêm, Lý Nhân, Kim Bảng, nhưng đông nhất vẫn là Lý Nhân. Ông chủ của anh là một lão nông lớn tuổi, có vài chục ha đất nông nghiệp, thuê nhân công từ Malaysia, Việt Nam, Thái Lan. Nhóm người đến từ Hà Nam ông chỉ nhận 6 người, trong đó có anh.
Trò chuyện một hồi mới biết, các ông chủ nông trang Hàn Quốc sống khá cẩn thận và tâm linh. Họ tuyển người làm thuê không chỉ đáp ứng yêu cầu “sạch” về lý lịch, có sức khỏe, chăm chỉ và không cần biết tiếng, nhưng phải hợp tuổi với họ, nhìn ảnh có thể tin tưởng được. Vì thế, ở chỗ anh, ông chủ sau khi nhận người từ Việt Nam sang qua Công ty TNHH HAJIN Hà Nội, họ thân mật luôn với người làm, mời nhau đi ăn bữa đầu tiên và trao đổi công việc.
Theo anh Đạt, các ông chủ khác cũng vậy thôi, họ có một điểm chung, dù rất thân thiện, nhưng rất chặt chẽ với người làm, chỉn chu trong công việc và cuộc sống.
Những ngày tại Hàn, khí hậu khác hẳn Việt Nam, cách làm nông nghiệp cũng khác rất nhiều. Mỗi ngày, những người nông dân ngoại quốc làm việc 8 tiếng, ai làm thêm ngoài giờ được trả 200.000 đồng/h. Tiền tươi thóc thật, cứ nhận tiền làm thêm sau mỗi buổi làm. Ăn nghỉ tại chỗ, các chủ nông trại đều xây dựng những khu nhà cho nông dân làm thuê, thỉnh thoảng có nơi chỗ ở của nông dân cùng khu với chủ, có nơi cách xa vài trăm mét. Các chủ đều trang bị tủ lạnh để bảo thức ăn cho người làm, nếu ai có nhu cầu tự nấu nướng thì cứ nấu, còn không nhà chủ sẽ nấu giúp.
Ông Nguyễn Duy Tạo, quê ở xã Nhân Thịnh, huyện Lý Nhân kể: Bên ấy, người già đi làm nhiều lắm. Chính các chủ nông trang hầu hết là từ trung tuổi trở lên. Rất nhiều người tuổi ngoài bảy mươi vẫn ra đồng làm việc. Họ tiết kiệm mọi thứ, từ nước tưới đến phân bón. Đất đai thổ nhưỡng của Hàn khác mình, vì thế cách canh tác cũng có phần khác.
Mỗi lao động sẽ phụ trách một phần diện tích rộng hàng sào. Tưới tắm có hệ thống dẫn nước từ đỉnh núi xuống. Nước suối rất trong và sạch, chính bản thân những ông chủ, những người nông dân bản địa lấy nước tưới ấy dùng để uống trực tiếp. Thuốc trừ sâu, kích thích tăng trưởng đều là thuốc sinh học.
Khi nông dân Hà Nam sang làm việc những ngày đầu, tận mắt nhìn thấy họ đưa thuốc lên sát mũi ngửi, có thể còn nếm thuốc mà “mắt tròn mắt dẹt”. Sau mới biết, họ không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật giống như nông dân của mình, rất có trách nhiệm, đặt sự an toàn cho sức khỏe con người là trên hết.
Nguyễn Trọng Luân, một thanh niên quê ở Nhân Thịnh, huyện Lý Nhân chia sẻ: Cái khác nhất trong cách làm nông của người Hàn nữa là họ làm nhàn hơn. Khâu nào cũng có máy móc hỗ trợ tiện lợi. Người ta giữ gìn môi trường khá tốt.
Anh nói: Họ không cho phép mình bỏ rác bừa bãi ngoài đường, ngoài ruộng. Chỉ một mảnh nilon nhỏ là vỏ bao thuốc chẳng hạn hay vỏ kẹo, mình cũng phải bỏ túi áo, chờ làm xong bỏ vào thùng rác chứ không thể vứt ra ruộng được. Đấy là cái mà người nông dân mình phải học họ. Còn học về chuyện canh tác thì khó, vì mỗi nơi có một điều kiện riêng. Ở Hà Nam, đất đai đồng bằng, ruộng vườn thì manh mún, đưa máy móc vào làm cũng khó. Ở bên này, mỗi chủ có vài chục ha đất, chất đất lại tốt, được bảo vệ gìn giữ rất nghiêm túc nên làm có thể nhàn hơn, năng suất hơn.
Chớp mắt đã hết 3 tháng. 37 lao động Hà Nam được sang Hàn Quốc làm nông dân thời vụ từ đầu tháng 8/2022 đã về nước. Những lao động này hầu hết đã từng sang Hàn làm việc từ năm 2018 đến giờ. Tuy nhiên, sau 2 năm đại dịch Covid-19, hoạt động xuất khẩu lao động bị đình trệ, lần này trở lại Hàn Quốc làm việc, những lao động Hà Nam cảm thấy vui mừng.
Chị Bùi Thị Hà, xã Thanh Tâm, huyện Thanh Liêm chia sẻ với cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh: “Chúng tôi thực sự cảm thấy rất hài lòng về cuộc sống và môi trường làm việc bên ấy. Dù vậy, anh em vẫn bảo nhau phải tuân thủ những quy định trong giao ước lao động ở hai địa phương, hai nước. Người lao động Hà Nam rất được yêu quý vì sự chăm chỉ và kỷ luật tốt. Chỉ tiếc, bản thân tôi không làm thêm giờ được nhiều…”
Đi một ngày đàng học một sàng khôn. Dù chỉ là lao động thời vụ nhưng trong thời gian ngắn ở Hàn Quốc, nhiều người Hà Nam đã có những nhận thức tốt hơn về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, về trách nhiệm với cộng đồng, với môi trường. Những lao động Hà Nam đã trở thành nông dân tiến bộ, sau thời gian làm việc trở về ngoài việc mang theo một khoản tiền công đáng kể còn có thêm những trải nghiệm quý báu cho bản thân.
Giang Nam