Lý Nhân: Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Cùng với việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên; đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên (GDNN&GDTX) huyện Lý Nhân còn chú trọng tới công tác tư vấn, hỗ trợ sau đào tạo. Đây là những giải pháp cơ bản nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở huyện thời gian qua.

Nhận thức của người học thay đổi

Mặc dù Lý Nhân là huyện trọng điểm về nông nghiệp nhưng những năm qua thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế hiệu quả đã thúc đẩy công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề phát triển. Trên địa bàn có gần 500 doanh nghiệp hoạt động, nguồn lao động nông thôn có nhu cầu học nghề mới khá cao. Những nghề được quan tâm nhất hiện nay như: Kỹ thuật trồng các loại cây hàng hóa, kỹ thuật nuôi cá nước ngọt, may mặc…

Ông Chu Tiến Đức (bên phải) là giảng viên thỉnh giảng các lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn Lý Nhân.

Theo ông Phạm Văn Lực, Giám đốc Trung tâm GDNN&GDTX huyện Lý Nhân, hiện người học càng ngày càng quan tâm đến các mô hình sản xuất nông nghiệp mới, chú trọng kỹ thuật và đầu ra của sản phẩm, phát triển bền vững. Họ mong muốn được tiếp nhận những kiến thức chuyên ngành vừa học vừa hành.

Trên cơ sở đó, trung tâm đã hướng được chương trình đào tạo đi sát nhu cầu thực tế của người học. Chỉ tính riêng năm 2018, toàn huyện đã đào tạo sơ cấp nghề cho 202 lao động nông thôn học các nghề may công nghiệp, thêu ren, tin học văn phòng; 490 lao động học nghề dưới 3 tháng về chăn nuôi cá nước ngọt, kỹ thuật trồng bưởi, nhãn, lúa năng suất cao, may công nghiệp.

Mừng khi nhận thức của nông dân thay đổi về chuyện học nghề, nhưng lo làm sao để người học cảm thấy chương trình đào tạo có ích thực sự với đời sống, công việc của mình, Trung tâm GDNN&GDTX huyện Lý Nhân chú trọng giải pháp đầu tiên ngay từ lúc tuyển sinh học nghề là khảo sát nhu cầu người học.

Ông Phạm Văn Lực chia sẻ: Để làm tốt chuyện này, chúng tôi cử cán bộ, giáo viên về các xã phối hợp tổ chức khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động theo phương châm đào tạo những gì người lao động cần chứ không đào tạo những gì mình có. Căn cứ vào nhu cầu đào tạo của các xã, thị trấn và đặc điểm tình hình của địa phương, trung tâm sẽ tư vấn ngành nghề đào tạo cho phù hợp.

Về phía trung tâm, việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên là quan trọng. Ngoài các giáo viên cơ hữu, trung tâm còn mời nhiều chuyên gia trong từng lĩnh vực về giảng dạy và thực hành tại cơ sở sản xuất của doanh nghiệp, các trang trại vừa để nắm bắt nhu cầu doanh nghiệp, vừa để học viên tiếp cận thực tiễn, trau dồi kinh nghiệm và tạo mối liên kết trong lao động sản xuất sau học nghề. Nhờ giải pháp này, các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Lý Nhân luôn hấp dẫn người học.

Học đi đôi với hành

Một trong số những giáo viên thỉnh giảng được Trung tâm GDNN&GDTX Lý Nhân mời giảng dạy nhiều năm qua là ông Chu Tiến Đức. Ông Đức quê ở Hưng Yên, đến huyện Lý Nhân lập nghiệp ngót chục năm qua bằng việc thuê đất trồng trọt. Vốn là kỹ sư nông nghiệp, ông Đức đam mê cây trồng, thích cuộc sống hòa nhập tự nhiên. Bằng kiến thức được học trong trường, tích lũy từ thực tiễn và kinh nghiệm, ông làm chủ một trang trại lớn với nhiều loại cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao. Khi được mời làm giáo viên dạy ở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, ngoài việc truyền đạt những kỹ thuật về trồng trọt, giúp bà con tiếp cận với nhiều kiến thức khoa học mới, công nghệ cao, ông Đức còn đưa họ về tận trang trại của mình để thực hành, nhận diện các loại bệnh mà cây trồng thường gặp.

Ông Đức nói: “Vì tôi cũng đã từng đi học, tìm hiểu về trồng trọt nên biết người học cần cái gì? Thực tế, có nhiều người trong quá trình sản xuất gặp vô vàn khó khăn do họ chưa tiếp cận hết khoa học công nghệ. Ví dụ, chỉ một loại bệnh trên cây thôi, nếu chỉ đọc sách, đọc báo mà không được hướng dẫn nhận diện thực tế họ sẽ nhầm từ bệnh nọ sang bệnh kia, từ đó việc chữa trị bệnh cho cây không còn chính xác và hiệu quả nữa. Tại các lớp học, tôi trao đổi với bà con về lý thuyết, sau đó dẫn họ về vườn nhà mình để thực hành. Học viên rất thích, nhờ đó chương trình đào tạo có kết quả tốt”.

Cũng giống như ông Đức, nhiều chủ doanh nghiệp cũng được trung tâm mời làm giảng viên thỉnh giảng cho những nghề phi nông nghiệp. Ông Phạm Văn Lực, Giám đốc Trung tâm GDNN & GDTX chia sẻ, trong điều kiện cơ sở vật chất của trung tâm còn thiếu, không thể đáp ứng hết nhu cầu thực hành của các nghề đào tạo nên việc liên kết với doanh nghiệp cho học viên thực hành tại xưởng sản xuất của doanh nghiệp để học viên được tiếp cận với máy móc, khoa học kỹ thuật và phương tiện sản xuất hiện đại. Điều mừng nhất, chúng tôi đã giải quyết được những khó khăn sau đào tạo. Đối với các nghề phi nông nghiệp, trung tâm phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để cam kết việc tuyển dụng vào các vị trí việc làm. Đối với các ngành nghề nông nghiệp, trung tâm sẽ tư vấn cho lãnh đạo các xã thành lập các tổ hợp tác, định hướng bao tiêu sản phẩm.

Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 ở Lý Nhân đạt kết quả tốt, đáp ứng chỉ tiêu và chất lượng. Tuy nhiên, theo lãnh đạo trung tâm, việc đào tạo nghề theo đề án hiện nay chỉ dành đào tạo các ngành nghề phi nông nghiệp nên rất khó khăn cho công tác tuyển sinh. Chỉ tiêu của tỉnh giao luôn thấp hơn chỉ tiêu của huyện, vì thế trong quá trình thực hiện chương trình trung tâm gặp khó khăn trong việc cân đối kinh phí.

Giang Nam

Chu Uyên

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy