Lý Nhân chú trọng đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động

Những năm qua, công tác giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề, hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông và đào tạo nghề cho lao động trên địa bàn huyện Lý Nhân được các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện liên tục, thường xuyên. Đa số học viên sau khi tốt nghiệp đã tìm được việc làm; chủ động ứng dụng khoa học kỹ thuật nâng cao năng suất lao động, sản xuất... Công tác giáo dục, đào tạo nghề đã góp phần nâng cao tỉ lệ lao động qua đào tạo; tỉ lệ lao động qua đào tạo có chứng chỉ bằng cấp, có việc làm sau đào tạo năm sau cao hơn năm trước.

Thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông giai đoạn 2018-2025” của Chính phủ và kế hoạch triển khai thực hiện của UBND tỉnh, UBND huyện Lý Nhân đã ban hành kế hoạch chỉ đạo ngành giáo dục và các trường THCS cụ thể hoá trong chương trình, kế hoạch năm học bảo đảm triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả.

Theo đó, công tác phổ biến, thông tin, tuyên truyền, tư vấn về công tác giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề, hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông luôn được các cấp, ngành, cơ sở giáo dục quan tâm chỉ đạo, phối hợp thực hiện. Trong đó, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về vai trò, vị trí của công tác giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề, hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động (NLĐ) nói riêng, nhân dân nói chung.

Tăng cường thông tin về nghề nghiệp, thị trường lao động, dữ liệu liên quan đến ngành, nghề; mô tả ngành, nghề và thông tin tuyển dụng, sử dụng lao động của từng ngành, nghề, tương ứng với từng khu vực, dự báo nhu cầu nhân lực… thông qua ngày hội tư vấn hướng nghiệp, hội thi tìm hiểu, phát tờ rơi, băng zôn, khẩu hiệu, qua hệ thống đài truyền thanh các cấp… do đoàn thanh niên, hiệp hội doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, dạy nghề thực hiện.

Đánh giá về công tác định hướng phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT cho thấy, những năm học gần đây, các trường THCS, THPT trong huyện đã quan tâm triển khai thực hiện theo đúng văn bản hướng dẫn; tổ chức học tập, trao đổi về định hướng phân luồng thông qua các tiết sinh hoạt lớp, chào cờ đầu tuần, các buổi hướng nghiệp theo chủ đề từng tháng. Tuy nhiên, hiệu quả của công tác định hướng phân luồng cho học sinh sau THCS, THPT vẫn còn hạn chế do nhận thức của cha mẹ học sinh đều mong muốn con học tiếp lớp 10 THPT và học tiếp lên đại học…

Mặc dù vậy, được sự quan tâm, chú trọng của các cấp, ngành và cơ sở giáo dục, đào tạo, chất lượng đào tạo nghề ngày càng được nâng cao. Phần lớn học viên sau khi học nghề đã áp dụng kiến thức vào thực tiễn, góp phần nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm chi phí sản xuất, hoặc được tiếp nhận vào làm việc tại các doanh nghiệp. Kết quả, từ năm 2018 đến 31/8/2022 đã có 2.341 học viên tốt nghiệp sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng; tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo các năm đều đạt trên 80%. Thực hiện chỉ đạo của huyện, công tác liên kết đào tạo được Trung tâm GDNN-GDTX phối hợp với các trường dạy nghề trên địa bàn tỉnh và thành phố Hà Nội tổ chức đào tạo các ngành nghề: Công nghệ ô tô, điện công nghiệp, tin học ứng dụng, may và thiết kế thời trang, chế biến thực phẩm, kỹ thuật chế biến món ăn, tạo mẫu tóc và chăm sóc sắc đẹp, kỹ thuật pha chế đồ uống cho hàng nghìn học viên. Phần lớn học viên sau khi học nghề phát huy được nghề đã học, đặc biệt là nghề may công nghiệp và các nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp.

Lý Nhân chú trọng đào tạo nghề giải quyết việc làm cho người lao động
Học sinh Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Lý Nhân trong giờ học nghề. Ảnh: Chu Uyên

Theo thông tin từ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, mặc dù năm 2023 trong điều kiện còn gặp một số khó khăn, nhưng từ đầu năm đến nay, công tác hướng nghiệp, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho học sinh phổ thông và người lao động trên địa bàn tiếp tục được các cấp, ngành, cơ sở giáo dục, đào tạo nghề quan tâm và đạt được một số kết quả. Cụ thể, so với kế hoạch năm, toàn huyện đã đào tạo nghề cho 517 lao động nông thôn, đạt 103,4%; giới thiệu việc làm ước thực hiện 200 lao động nông thôn, đạt 100% và giải quyết việc làm mới cho khoảng 4.747 lao động, đạt 105,4% kế hoạch, trong đó tính đến ngày 24/10 xuất khẩu lao động được 341 trường hợp, bằng 155%; giải quyết việc làm thêm cho khoảng 3.959 lao động, đạt 104,2%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 72%, tỷ lệ có bằng cấp, chứng chỉ đạt 57% (đạt chỉ tiêu)…

Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, những năm qua Trung tâm GDNN-GDTX Lý Nhân đã phối hợp với doanh nghiệp trong công tác tuyển sinh, đào tạo và sử dụng thiết bị của doanh nghiệp trong quá trình đào tạo nghề. Học viên sau khi tốt nghiệp được doanh nghiệp tiếp nhận vào làm việc. Tuy nhiên, hiện nhiều doanh nghiệp vẫn chưa quan tâm đến việc phối hợp với Trung tâm GDNN-GDTX trong hoạt động đào tạo do doanh nghiệp chủ yếu tuyển lao động phổ thông, thu hút lao động không qua đào tạo. Mục tiêu phân luồng học sinh sau tốt nghiệp phổ thông đã đạt được, song kết quả còn phụ thuộc vào việc phân bổ chỉ tiêu thi vào THPT hằng năm chứ chưa phải là nhu cầu thực sự của học sinh. Bên cạnh đó, do tâm lý của một bộ phận phụ huynh, học sinh còn đặt nặng việc phải vào học THPT, đại học; điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên của Trung tâm GDNN-GDTX huyện còn thiếu, ngân sách của địa phương hạn hẹp; nhiều doanh nghiệp chủ yếu tuyển lao động phổ thông, thu hút lao động đi làm ngay mà không cần qua đào tạo hoặc sau khi tuyển dụng sẽ tự tổ chức truyền nghề ngắn ngày nên việc đào tạo nghề cho lao động còn hạn chế về số lượng cũng như có những ngành nghề đào tạo chưa đáp ứng được thị trường lao động…

Để thực hiện hiệu quả công tác giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề, hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông và đào tạo nghề cho lao động, thời gian tới huyện Lý Nhân sẽ tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền; phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các phòng, ban, ngành, đoàn thể có liên quan và các địa phương trong thực hiện các quy định của Đảng và Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề. Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, tạo sự chuyển biến về nhận thức, đồng thuận của xã hội về phát triển giáo dục nghề nghiệp và vị trí, vai trò của nhân lực có kỹ năng nghề, nhằm huy động sự tham gia và nguồn lực của toàn xã hội, nhất là sự đồng hành của doanh nghiệp trong việc phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng nghề phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, tăng cường phối hợp tuyên truyền về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông; thường xuyên khảo sát, đánh giá nhu cầu tuyển dụng lao động địa phương của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp trên địa bàn để định hướng cụ thể công tác đào tạo nghề, trong đó có đào tạo nghề cho lao động nông thôn bảo đảm phù hợp, đáp ứng yêu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp.

Tiếp tục bổ sung trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ công tác đào tạo nghề cho Trung tâm GDNN-GDTX huyện, hướng đến các nghề mà thị trường lao động có nhu cầu cao; liên kết tổ chức đào tạo tại doanh nghiệp để người học được thực tập nghề trong thực tiễn sản xuất để nâng cao khả năng nghề nghiệp và khả năng tiếp cận, tìm kiếm việc làm cho lao động.

Trần Quyết

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy