Những năm gần đây, cùng với sự phát triển mở rộng của các khu, cụm công nghiệp, tại các địa phương trong tỉnh cũng hình thành ngày càng nhiều cơ sở may gia công. Qua đó, góp phần giúp các xã hoàn thành nhiều chỉ tiêu quan trọng trong thực hiện tiêu chí về thu nhập, hộ nghèo, lao động… trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao.
Thời gian qua, xã Tiên Sơn (thị xã Duy Tiên) phát triển khá mạnh các ngành nghề phi nông nghiệp, góp phần tạo việc làm và thu nhập cho người lao động theo chủ trương “ly nông bất ly hương”. Trong đó phải kể đến sự phát triển mạnh mẽ của nghề may gia công. Với hơn 30 doanh nghiệp, cơ sở đóng trên địa bàn, nghề may gia công đang giải quyết việc làm cho khoảng 300 lao động trong toàn xã.
Điển hình là Công ty TNHH May Minh Khuê (thôn Thọ Cầu). Trước khi thành lập công ty, giám đốc trẻ Trần Đình Tứ đã phát triển nghề may gia công tại địa bàn theo hình thức xưởng may với khoảng chục lao động làm thuê. Với những nỗ lực không ngừng trong việc đầu tư cải tiến máy móc, công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, sau khi thành lập công ty, may Minh Khuê từng bước mở rộng quy mô sản xuất, đến nay đã tạo việc làm ổn định cho khoảng 90 lao động với mức thu nhập từ 6-9 triệu đồng/tháng.
Bà Vũ Thị Nga (thôn Thọ Cầu, xã Tiên Sơn) - một trong những người gắn bó với may Minh Khuê ngay từ những ngày đầu chia sẻ: Trước đây, tôi thường đi làm thuê làm mướn đủ nghề để kiếm sống. Ai thuê gì làm nấy nên công việc rất bấp bênh, thu nhập không ổn định. Từ khi có xưởng may của anh Tứ, giờ là Công ty TNHH May Minh Khuê, tôi và nhiều lao động trong thôn, trong xã rất phấn khởi vì không còn phải vất vả đi tìm việc hay đạp xe đi làm xa nhà nữa. Chúng tôi đã có việc làm thường xuyên ngay tại trong thôn với mức thu nhập tốt.
Qua trao đổi với anh Trần Đình Tứ, Giám đốc Công ty TNHH May Minh Khuê được biết, ngoài tiền lương hằng tháng, May Minh Khuê còn tham gia đóng bảo hiểm xã hội và có nhiều chế độ, chính sách hấp dẫn cho người lao động vào các dịp lễ, Tết trong năm. Tiền khen thưởng được công ty tính theo tỷ lệ phần trăm lương tháng nên mức thưởng cho người lao động trong các dịp lễ, Tết khá cao, từ 1 triệu đồng đến vài triệu đồng mỗi người. Chế độ lương, thưởng tốt nên công ty thu hút được nhiều lao động vào làm việc và yên tâm gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Đây cũng là điểm thuận lợi để May Minh Khuê mở rộng quy mô hoạt động trong thời gian tới, đáp ứng yêu cầu về tiến độ của các đơn hàng xuất khẩu lớn sang thị trường Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước châu Âu.
Mặc dù không xây dựng xưởng may tại gia đình nhưng với nhiều năm kinh nghiệm làm nghề cùng niềm đam mê đối với mặt hàng thời trang, anh Trần Văn Bốn, tổ dân phố Quỳnh Chân, phường Lam Hạ (thành phố Phủ Lý) cũng đang phát triển kinh tế gia đình bằng nghề may gia công. Không chỉ làm giàu cho gia đình, anh Bốn còn mang đến nhiều cơ hội việc làm cho lực lượng lớn lao động tại các địa phương trong tỉnh.
Chia sẻ về công việc của mình, anh Bốn cho hay: Nhận thấy tiềm năng phát triển của ngành may mặc, tôi đã chủ động tìm kiếm đối tác, ký kết được nhiều hợp đồng may gia công cho các thương hiệu. Có đơn hàng trong tay, tôi tìm thuê các doanh nghiệp, xưởng may uy tín trên địa bàn tỉnh để hoàn thiện sản phẩm. Khoảng 2-3 tháng trở lại đây, ngành may mặc đã có sự khởi sắc và phục hồi đáng kể sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế toàn cầu và nhu cầu đối với mặt hàng thời trang giảm sút mạnh. Thời điểm này, tôi đã ký kết được nhiều đơn hàng gia công lớn đối với mặt hàng áo sơ mi, quần âu… Qua đó, tạo được việc làm cho nhiều lao động nông thôn.
Qua tìm hiểu thực tế về thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới tại các xã trên địa bàn tỉnh cho thấy, với nhiều ưu điểm như dễ đào tạo tay nghề, yêu cầu công việc phù hợp với lao động ở nhiều độ tuổi khác nhau, những năm qua, nghề may gia công có sự phát triển mạnh mẽ tại nhiều địa phương trong tỉnh. Trung bình mỗi xưởng may tạo việc làm tại chỗ cho khoảng 10-20 lao động. Trong quá trình hoạt động, nhiều xưởng may quy mô hộ gia đình đã kinh doanh hiệu quả và phát triển lên mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã hay thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn. Các cơ sở tích cực tìm kiếm đối tác, liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để ký kết đơn hàng, tạo việc làm thường xuyên cho người lao động với thu nhập từ 5-8 triệu đồng/người/tháng. Nghề may gia công cũng được các xã quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển, góp phần hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Ông Phạm Văn Độ, Chủ tịch UBND xã Liêm Cần (Thanh Liêm) cho biết: Thực hiện tiêu chí thu nhập, hộ nghèo và lao động trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, xã Liêm Cần đã và đang tập trung chỉ đạo đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập cho người dân. Hằng năm, xã đều tiến hành khảo sát nhu cầu học nghề của người dân để xây dựng kế hoạch, tổ chức dạy nghề phù hợp cũng như đáp ứng thực tế nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn. Trong đó, nghề may công nghiệp được địa phương đặc biệt khuyến khích phát triển. Thời gian qua, xã cũng tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp may vào đầu tư, mở rộng sản xuất. Đến nay, trên địa bàn xã có trên 10 doanh nghiệp, cơ sở may gia công hoạt động hiệu quả, tạo việc làm cho lao động địa phương. Trong đó, nhiều lao động thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo nhờ có việc làm ổn định từ nghề may gia công đã từng bước vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Đa dạng hóa nghề nghiệp, giải quyết việc làm theo các mô hình sản xuất vừa và nhỏ đang là cách làm hiệu quả trong giải quyết việc làm cho lao động nông thôn tại các địa phương trong tỉnh, trong đó có nghề may gia công. Điều quan trọng là sự phát triển nở rộ của các xưởng may gia công tại các xã đã giúp cho nhiều hộ nghèo, cận nghèo ổn định cuộc sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Nguyễn Oanh