kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Lao động trẻ nông thôn có thiết tha với nghề truyền thống?

Lao động trẻ nông thôn có thiết tha với nghề truyền thống?

Hà Nam hiện có trên 160 làng nghề truyền thống, làng nghề tiểu thủ công nghiệp và làng có nghề. Làng nghề Hà Nam có nhiều tiềm năng phát triển, nhưng đang gặp khó khăn do lực lượng lao động trẻ không thiết tha với nghề truyền thống. Tư tưởng “chọn việc nhẹ nhàng”, lại cho thu nhập cao tức thì, đã và đang chi phối lựa chọn công việc của nhiều thanh niên hiện nay.

Phải chịu khó mới làm nghề được…

Là một trong những làng nghề truyền thống thu hút lực lượng lao động lớn nhất ở Hà Nam hiện nay là làng nghề sản xuất bánh đa nem làng Chều, xã Nguyên Lý, huyện Lý Nhân. Ông Trần Văn Tường, Chủ tịch Hiệp hội sản xuất và kinh doanh bánh đa nem làng Chều cho biết: Thôn Mão Cầu xấp xỉ 100% hộ làm nghề, trong đó lực lượng lao động trẻ chiếm gần 70%. Đó là một trong những điều kiện thuận lợi để làng nghề tiếp tục duy trì và phát triển hơn hẳn những làng nghề truyền thống đang tồn tại hiện nay.

Một cơ sở sản xuất bánh đa nem ở làng Chều, xã Nguyên Lý (Lý Nhân). Ảnh: Uyên Nam

Anh Phạm Văn Dũng - một thanh niên có tiếng năng động, chịu khó, mới 34 tuổi đã trở thành một chủ cơ sở sản xuất và kinh doanh bánh đa nem. Từ sáng đến tối, ngày nào cũng như ngày nào, hai vợ chồng anh làm việc quay cuồng.

Anh kể hồi học xong cấp 3, anh cũng không có ý định làm nghề này. Vì thế, anh ra Quảng Ninh làm việc với mức lương 6 đến 7 triệu đồng tháng. Tiền thuê nhà, ăn uống, bạn bè, đi về… với mức lương ấy không đủ với một thanh niên xa nhà. Anh không tích lũy được gì cả, quyết định trở về quê, làm nghề với cha mẹ. 

Mỗi ngày, chiếc máy của gia đình Phạm Văn Dũng làm được hơn một tấn bánh cho các hộ gia đình. Tiền công được tính gần 20.000 đồng/100 phên. Nếu máy chạy ròng một ngày thì cơ sở sản xuất của anh cho ra lò 2.000 phên, tương đương với 150 kg bột.

Anh Dũng nói: Cơ sở nhà tôi là một trong số gần 10 cơ sở sản xuất bánh đa nem do thanh niên làm chủ ở xóm này. Mọi người thường gọi đây là cơ sở của nhóm thợ tuổi 30. 

Sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ tại cơ sở chế biến gỗ của gia đình anh Nguyễn Văn Hậu, xóm 6, Đồng Lý (Lý Nhân). Ảnh: Nguyễn Hiền

Sức hút từ những nghề mới

Trong số hơn 160 làng nghề truyền thống, làng nghề thủ công và làng có nghề hiện nay của Hà Nam, số những làng nghề duy trì và phát triển tốt không nhiều. Lực lượng lao động trong những làng nghề truyền thống vơi cạn do lao động kế cận (lao động trẻ) không mặn mà với nghề.

Ông Dương Quốc Tịch, Bí thư Chi bộ thôn Đại Phu, xã An Đổ, huyện Bình Lục cho biết: “Nếu trước đây ở làng nghề cưa dũa nổi tiếng miền Bắc này thu hút 80-90% hộ dân làm nghề với một lực lượng lao động hùng hậu thì bây giờ chỉ còn chưa đến 50%.

Sự tồn tại và phát triển của làng nghề truyền thống đang gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ và nhân lực làm nghề. Những người thợ cũ đã già, nhưng lực lượng kế cận không có. Thanh niên chọn những nghề mới, đi làm công nhân ở các công ty, xí nghiệp ngày một đông, không mấy ai tha thiết với nghề…”.

So với thu nhập ở làng nghề bánh đa nem, mỗi thợ được ăn 2 bữa hưởng công 250.000 đồng/ngày, ở làng nghề cưa dũa, tiền công thợ hiện nay chỉ trên dưới 200.000 đồng, có công đoạn chỉ ngót 100.000 đồng/ngày/người. Thu nhập thấp và vất vả đã làm cho nhiều lao động trẻ không gắn bó với nghề.

Đây là thực trạng chung ở những làng nghề truyền thống hiện nay. Theo thống kê, trong tổng số gần 2 vạn lao động làm nghề ở các làng nghề của Hà Nam, chỉ có khoảng gần 40% lao động trẻ theo nghề. Hầu hết thanh niên trong độ tuổi lao động làm công nhân trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp của tỉnh.

Trong mục tiêu phát triển làng nghề, không chỉ thực hiện mục đích bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa làng nghề, phát triển kinh tế hộ gia đình mà còn gắn phát triển làng nghề với phát triển du lịch.

Theo đó, Hà Nam đã xây dựng nhiều giải pháp, trong đó xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển làng nghề gắn với xây dựng nông thôn mới; tăng cường nguồn vốn xây dựng hạ tầng nông thôn, các cụm công nghiệp và làng nghề, xử lý môi trường; hỗ trợ các cơ sở sản xuất phát triển nghề truyền thống tiếp cận với máy móc, công nghệ tiên tiến vào sản xuất; khuyến khích lao động chuyên sâu một nghề và biết nhiều nghề, thích ứng được với tác động của cơ chế thị trường, mạnh dạn đầu tư phát triển nghề…

Dù vậy, các hiệp hội làng nghề cũng như các tổ chức  cơ sở đoàn thanh niên nếu không làm tốt chức năng, vai trò của mình trong định hướng nghề, tổ chức việc làm cho thanh niên… sẽ khó có khả năng thu hút lao động trẻ trở lại với làng nghề truyền thống.                                   

Chu Uyên

Chu Uyên, Nguyễn Hiền

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy