Thực hiện yêu cầu đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ các yếu tố căn bản của giáo dục nghề nghiệp, các cơ sở đào tạo nghề của Hà Nam đang hướng tới các hoạt động đổi mới dựa trên chuẩn năng lực, chuẩn đầu ra, nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu thực tiễn của thị trường lao động và hội nhập với các quốc gia trong khu vực ASEAN và thế giới.
Chú trọng phát triển kỹ năng nghề
Những năm qua, thực hiện Chương trình mục tiêu giáo dục nghề nghiệp – giáo dục việc làm và an toàn lao động giai đoạn 2016-2020, Hà Nam đã triển khai thực hiện Dự án "Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp" ở 7/22 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tập trung chủ yếu vào các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, hoạt động và học nghề; hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất; chuẩn hóa, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp…
Theo ông Đỗ Quang Triệu, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Hà Nam, mục tiêu kép đối với các cơ sở giáo dục khi triển khai thực hiện dự án này là hỗ trợ đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục nghề nghiệp về cơ chế chính sách; hoạt động đào tạo dựa trên chuẩn đầu ra; các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo nghề nhằm tạo đột phá về chất lượng đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và hội nhập quốc tế, đồng thời, phấn đấu đến năm 2025 trường được công nhận là trường cao đẳng chất lượng cao.
3 năm thực hiện dự án này, Trường Cao đẳng Nghề Hà Nam mỗi năm cung cấp cho thị trường lao động ngót một nghìn lao động kỹ thuật tay nghề cao. Riêng đối với hệ cao đẳng, 100% sinh viên ra trường có việc làm ngay và thu nhập từ 5-7 triệu đồng/người/tháng. Ông Đỗ Quang Triệu cho biết, nhà trường triển khai dự án nhưng mới chỉ thực hiện hoạt động đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo. Nhờ hoạt động này những năm qua, nhà trường từng bước xây dựng, củng cố được cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo đáp ứng yêu cầu đổi mới khi đưa một số nghề trọng điểm quốc gia vào đào tạo. Kỹ năng nghề nghiệp của học sinh, sinh viên sau khi được đào tạo tại trường có sự thay đổi rõ rệt, được các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI nhắm tuyển dụng ngay trong thời gian chuẩn bị tốt nghiệp ra trường. Từ đây, vị thế của nhà trường cũng được nâng cao. Việc gắn kết giữa nhà trường với các doanh nghiệp ngày càng trở nên khăng khít hơn, tạo thuận lợi cho người học có cơ hội được lựa chọn việc làm theo nhu cầu.
Thông tin từ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), trong giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh có khoảng 86.900 người được đào tạo nghề, gồm: trình độ cao đẳng 1.500 người, trung cấp 8.900 người, sơ cấp: 38.500 người và đào tạo dưới 3 tháng 38.000 người. Mục tiêu đặt ra ban đầu, đến năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề lên 55%, thực tế, tỷ lệ này hiện đạt trên 65%.
Ông Nguyễn Mạnh Tiến, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho rằng, thuận lợi nhất đối với công tác đào tạo nghề giai đoạn này là hệ thống các văn bản pháp lý về lĩnh vực dạy nghề ngày một hoàn thiện. Hệ thống quản lý đào tạo nghề và lao động việc làm đã được thành lập từ cấp tỉnh tới các huyện, thành phố, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý và hiện nay các huyện đều đã thành lập được trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên công lập. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác dạy nghề từng bước được cải tạo, sửa chữa, nâng cấp bước đầu đáp ứng được yêu cầu của từng nghề ở mỗi cơ sở dạy nghề. Chương trình dạy nghề dần được chuẩn hóa, phù hợp với thực tiễn sản xuất.
Xây dựng thương hiệu cho các trường dạy nghề
Chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp ở Hà Nam từng bước có những chuyển biến tích cực. Kỹ năng nghề nghiệp của người học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được nâng lên, nhất là ở những chương trình chất lượng cao, người học vừa có kỹ năng nghề nghiệp giỏi, vừa đáp ứng yêu cầu về lao động chất lượng cao cho thị trường lao động trong nước và cho thị trường lao động nước ngoài. Nhu cầu giáo dục nghề nghiệp gắn với việc làm mỗi năm một cao. Ông Đỗ Quang Triệu, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Hà Nam cho biết: Năm học trước, nhiều doanh nghiệp về trường "đặt hàng" đào tạo cho hàng nghìn lao động tay nghề cao, nhưng trường không thể đáp ứng được do không tuyển được nguồn. Phân luồng học sinh ở tỉnh hiện nay còn nhiều bất cập, tâm lý thích làm thầy hơn làm thợ chưa thay đổi nhiều. Mỗi năm học, nhà trường chỉ tuyển được hơn 1.000 học sinh ở các hệ đào tạo…
Nhu cầu của doanh nghiệp về nguồn nhân lực qua đào tạo của các ngành/nghề trọng điểm hiện nay rất lớn. Hà Nam chỉ có 4 cơ sở đào tạo nghề thực hiện đào tạo nghề trọng điểm nên phần nào chưa thể đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Dù vậy, qua việc đào tạo này, các trường đã khẳng định được thương hiệu và chất lượng đào tạo nghề. Không kể đến tỷ lệ học sinh, sinh viên ra trường mỗi năm có việc làm bình quân trên 80%, tại các cuộc thi tay nghề giỏi quốc gia, khu vực và quốc tế, học sinh, sinh viên ở một số trường nghề Hà Nam đều tham dự và đạt giải. Hằng năm, Sở LĐ-TB&XH còn tổ chức hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp nhằm giúp người học có cơ hội tiếp cận nhiều hơn nữa với các kiến thức, công nghệ tiên tiến của các nước trong khu vực và trên thế giới. Tạo mọi điều kiện thuận lợi giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, thu hút nguồn nhân lực bên ngoài cho sự phát triển của giáo dục nghề nghiệp. Điều nhìn thấy rất rõ ở các cuộc hội giảng là hầu hết các bài giảng của giáo viên đều đã tiếp cận với công nghệ mới; ứng dụng thành thạo, hiệu quả công nghệ thông tin, một số bài giảng sử dụng thiết bị, đồ dùng dạy học đạt hiệu quả giúp người học tiếp thu bài tốt hơn...
Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề hiện nay đang gặp phải nhiều khó khăn, đặc biệt từ đầu năm 2020 đến nay, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, tác động tiêu cực đến mọi lĩnh vực của đời sống. Tất cả các cơ sở giáo dục đào tạo phải tạm dừng hoạt động 3 tháng đầu năm để chống dịch. Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhu cầu cao nhưng vẫn không có nguồn để đáp ứng.
Theo bà Phạm Thị Hường, Trưởng phòng Dạy nghề, Sở LĐ-TB&XH, cái khó quyết định đến sự phát triển, liên kết đào tạo cùng doanh nghiệp đối với các cơ sở đào tạo nghề là đầu vào tuyển sinh thấp, luôn không đạt chỉ tiêu. Thực tế, nhiều doanh nghiệp có tiếng, sẵn sàng trả mức thu nhập cao gấp đôi, gấp ba mức sàn, không ngần ngại hỗ trợ trang thiết bị đào tạo nghề cho trường chỉ để đặt đào tạo vài nghìn sinh viên cao đẳng nghề mỗi năm mà không thể!
Giang Nam