Chú trọng công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên

Theo thống kê, Hà Nam hiện có gần 23 vạn thanh niên trong độ tuổi từ 16-30, chiếm gần 30% dân số, 41,2% lực lượng lao động toàn tỉnh. Phát huy vai trò “cầu nối”, giúp thanh niên trên con đường lập thân, lập nghiệp, thời gian qua, các cấp bộ đoàn đã triển khai nhiều hoạt động tư vấn, định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm cho thanh niên, giúp thanh niên phát triển kinh tế.

Nhờ được đào tạo nghề, xưởng sản xuất đồ gỗ của gia đình anh Vũ Mạnh Lân, tổ dân phố số 4, thị trấn Hòa Mạc (Duy Tiên) cho thu nhập hàng tỷ đồng/năm.

Để làm tốt công tác này, hằng năm, các cấp bộ đoàn đã phối hợp với các cấp, ngành tích cực tham mưu với tỉnh các nội dung liên quan đến chế độ, chính sách, tuyên truyền, khảo sát nhu cầu đào tạo nghề.

Đối với thanh niên khối trường học, các cấp bộ đoàn đã phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo tổ chức hướng nghiệp, tư vấn “Thanh niên với việc lựa chọn nghề nghiệp” và chương trình “Giúp bạn chọn nghề”. Đối với thanh niên nông thôn, các cấp bộ đoàn đã tiến hành khảo sát nhu cầu việc làm, học nghề để tham mưu với các đơn vị liên quan mở các lớp đào tạo nghề phù hợp.

Năm 2018, tổ chức đoàn các cấp đã phối hợp với ngành lao động – thương binh và xã hội, các trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề, các doanh nghiệp, trường nghề mở 12 lớp đào tạo nghề, 86 lớp chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, 6 lớp tập huấn kiến thức về xây dựng mô hình kinh tế tập thể, thu hút gần 30 nghìn đoàn viên, thanh niên tham gia.

Duy trì có hiệu quả các mô hình câu lạc bộ (CLB) thanh niên phát triển kinh tế. Hiện toàn tỉnh có 156 CLB thanh niên phát triển kinh tế, thu hút 1.814 thanh niên tham gia. Các cấp bộ đoàn còn chủ động phối hợp với ngành liên quan, đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, giới thiệu việc làm cho thanh niên, tổ chức sàn giao dịch việc làm.

Kết quả từ năm 2014 đến nay, toàn tỉnh có 48.432 thanh niên được tư vấn hướng nghiệp, 12.012 thanh niên được giới thiệu việc làm, 456 thanh niên được tổ chức đoàn, hội tư vấn xuất khẩu lao động và 718 thanh niên xuất ngũ được giới thiệu việc làm.

Cùng với đó, đoàn thanh niên các cấp còn nhận ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội 228 tỷ đồng, cho 4.129 hộ gia đình vay vốn tại 232 tổ tiết kiệm và vay vốn. Nguồn vốn Quỹ quốc gia GQVL cũng được phân bổ cụ thể về các địa phương nhằm giúp thanh niên mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo nghề và GQVL cho thanh niên vẫn còn một số khó khăn. Kkinh phí dành cho dạy nghề còn hạn chế, chưa  chủ động liên kết với doanh nghiệp trong việc đào tạo nghề và GQVL theo địa chỉ, đơn đặt hàng.

Các dự án cho vay GQVL từ nguồn Quỹ quốc gia chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, trong khi thanh niên ở địa phương chưa phải là chủ hộ nên khó tiếp cận nguồn vốn vay. Một bộ phận thanh niên còn có tâm lý ngại khó, ngại khổ, còn e dè, chưa mạnh dạn, quyết tâm trong tìm kiếm cơ hội việc làm. Nhiều thanh niên còn chưa có tác phong công nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật chưa cao nên không đáp ứng yêu cầu đặt ra khi làm việc tại doanh nghiệp…

Công tác đào tạo nghề, GQVL cho thanh niên hiện nay là việc làm vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính cơ bản lâu dài. Để làm tốt vấn đề này, đòi hỏi phải có sự nỗ lực của các cấp, ngành và trước hết là tổ chức đoàn. Theo đó, tổ chức đoàn cần làm tốt công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên; thường xuyên tiến hành rà soát, từ đó phối hợp với các cấp, ngành chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền có những giải pháp hữu hiệu hơn nữa trong việc đào tạo nghề, GQVL cho thanh niên.

Trần Ích

Trần Ích

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy