kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Xây dựng xã hội học tập và nhiệt huyết của những "người thầy" không chuyên

Xây dựng xã hội học tập và nhiệt huyết của những "người thầy" không chuyên

Xã hội học tập hình thành mô hình giáo dục mở, trong đó mọi công dân đều có quyền lợi và nghĩa vụ học tập suốt đời. Để đáp ứng nhu cầu học tập của người dân, những năm qua, các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị... đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, nói chuyện chuyên đề, cập nhật kiến thức,…thu hút đông đảo đối tượng người học tham gia.

Tại những lớp học này, đội ngũ giảng viên (thường là cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức; hoặc chuyên gia, nhà nghiên cứu... PV), với kiến thức, sự hiểu biết và kỹ năng tuyên truyền, đã truyền đạt, hướng dẫn, tư vấn cho người học những kiến thức đa dạng mọi mặt, góp phần tích cực vào việc xây dựng xã hội học tập.

Đối với cán bộ, chuyên viên ở Chi cục Dân số tỉnh, thực hiện các buổi truyền thông ở cơ sở là một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Được dự một buổi truyền thông về chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) cho học sinh Trường THCS Lê Hồng Phong, TP Phủ Lý mới đây, ai cũng cảm nhận được sự say sưa, nhiệt huyết của chị Trần Lan Hương, chuyên viên Phòng Truyền thông dân số (thuộc Chi cục Dân số) khi có bài nói chuyện, tương tác, giao lưu với học sinh, tạo được hiệu ứng khá tốt. Với sự dẫn dắt linh hoạt, nội dung ngắn gọn, có trọng tâm trọng điểm, đi thẳng vào vấn đề, chị Trần Lan Hương đã thu hút được sự chú ý của các em, kéo học sinh cùng thảo luận, đưa ra ý kiến sôi nổi. Thời lượng nói chuyện chỉ gói gọn trong 1h, nhưng buổi truyền thông đã tác động tốt đến học sinh, giúp các em nắm được kiến thức về SKSS, thay đổi hành vi, tự tin ở tuổi dậy thì và quan tâm chăm sóc đến SKSS của mình để lớn lên khỏe mạnh.

Xây dựng xã hội học tập và nhiệt huyết của những người thầy không chuyên
Cán bộ Chi cục Dân số tỉnh truyền thông tại trường học.

Chia sẻ về kinh nghiệm làm thế nào để tuyên truyền, giáo dục hiệu quả khi không phải là giáo viên chuyên nghiệp, chị Trần Lan Hương cho biết: Vì không được đào tạo về kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm nên khi được phân công đảm nhận nhiệm vụ tuyên truyền, truyền thông về công tác dân số, SKSS... tôi luôn có ý thức củng cố, nâng cao kỹ năng nói, thuyết trình. Khi vào ngành dân số, tôi đã được tham gia khóa bồi dưỡng nghiệp vụ dân số 3 tháng, trong đó có trang bị kỹ năng truyền thông; được tham gia các buổi tập huấn về truyền thông dân số thường kỳ. Cùng với đó, tôi luôn chủ động học hỏi từ các đồng nghiệp có kinh nghiệm trong cơ quan, trong ngành; tự xem các diễn giả truyền thông ở các lĩnh vực khác qua mạng internet. Với những kiến thức, kỹ năng tích lũy được, mỗi khi có buổi truyền thông tôi đều phải chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung, các điểm nhấn chính, định lượng thời gian,… Theo tôi, người làm công tác truyền thông phải linh hoạt, không khô cứng, có những câu chuyện cụ thể để tạo sự hào hứng, ấn tượng, như thế mới thu hút người nghe...

Cũng như chị Trần Lan Hương, cán bộ của ngành Dân số dù không phải là giáo viên, không được đào tạo chuyên sâu về sư phạm, nhưng cùng với việc tham gia các lớp tập huấn, họ đã tự học rất nhiều để nâng cao kỹ năng truyền thông. Qua đó triển khai nhiệm vụ tuyên truyền một cách hiệu quả, để người dân đồng lòng thực hiện các mục tiêu về dân số, đặc biệt là các mục tiêu trọng tâm ở mỗi giai đoạn.

Là một nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, ông Nguyễn Thế Vinh thường xuyên được mời đi nói chuyện về thơ văn, về văn hóa truyền thống. Với kinh nghiệm dày dặn của một diễn giả, khán giả luôn bị cuốn theo cùng mạch nói của ông; thể hiện rõ sự tâm đắc, hứng thú. Những bài nói chuyện của ông giúp mọi người mở mang kiến thức, thêm hiểu biết về thơ ca, thấy được cái hay cái đẹp của thơ ca cũng như vẻ đẹp của cuộc sống; biết nhiều hơn về các nhân vật lịch sử, danh nhân, những văn nghệ sỹ nổi tiếng, về truyền thống, lịch sử quê hương,... Qua đó giúp khơi dậy niềm tự hào, tình yêu quê hương đất nước trong mỗi người nghe. Trò chuyện với ông Nguyễn Thế Vinh được biết, do vừa làm thơ, vừa nghiên cứu văn hóa dân gian, đam mê tìm hiểu về tư liệu truyền thống, danh nhân, những người nổi tiếng nên ông có vốn kiến thức khá phong phú về các lĩnh vực này. Tuy nhiên, để có được những buổi nói chuyện hiệu quả, thu hút được sự chú ý của mọi người, theo ông Nguyễn Thế Vinh, ngoài những phông kiến thức có được, người "vào vai" diễn giả phải tự nhìn nhận điểm mạnh, điểm hạn chế của bản thân để biết phát huy điểm mạnh và có ý thức rèn rũa, khắc phục điểm yếu, thậm chí là cố tật của mình để thực hiện tròn vai. Hơn thế, bởi kiến thức của mỗi lĩnh vực là mênh mông, nên trong thời gian ngắn của một buổi nói chuyện (thường khoảng 1-2 tiếng), trên cơ sở căn cứ vào nhóm đối tượng nghe, ông chuẩn bị nội dung kỹ càng, để không quá giờ nhưng vẫn truyền đạt được những ý tứ cốt lõi nhất. Với những kiến thức, thông tin đã cũ, ông có cách xâu chuỗi, làm mới, truyền đạt một cách ấn tượng để mọi người dù biết rồi nhưng nghe ông nói vẫn thấy thú vị. Ông cũng rất chú trọng tìm tòi để đưa ra những thông tin mới hoàn toàn, gây bất ngờ, thích thú đối với người nghe. Ngoài ra còn một yếu tố rất quan trọng nữa, ông Nguyễn Thế Vinh cho rằng, người nói phải thể hiện sự nhiệt huyết, “truyền lửa”, khuấy động sự đam mê, sự hứng khởi trong người nghe mới giúp người nói chuyện và buổi nói chuyện được thành công.

Hiện tại ở nhiều ngành, công tác tuyên truyền, hướng dẫn chuyển giao khoa học kỹ thuật là một trong những nhiệm vụ phải thực hiện. Những người làm nhiệm vụ này thường chỉ được tập huấn về nghiệp vụ truyền thông, nhưng họ luôn có ý thức học hỏi, rèn rũa để nâng cao chất lượng các buổi tập huấn, nói chuyện. Ngoài ra, trong xã hội cũng có nhiều ngành nghề, lĩnh vực mà nhiều người dân có nhu cầu học. Ví dụ, ở các cửa hiệu làm tóc, gội đầu luôn có đội ngũ học việc và những người chủ cửa hiệu là “thầy” giảng dạy, hướng dẫn cho học viên từ lý thuyết đến kỹ thuật. Trong các nhà may, chủ nhà may cũng thường nhận vài học viên dạy nghề theo cách “cầm tay chỉ việc”... giúp người học, người làm không chỉ nắm vững kỹ thuật may đo mà còn có thêm năng lực làm nghề...

Những "người thầy" không chuyên đó đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu xây dựng xã hội học tập khi đáp ứng nhu cầu “cần gì học nấy”, học mọi lúc mọi nơi và phù hợp với lứa tuổi của người học.

Đỗ Hồng 

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy