Những năm qua, việc ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) vào các hoạt động giáo dục để cải tiến phương pháp, hình thức và công cụ giảng dạy, học tập đã được phát triển khá rộng rãi trong các nhà trường trên địa bàn tỉnh. Với sự hỗ trợ của các nền tảng số ngày càng phong phú, việc dạy và học đã phát huy được vai trò sáng tạo của các chủ thể giáo dục, dần tiệm cận tới mục tiêu giáo dục chủ động, góp phần thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.
Điều này đã được thể hiện rõ nét nhất trong thời gian chuyển việc dạy và học trực tiếp sang dạy và học trực tuyến do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trên cơ sở khai thác tối đa các ứng dụng KHCN, đặc biệt là ứng dụng phổ thông E-learning hay các phần mềm dạy học trực tuyến, như: Microsoft Teams, Zoom đã giúp giáo viên và học sinh đều tham gia một cách dễ dàng vào lớp học được mở trên hệ thống thông qua máy tính, máy tính bảng, điện thoại thông minh có kết nối internet. Trong quá trình giảng dạy đó, giáo viên có thể lựa chọn cho mình công cụ soạn bài điện tử, công cụ tạo bài kiểm tra hay công cụ seminar điện tử… để trực tiếp giảng dạy cho học sinh hoặc giao bài tập, lưu trữ bài giảng, tài liệu học tập dưới nhiều định dạng khác nhau, như: word, PDF, video… Những ứng dụng này tạo thuận lợi cho giáo viên cả về việc tổ chức, quản lý lớp học cũng như đánh giá chất lượng học tập của học sinh.
Cô giáo Lê Thị Thúy Nga, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở (THCS) Nguyễn Hữu Tiến (Duy Tiên) chia sẻ: Trong thời gian dịch Covid-19 phức tạp, việc giảng dạy của giáo viên và học sinh bị ảnh hưởng rất lớn nên cùng với sự chỉ đạo, định hướng của ngành, nhà trường cũng chủ động chuyển đổi nhanh hình thức dạy và học một cách phù hợp, khuyến khích giáo viên và học sinh tăng cường ứng dụng KHCN trong các hoạt động dạy và học. Theo hình thức số hóa giáo dục, giáo viên với vai trò là người “dạy số” sẽ thực hiện giảng bài và gửi bài qua Zalo, tin nhắn, chấm chữa bài trên các phần mềm Azota, Zalo và giải đáp kịp thời những thắc mắc của học sinh. Còn học sinh là người “học số” đã tham gia đầy đủ các buổi học trực tuyến, tự chủ động học bài và nghiên cứu kiến thức qua các phần mềm giáo dục hoặc cũng có thể tham khảo các bài giảng gửi trong thư viện điện tử của nhà trường.
Đối với giáo viên hiện nay, không chỉ được làm việc, hoạt động nhiều trên môi trường có ứng dụng KHCN mà còn là chủ thể tổ chức rất nhiều hoạt động giáo dục cần sự hỗ trợ của công nghệ số, như: soạn bài trình chiếu, tạo nhóm làm việc trên mạng, hình thức báo cáo trực tuyến... Bản thân các giáo viên đã ý thức được tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) nên có sự vào cuộc khá tích cực và chủ động.
Hơn thế, với sự hỗ trợ của các phần mềm giáo dục, đa số giáo viên đã nhanh chóng bắt kịp với việc ứng dụng CNTT trong giảng dạy, mạnh dạn đổi mới hình thức lên lớp bằng các bài giảng trình chiếu, mang đến cho học sinh những giờ học hấp dẫn, sinh động. Qua đó, giáo viên có nhiều hơn thời gian cho việc đặt các câu hỏi mang tính gợi mở, tạo điều kiện cho học sinh được hoạt động nhiều hơn trong tiết học.
Không chỉ có sự chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng CNTT, nhiều nhà trường còn quản lý, khai thác, sử dụng khá hiệu quả các phòng máy, giúp giáo viên, học sinh được tiếp cận thường xuyên với công nghệ, tra cứu thông tin, rèn kỹ năng về công nghệ cho giáo viên, học sinh. Đồng thời, tạo điều kiện cho cả giáo viên cũng như học sinh được thực hành và tham gia tốt các cuộc thi giáo viên dạy giỏi, thi khoa học kỹ thuật (KHKT), thi giải Toán, Vật lý, thi tiếng Anh qua mạng dành cho học sinh các cấp học. Ở nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã được bố trí tối thiểu một phòng dành cho học trình chiếu, cơ bản đáp ứng tốt yêu cầu giảng dạy và học tập của giáo viên và học sinh, nhất là với một số môn học phải thực hành nhiều, như: Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học.
Trên thực tế, việc ứng dụng KHCN trong dạy và học giúp người dạy và người học dễ dàng thu thập, tổng hợp, lưu trữ được lượng kiến thức phong phú, đa dạng và được cập nhật thường xuyên. Trong giáo dục hiện đại, giáo viên là người truyền thụ kiến thức cơ bản, cốt lõi và hướng dẫn học sinh cách thức khai thác thông tin dồi dào, đa chiều từ internet. Từ đó, dần thực hiện được các yêu cầu cá nhân hóa học tập, rèn luyện, nâng cao tinh thần học tập chủ động, học tập đi đôi với thực tiễn và phát huy tốt hơn tính sáng tạo của học sinh.
Theo thầy giáo Trịnh Minh Tâm, Hiệu trưởng Trường THCS Lương Khánh Thiện (TP Phủ Lý), việc ứng dụng công nghệ vào giảng dạy có vai trò thúc đẩy giáo dục mở, nên cả người dạy và người học phải có sự chủ động tiếp cận các vấn đề từ nhiều nguồn thông tin khác nhau, dưới nhiều góc nhìn khác nhau mới có cơ hội nghiên cứu, tìm hiểu sâu kiến thức. Khi đó, người dạy sẽ nâng cao tính sáng tạo và trở nên linh hoạt hơn trong quá trình giảng dạy; học sinh được bổ sung các kỹ năng số, rèn kỹ năng mềm, tư duy phản biện, khả năng nghiên cứu… Điều đó rất quan trọng trong việc góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy của người dạy, người học và các hoạt động giáo dục sẽ đạt hiệu quả cao hơn.
Nhiều năm qua, bên cạnh việc triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ giáo dục toàn diện, ngành giáo dục còn có sự quan tâm tới việc tổ chức và tăng cường các hoạt động trải nghiệm sáng tạo trên lĩnh vực KHKT cho học sinh. Đây không chỉ là sân chơi trí tuệ lành mạnh, bổ ích, thiết thực dành cho các học sinh có sở thích và niềm đam mê nghiên cứu, ứng dụng KHCN vào các lĩnh vực, mà còn góp phần tích cực vào hoạt động đổi mới phương pháp dạy và học trong nhà trường. Theo kế hoạch công tác năm học, các cuộc thi KHKT dành cho học sinh cấp THCS được tổ chức đều đặn, có nền nếp, thu hút đông học sinh và cơ sở giáo dục tham gia. Trong các cuộc thi, các dự án được học sinh thiết kế và nghiên cứu tương đối phong phú, đa dạng và ở nhiều lĩnh vực KHKT. Với sự hỗ trợ, tạo điều kiện của các nhà trường, sự nhiệt tình của giáo viên trong việc hướng dẫn học sinh nên hoạt động nghiên cứu KHKT đã phát triển rộng khắp trong các trường học.
Theo ý kiến của hầu hết cán bộ quản lý các nhà trường, cuộc thi KHKT và các hoạt động nghiên cứu, sáng tạo KHKT dành cho học sinh trung học rất thiết thực, bởi qua đây học sinh có điều kiện phát huy khả năng, tư duy của mình trong việc vận dụng các kiến thức đã học vào giải quyết các vấn đề của thực tiễn, biết ứng dụng triệt để công nghệ vào quá trình thực hiện đề tài. Được tham gia vào các hoạt động nghiên cứu, sáng tạo KHKT cũng là một cơ hội tốt cho học sinh tự khẳng định mình, nuôi lớn và chinh phục những ước mơ sáng tạo KHKT.
Thanh Hà