Triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu thực hiện 8 giải pháp cơ bản

Sáng 6/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc Tổng kết năm học 2018-2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nam
Đến dự và chỉ đạo hội nghị tại điểm cầu Hà Nội có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cùng lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương.

Tại điểm cầu Hà Nam có các đồng chí: Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Bùi Quang Cẩm, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các Sở, Ban, ngành của tỉnh.

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Hà Nam

Báo cáo tại hội nghị, đồng chí Phùng Xuân Nhạ, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đánh giá: Năm học 2018-2019 ngành GD&ĐT tiếp tục chú trọng hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập, giải quyết những “nút thắt” trong hoạt động đổi mới giáo dục, tạo hành lang pháp lý để các địa phương, các sở GD&ĐT thực hiện; Chất lượng giáo dục mầm non có nhiều chuyển biến tích cực. 

Chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn ở giáo dục phổ thông được nâng lên. Việc triển khai chương trình, sách giáo khoa mới được tích cực thực hiện. Công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh có bước chuyển biến tốt.

Chất lượng giáo dục Đại học (GD ĐH) được quan tâm, một số trường đại học đã triển khai đào tạo hiệu quả nguồn nhân lực theo các chương trình tiên tiến được chuyển giao từ các nước phát triển, đẩy mạnh việc triển khai hỗ trợ khởi nghiệp đối với sinh viên. Tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm có trình độ đại học trở lên có xu hướng giảm so với các năm trước. 

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, dạy và học được đẩy mạnh. Kiểm định chất lượng giáo dục  được đổi mới tích cực, lấy kết quả làm căn cứ để xác định chất lượng GD ĐH, vị thế và uy tín của cơ sở GD ĐH. 100% học sinh tham dự Olympic Châu Á và Olympic quốc tế 2019 đều được giải. 

Tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, cả nước có 887.104 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó có 73,64% thí sinh đăng ký thi để lấy kết quả xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ (giảm hơn 1% so với năm 2018), tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT cả nước đạt 94,06%. Tăng cường hợp tác Quốc tế, thực hiện liên kết đào tạo với nước ngoài với 455 dự án FDI thuộc lĩnh vực GD&ĐT; công tác thanh tra nhằm phòng ngừa và phát hiện những sai phạm, hạn chế, thiếu sót trong quản lý góp phần chấn chỉnh, duy trì kỷ cương, nền nếp trong hoạt động giáo dục; các giải pháp giáo dục đạo đức, lối sống và phòng, chống bạo lực học đường.

Hà Nam xếp thứ 2 cả nước về điểm trung bình cao nhất trong kỳ thi THPT quốc gia 2019

Đến nay, toàn quốc có 99,8% các cơ sở giáo dục mầm non áp dụng đa dạng các hình thức và phương pháp tổ chức hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ theo quan điểm “lấy trẻ làm trung tâm”. 43/63 địa phương triển khai thí điểm cho trẻ em mầm non làm quen với Tiếng Anh; 63/63 địa phương triển khai các chương ngoại ngữ mới. 70% số giáo viên tiếng Anh phổ thông đạt chuẩn năng lực tiếng Anh. 

Cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng các hoạt động GD&ĐT được tăng cường. Từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ gần 5.400 tỷ đồng, các địa phương đã tiếp tục bổ sung và kiên cố hóa trên 14.000 phòng học…

Tuy nhiên, công tác sắp xếp mạng lưới trường, lớp học ở một số địa phương còn nhiều bất cập; tình trạng thiếu giáo viên vẫn chưa có giải pháp khắc phục triệt để; Công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên chưa đáp ứng yêu cầu; Công tác phân luồng, giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông chưa hiệu quả; Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế; Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học còn thiếu, lạc hậu.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã nêu 5 giải pháp cơ bản để thực hiện nhiệm vụ  năm học 2019-2020, trong đó tập trung giải pháp tăng cường đầu tư cho GD&ĐT, công tác kiểm thí và kiểm định chất lượng giáo dục.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao những kết quả đã đạt được của ngành GD&ĐT trong năm học 2018-2019, đồng thời lưu ý 3 vấn đề cơ bản nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng GDĐT.

Thứ nhất: Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, nhân cách cho học sinh. Phó Thủ tướng nhấn mạnh giáo dục phải thực chất, thực hiện tốt 3 khẩu hiệu “Thi đua dạy thật tốt, học thật tốt”, “Tất cả vì học sinh thân yêu”, “Tiên học lễ, hậu học văn” và 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng là thực hiện tốt yêu cầu này. 

Dạy đạo đức và giáo dục công dân là trách nhiệm của tất cả giáo viên trong nhà trường. Rà soát lại chất lượng giáo dục, giảm áp lực cho giáo viên từ chuẩn thành tích;

Thứ hai là quan tâm tới hệ thống sư phạm và vấn đề giáo viên; Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện nền giáo dục đại học công lập, phải đẩy mạnh quyền tự chủ trong các nhà trường…

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận và biểu dương những kết quả mà ngành GDĐT đã đạt được trong năm học qua, chỉ ra  6 tồn tại, hạn chế, đáng lưu ý nhất vẫn là việc nhiều địa phương chưa quan tâm đến chuyện quy hoạch diện tích cho xây dựng cơ sở vật chất giáo dục, đáp ứng đòi hỏi phát triển, nhất là ở những khu công nghiệp, khu chế xuất; vấn đề giáo dục đạo đức, lối sống, nhân cách, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên chưa tốt nên đã xảy ra tình trạng bạo lực học đường, học sinh, sinh viên vi phạm đạo đức… gây bức xúc dư luận; Chất lượng nguồn nhân lực còn thấp và thiếu, chưa đáp ứng nhu cầu cho những ngành mũi nhọn như du lịch, nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao…

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT phối hợp với các bộ, ngành liên quan và chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt 8 giải pháp cơ bản nhằm khắc phục những hạn chế, tồn tại, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo trong năm học 2019-2020: Rà soát lại quy hoạch trường, lớp, nhất là bậc học mầm non; Đẩy mạnh việc sắp xếp các trường Đại học, đội ngũ giáo viên; Tạo sự chuyển biến căn bản trong giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên; Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao; Tiếp tục đổi mới quản lý, cơ chế đầu tư cho giáo dục; Quan tâm tới giáo dục miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số nhiều hơn; Phát huy vai trò của Hội khuyến học các cấp trong việc xây dựng xã hội học tập và phát triển nhân tài…

Thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, đồng chí Bùi Quang Cẩm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao Bằng khen của Bộ cho lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nam

Tại hội nghị,  trong số nhiều tập thể, cá nhân được Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT khen thưởng, Sở GD&ĐT Hà Nam được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Giang Nam

Chu Uyên

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy