Thực hiện các chuyên đề giáo dục trong trường mầm non

Song song với việc triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, chương trình giáo dục theo quy định, nhiều năm qua, ngành giáo dục Hà Nam còn tổ chức thực hiện có hiệu quả các chuyên đề giáo dục mang tính chuyên sâu đối với cấp học mầm non. Trên thực tế, đã có khá nhiều chuyên đề giáo dục đáp ứng được mục tiêu này, trong đó nổi bật là chuyên đề: Nâng cao chất lượng giáo dục phát triển vận động cho trẻ mầm non, xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm.

Chuyên đề “Nâng cao chất lượng giáo dục phát triển vận động cho trẻ mầm non” được ngành giáo dục triển khai thực hiện bài bản từ năm học 2013-2014 đến nay. Đây là chuyên đề được đánh giá cao về nội dung, mục tiêu hướng tới khi giúp cho trẻ có cơ hội được phát triển vận động một cách cân đối, toàn diện cả về thể chất và trí tuệ, khơi gợi và phát huy tốt các tố chất vận động để đáp ứng hiệu quả yêu cầu chương trình giáo dục mầm non đối với các độ tuổi cũng như các chỉ số phát triển thể chất trong bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi… Chuyên đề được áp dụng cho trẻ từ độ tuổi 24 - 36 tháng và trẻ mẫu giáo.

Những năm học trước, mặc dù giáo dục vận động cho trẻ đã được nhiều trường mầm non quan tâm thực hiện nhưng nội dung chưa phong phú, hầu hết mới chỉ là những bài tập đơn giản, trẻ được tiếp xúc vận động chủ yếu thông qua giờ tập thể dục buổi sáng và một số giờ học ngoại khóa. Không ít nhà trường còn nặng về giáo dục trí tuệ, chưa thực sự coi trọng giáo dục vận động nên thời lượng dành cho các hoạt động liên quan đến vận động còn hạn chế. Bản thân các giáo viên, do sức ép công việc lớn nên chưa thực sự thiết tha với việc nghiên cứu, tìm hiểu để xây dựng được các bài giảng, hướng dẫn vận động cho trẻ một cách bài bản, mà chủ yếu thụ động dựa vào khung nội dung có sẵn, đã được thực hiện từ nhiều năm. Vì vậy, nội dung giáo dục vận động ở nhiều nhà trường khá đơn điệu, cô dạy cho đủ chương trình, trẻ vận động trên cơ sở các hoạt động ít được đổi mới, không có nhiều hiệu quả…

Thực hiện các chuyên đề giáo dục trong trường mầm non
Trẻ trong các trường mầm non được phát triển vận động với nhiều hình thức, nội dung theo hướng linh hoạt và phù hợp với điều kiện thực tế.

Chuyên đề “Nâng cao chất lượng giáo dục vận động cho trẻ mầm non” được triển khai thực hiện đã mang đến sự mở rộng, phong phú và đa dạng hơn về nội dung, trẻ các độ tuổi đã được tiếp xúc và làm quen với nhiều hoạt động mới mẻ, phù hợp, được vận động trong điều kiện cơ sở vật chất hoàn thiện hơn. Trẻ nhóm tuổi 24 - 36 tháng đã được tập các động tác phát triển cơ, hô hấp và một số bài vận động cơ bản, như: bò, trườn, chạy, bắt, ném… Trẻ mẫu giáo, ngoài các nội dung vận động này còn được rèn luyện và tham gia các bài tập nâng cao, hệ thống các bài tập vận động giúp trẻ mạnh dạn, tự tin, nhanh nhẹn, khéo léo, khỏe mạnh, tăng cường tính độc lập.

Các hoạt động vận động cho trẻ được thực hiện theo đúng cấu trúc, nội dung và cách thức tiến hành tiết học thể dục cho trẻ trong chương trình giáo dục chung. Đồng thời, trẻ được tham gia nhiều hơn với các hoạt động đúng độ tuổi do các hoạt động phức hợp khác mang lại. Tại các lớp học, đã có sự sắp xếp các góc chơi hợp lý, tạo khoảng không gian rộng rãi, an toàn cho trẻ tự do vận động, được bổ sung các loại đồ chơi tự tạo phong phú về chủng loại, chất liệu hỗ trợ phát triển các nhóm cơ nhỏ cho trẻ. Nhiều trường đã được đầu tư xây dựng phòng giáo dục phát triển thể chất, có đầy đủ các thiết bị, đồ dùng, đồ chơi phục vụ phát triển vận động. Hệ thống thiết bị, đồ chơi ngoài trời và trong các nhóm lớp cũng được tăng cường. Đã có 100% các nhóm lớp mẫu giáo 5 tuổi, trên 80% các nhóm lớp dưới 5 tuổi được trang bị đầy đủ các thiết bị, đồ chơi giáo dục phát triển vận động. Thành công của giáo dục phát triển vận động là giúp trẻ từng bước hình thành thói quen vận động cần thiết, có lợi cho sức khỏe ngay từ những năm đầu đời…

Cùng với đó, Chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” cũng được triển khai thực hiện từ khá sớm, trong đó đặt ra mục tiêu xây dựng trường mầm non bảo đảm các yêu cầu về môi trường giáo dục, hoạt động chăm sóc và giáo dục trẻ theo quan điểm lấy trẻ làm trung tâm; phù hợp với thực tiễn khi có nhiều đổi mới về nội dung, cách thức thực hiện, hướng nhiều hơn tới các mục tiêu mở cả về môi trường giáo dục cũng như kế hoạch giáo dục và đánh giá sự phát triển của trẻ… Theo đó, trẻ mầm non tới trường ngày càng được quan tâm nhiều hơn, tích cực hơn.

Qua nhiều năm thực hiện, các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị đã được ngành và các nhà trường tập trung đầu tư, đáp ứng tương đối tốt yêu cầu thực tế. Tại các trường mầm non, ngoài việc xây dựng môi trường bảo đảm an toàn về mặt tâm lý cho trẻ, trẻ thường xuyên được giao tiếp, thể hiện mối quan hệ thân thiện… còn có được môi trường trong và ngoài lớp học tích cực, giúp trẻ học mà chơi, chơi mà học. Đồng thời, chủ động tạo ra môi trường giáo dục có tính sáng tạo cao cho cả giáo viên và học sinh, trẻ có thêm nhiều cơ hội tham gia các hoạt động giáo dục, được trải nghiệm và khám phá mọi lúc, mọi nơi…

Đội ngũ giáo viên đã thể hiện tốt năng lực khi biết tự thiết kế kế hoạch giảng dạy, sáng tạo trong việc đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giảng dạy và làm đồ dùng, đồ chơi mang tính giáo dục, thẩm mĩ cao. Trong các lớp học, đã có sự tìm tòi tạo nên những môi trường lớp học với nhiều màu sắc sinh động, hấp dẫn, lôi cuốn trẻ. Các góc hoạt động chính được sắp xếp linh hoạt, góc tĩnh xa góc động, khuyến khích trẻ có thể hoạt động theo nhiều cách khác nhau, được khám phá dưới nhiều hình thức. Hơn thế, với sự đổi mới tích cực về phương pháp, hình thức giáo dục đã không chỉ khuyến khích, hỗ trợ trẻ sáng tạo, mà còn có khả năng làm thay đổi đối với những trẻ thiếu hụt về thể chất, tư duy hoặc trẻ có hoàn cảnh khó khăn. Việc giáo viên thực hiện tốt các hoạt động tổ chức, điều khiển, hỗ trợ trẻ đúng lúc, không làm thay trẻ, tăng cường sự tương tác giữa trẻ với trẻ là yếu tố quan trọng giúp trẻ chủ động tham gia vào từng hoạt động phù hợp với nhu cầu và có cơ hội bộc lộ hết năng khiếu cá nhân…

Đây là cơ sở để các nhà trường thực hiện ngày càng tốt hơn các nhiệm vụ chăm sóc và giáo dục trẻ, đáp ứng tốt các yêu cầu đổi mới giáo dục mầm non.

Thanh Hà

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy