Tăng cường công tác giáo dục QP-AN trong trường THPT

Giáo dục Quốc phòng - An ninh (QP-AN) là một môn học có tính đặc thù nhằm trang bị cho học sinh THPT nhiều kiến thức, kỹ năng về quân sự, an ninh và hình thành cho các em nhận thức, tư duy đúng đắn về nghĩa vụ công dân tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hiện nay, việc dạy học môn giáo dục QP-AN trong các trường THPT đã có sự cải thiện về mức độ quan tâm đầu tư, hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác dạy và học, sự chủ động của đội ngũ giáo viên và các nhà trường trong đổi mới phương pháp, cách thức giúp học sinh tiếp cận tốt với môn học. Chất lượng công tác giáo dục QP-AN trong các trường THPT vì thế cũng từng bước đáp ứng yêu cầu thực tế.

Theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, môn học giáo dục QP-AN trong các trường THPT được phân bố 1 tiết/tuần/lớp. Thầy giáo Lương Văn Dương, Phó Hiệu trưởng Trường THPT A  Phủ Lý cho biết: Nhà trường luôn bám sát sự chỉ đạo của ngành để tổ chức thực hiện giảng dạy QP-AN theo đúng nguyên tắc của môn học đặc thù. Trong đó, có sự phân công giáo viên có chuyên môn tốt, được đào tạo đúng chuyên ngành đảm nhận việc lên lớp. Công tác giảng dạy môn giáo dục QP-AN của nhà trường đạt nhiều kết quả tích cực. Thông qua kết quả kiểm tra, đánh giá môn học, tỉ lệ học sinh các khối lớp đạt mức khá, giỏi rất cao và không có học sinh xếp loại yếu. 

Tăng cường công tác giáo dục QPAN trong trường THPT
Giáo viên giáo dục QP-AN Trường THPT A Phủ Lý hướng dẫn học sinh thực hiện các động tác phối hợp sử dụng súng.

Là giáo viên dạy môn giáo dục QP-AN của Trường THPT A Phủ Lý, thầy Lại Văn Hưng chia sẻ: Để học tốt môn học giáo dục QP-AN, ngoài việc nắm bắt tốt các lý luận cơ bản, học sinh còn phải được tìm hiểu và rèn luyện nhiều kĩ năng quân sự, an ninh cần thiết. Đối với học sinh lớp 10, nội dung học chủ yếu là tập đội hình, đội ngũ. Học sinh lớp 11 được làm quen với một số nội dung thực hành mới, như: tháo lắp súng, sử dụng lựu đạn, băng bó vết thương. Đến lớp 12, thời lượng môn học dành nhiều cho việc tập luyện các động tác, tư thế cơ bản trong chiến trường. 

Căn cứ vào phân phối chương trình, hằng năm, ngành giáo dục đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm túc việc dạy môn giáo dục QP-AN cấp THPT. Theo đó, các nhà trường luôn thực hiện đầy đủ các nội dung của môn học, giáo viên chủ động xây dựng kế hoạch giảng dạy bảo đảm tăng cường việc liên hệ kiến thức thực tiễn trong dạy lý thuyết, cập nhật thường xuyên kiến thức mang tính thời sự về QP-AN, về biển đảo. Khi chưa bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các nhà trường còn tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa về giáo dục QP-AN như: nghe nói chuyện chuyên đề, tham quan các bảo tàng và di tích lịch sử cách mạng, tổ chức hội thao giáo dục QP-AN… thu hút đông học sinh tham gia.

Bên cạnh đó, việc phân công, bố trí, sắp xếp đội ngũ giáo viên trực tiếp giảng dạy môn giáo dục QP-AN tại các trường THPT cũng được quan tâm. Các trường đều có từ 2-3 giáo viên dạy môn giáo dục QP-AN. Về trình độ chuyên môn, 100% giáo viên giáo dục QP-AN đã qua đào tạo, có trình độ đại học chuyên ngành giáo dục QP-AN và đều được đào tạo và cấp chứng chỉ về giáo dục QP-AN, đáp ứng tương đối tốt các yêu cầu công tác giảng dạy môn học giáo dục QP-AN hiện nay.  

Để tạo điều kiện dạy và học môn giáo dục QP-AN, ngành giáo dục và các nhà trường đã tranh thủ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự phối hợp với ngành quân sự trong việc đầu tư, hỗ trợ về trang thiết bị. Đến nay, các nhà trường đã được trang bị khá đầy đủ các trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật tối thiểu, như: mô hình vũ khí, bộ bia bắn, cáng, băng cứu thương, mô hình, học cụ, la bàn, bản đồ, bộ tranh dùng cho các khối cùng một số trang bị các thiết bị hiện đại, như: máy ngắm bắn sử dụng máy tính, máy ngắm bắn laze, giúp việc dạy và học môn giáo dục QP-AN trở nên hấp dẫn, hiệu quả hơn. Qua tổng kết các năm học, 100% học sinh THPT trên địa bàn tỉnh được học đầy đủ chương trình môn giáo dục QP-AN. Kết quả học tập môn học này ở cấp THPT đạt khá cao.

Trên thực tế, việc thực hiện môn học giáo dục QP-AN trong các trường THPT nhằm đạt mục tiêu rèn luyện thể chất, ý thức kỷ luật và nhận thức trách nhiệm công dân cho học sinh. Theo nhận xét của nhiều giáo viên dạy môn giáo dục QP-AN, các mục tiêu này đã cơ bản được thực hiện một cách bài bản, có chất lượng. Tuy là môn học đặc biệt, có tính đặc thù cao, nhưng môn giáo dục QP-AN đã được bố trí lịch học riêng, tạo tâm lý thoải mái cho học sinh khi học. Thái độ học tập của học sinh đối với môn học cũng được cải thiện đáng kể, nhất là trong những tiết học thực hành ngoài trời. Vì thế, mục tiêu từng bước thay đổi căn bản môn giáo dục QP-AN, đưa giáo dục QP-AN trong các trường học trở nên hứng thú, hấp dẫn, phù hợp, linh hoạt thay vì hình thức như trước đây đã dần được hiện thực hóa. Theo đó, bên cạnh việc làm mới nội dung, chương trình học, giáo dục QP-AN trong các trường THPT đã có sự nhìn nhận đúng đắn hơn về vai trò, tầm quan trọng, nhận được sự đầu tư nhiều hơn từ việc xây dựng đội ngũ giáo viên, bảo đảm cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ công tác dạy và học. Điều này có ý nghĩa quan trọng để khi triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với cấp THPT trong năm học 2022 - 2023 tới đây, môn học giáo dục QP-AN trở thành một môn học bắt buộc sẽ có nhiều thuận lợi và ưu thế hơn nữa.

Thanh Hà

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy