Sẵn sàng các điều kiện bước vào năm học mới

Năm học mới 2023 - 2024 đã chính thức bắt đầu, theo đó lịch tựu trường của học sinh lớp 1 vào ngày 22/8 và học sinh các cấp học khác vào ngày 29/8. Trong thời gian qua, ngành giáo dục và các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tích cực, khẩn trương chuẩn bị điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học theo hướng đầy đủ, từng bước đồng bộ, góp phần tích cực thực hiện tốt mục tiêu phát triển giáo dục, nâng cao chất lượng dạy và học trong năm học mới.

Năm học này, thị xã Duy Tiên có khoảng 31.612 học sinh các cấp (trong đó, có trên 9.400 trẻ thuộc các nhóm lớp mầm non công lập, tư thục; tiểu học có 13.001 học sinh; THCS có 9.187 học sinh). Để chuẩn bị cho năm học mới, những điều kiện về cơ sở vật chất đã được các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tăng cường đầu tư xây dựng. Được biết, hằng năm, thị xã đã trích tới 50% tổng chi ngân sách đầu tư cho giáo dục. Bên cạnh đó, từ nhiều nguồn hỗ trợ, đầu tư, trong mỗi năm học, thị xã đã xây mới được hàng chục phòng học, phòng chức năng, bộ môn và phòng hành chính quản trị; tiến hành sửa chữa phòng học, phòng chức năng và công trình phụ trợ; xây dựng công trình bổ sung cho một số đơn vị trường học, bảo đảm đủ số phòng học, phòng chức năng. Với 100% trường học các cấp đã đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 98,07% trường đạt chuẩn mức 2, đã tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, trang thiết bị để toàn ngành và các nhà trường, cấp học của thị xã sẵn sàng cho năm học mới.

Về cơ sở trường lớp, hiện toàn tỉnh có 359/361 trường học đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 252 trường đạt chuẩn mức 2; tỉ lệ phòng học kiên cố đạt khoảng 99,8%, không có phòng học tạm, phòng học không an toàn; 100% cơ sở giáo dục có phòng học bộ môn các loại và khu nhà vệ sinh dành cho trẻ mầm non, học sinh phù hợp lứa tuổi, giới tính. Bên cạnh đó, 100% trường mầm non công lập có đủ thiết bị dạy học tối thiểu, đồ chơi ngoài trời. Đối với các khối lớp thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2006, các cơ sở giáo dục thực hiện mua sắm bổ sung bảo đảm nhu cầu thiết bị dạy học tối thiểu trong nhà trường, đáp ứng từ 50% - 70% nhu cầu thực tế. Đối với các khối lớp thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, việc mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu gặp nhiều khó khăn, được thực hiện không đồng đều ở các huyện, thị xã, thành phố do phụ thuộc vào ngân sách của địa phương và phần lớn đang trong quá trình thực hiện quy trình mua sắm.

Sẵn sàng các điều kiện bước vào năm học mới
Dù còn thiếu nhiều giáo viên nhưng ngành giáo dục thành phố Phủ Lý đã chủ động sắp xếp, bố trí, phân công đội ngũ, bảo đảm cho việc thực hiện dạy và học. Ảnh: Hà Trần

Trong công tác chỉ đạo, bên cạnh các chỉ đạo mang tính thường xuyên đối với công tác giáo dục, chuẩn bị cho năm học mới, các huyện, thị xã, thành phố đã có văn bản yêu cầu ngành giáo dục và các địa phương thực hiện tốt một số nội dung, như: làm tốt công tác điều tra dân số độ tuổi, bảo đảm huy động tối đa trẻ mầm non, 100% trẻ 5 tuổi ra lớp, 100% trẻ 6 tuổi vào lớp 1 và 100% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6; xây dựng kế hoạch phát triển năm học, có kế hoạch điều động, luân chuyển giáo viên hợp lý bảo đảm đủ định biên giáo viên cho các trường học, cấp học, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục… Đến hết tháng 7/2023, các nhà trường và cấp học đã hoàn thành sớm việc tuyển sinh đầu cấp, cho học sinh tựu trường đúng thời gian quy định và tổ chức hoạt động tập nghi thức, văn nghệ chuẩn bị cho ngày khai giảng 5/9. Công tác chuẩn bị cho năm học mới trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố diễn ra tương đối khẩn trương.

Ông Trần Đình Cảnh, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Bình Lục cho biết: Để chuẩn bị đón năm học mới 2023 - 2024, Phòng GD&ĐT huyện đã chỉ đạo các nhà trường, cấp học trên địa bàn thực hiện kiểm tra cơ sở vật chất trường học, trang thiết bị dạy học, kịp thời sửa chữa, khắc phục và xử lý những hạng mục xuống cấp, có nguy cơ gây mất an toàn. Sau khi hoàn thành công tác tuyển sinh, các trường tiểu học và THCS thực hiện biên chế học sinh lớp 1 và lớp 6, phân công giáo viên dạy năm học 2023-2024; tiếp nhận sách giáo khoa và tài liệu dùng cho giáo viên, học sinh. Ngay trong dịp hè, các nhà trường đã thực hiện sinh hoạt tổ chuyên môn thảo luận về thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, đổi mới phương pháp và đổi mới đánh giá học sinh, xây dựng kế hoạch môn học và hoạt động giáo dục; thông báo tới cha mẹ học sinh lịch tựu trường, về các điều kiện học tập của học sinh lớp 1, lớp 6, như: sách vở, đồ dùng học tập, trang phục,... và một số nội quy của trường lớp để cùng phối hợp với giáo viên hướng dẫn học sinh thực hiện. Cùng với đó, Phòng GD&ĐT huyện đã hướng dẫn, chỉ đạo các trường đăng ký mua sắm thêm trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy và học tập. Đồng thời, tham mưu với UBND huyện chỉ đạo ngành chức năng, UBND các xã, thị trấn tổ chức khảo sát, thẩm định đối với những trường có nhu cầu tu sửa, nâng cấp cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học; đẩy nhanh tiến độ xây dựng mới và sửa chữa các trường; thực hiện luân chuyển, điều động, biệt phái nhằm ổn định đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên tại các trường.

Bước vào năm học 2023 - 2024, huyện Thanh Liêm có 51/51 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 45 trường đạt mức 2, điều kiện về cơ sở vật chất đã cơ bản ổn định. Hệ thống thiết bị phục vụ dạy và học cũng được các cấp, ngành quan tâm đầu tư mua sắm, bổ sung. Trong đó, với cấp học mầm non từ năm học 2021- 2022 đã được UBND huyện cấp bổ sung kinh phí cho các trường mua bàn ghế học sinh, tủ đồ dùng cá nhân và tủ chăn màn của trẻ, cơ bản đáp ứng được yêu cầu tối thiểu để tổ chức hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ. Đối với thiết bị dạy học tối thiểu lớp 3, lớp 7, theo tổng hợp nhu cầu thực tế của ngành giáo dục và các nhà trường, UBND huyện đã chỉ đạo cấp bổ sung gần 3,4 tỉ đồng thực hiện mua sắm theo quy định và tận dụng thiết bị dạy học hiện có. Tuy nhiên, tại hội nghị báo cáo UBND huyện về công tác chuẩn bị các điều kiện cho năm học mới, đánh giá từ Phòng GD&ĐT huyện cho thấy, thiết bị tối thiểu phục vụ dạy học hiện mới bảo đảm được 50% yêu cầu tối thiểu của trường chuẩn và thực hiện phổ cập theo yêu cầu cấp học, các trường vẫn còn thiếu thiết bị dạy học dùng chung, đồ dùng đồ chơi ngoài trời và thiết bị dạy học tối thiểu theo yêu cầu đổi mới Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với khối lớp 3, lớp 4, lớp 7, lớp 8.

Về đội ngũ, tại thời điểm tháng 8/2023, toàn ngành giáo dục hiện có 12.038 người, trong đó có 888 cán bộ quản lý, 10.356 giáo viên và 794 nhân viên làm chuyên môn nghiệp vụ. Theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019, toàn tỉnh hiện có trên 90,5% cán bộ, giáo viên các cấp học đạt chuẩn đào tạo, trong đó trên chuẩn đạt 29,51%, cơ bản đáp ứng tốt các yêu cầu đổi mới GD&ĐT.

Theo đánh giá của Sở GD&ĐT, cơ cấu giáo viên theo môn đã dần được điều chỉnh qua các kỳ tuyển dụng, cơ bản khắc phục được tình trạng thừa, thiếu giáo viên ở một số môn học. Để chuẩn bị cho năm học mới, các địa phương đang tổ chức tuyển dụng viên chức ngành giáo dục để bổ sung đủ giáo viên, nhân viên so với biên chế được giao năm 2023. Trong đó, số biên chế được bổ sung theo Quyết định số 72-QĐ/TW ngày 18/7/2022 của Ban Chấp hành Trung ương là 352 chỉ tiêu. Sau khi tuyển dụng, tỉ lệ giáo viên/lớp của mỗi cấp học được cải thiện với 1,81 giáo viên/nhóm, lớp ở cấp mầm non; 1,29 giáo viên/lớp ở cấp tiểu học; 1,87 giáo viên/lớp ở cấp THCS và 2,12 giáo viên/lớp ở cấp THPT.

Tuy nhiên, so với nhu cầu sử dụng giáo viên theo định mức do Bộ GD&ĐT quy định, toàn tỉnh vẫn thiếu khoảng 1.800 giáo viên. Đây là một khó khăn lớn đối với ngành khi bước vào năm học mới. Trước mắt, Sở GD&ĐT chỉ đạo các phòng GD&ĐT, trường THPT tiếp tục thực hiện rà soát, linh hoạt bố trí, sắp xếp đội ngũ giáo viên hiện có, ưu tiên bảo đảm số lượng giáo viên theo định mức quy định đối với những khối, lớp thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018; điều động hoặc bố trí dạy liên trường để bảo đảm cơ cấu giáo viên ở các đơn vị. Đồng thời, đề nghị Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ đề xuất sớm giao bổ sung biên chế sự nghiệp giáo dục trong số được bổ sung biên chế giáo viên cho các địa phương giai đoạn 2022-2026 nhằm bảo đảm số lượng giáo viên cho cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông năm học 2023-2024 theo định mức biên chế quy định, từng bước khắc phục vấn đề thiếu giáo viên hiện nay.

Đến thời điểm này, mặc dù vẫn còn không ít khó khăn, nhưng công tác chuẩn bị các điều kiện cho năm học mới đã được ngành giáo dục và các địa phương thực hiện tương đối bài bản; các nhà trường, giáo viên và học sinh có tâm thế tốt, sẵn sàng bước vào năm học mới.

Thanh Hà

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy