Quan tâm dạy các môn năng khiếu cho trẻ ở nông thôn

Những năm qua, ngoài việc học ở trường, ở các vùng đô thị phụ huynh khá quan tâm cho con em học thêm môn năng khiếu ở các trung tâm bên ngoài. Ngày càng có nhiều lớp dạy các môn nghệ thuật được mở ra ở thành phố, thị xã, thị trấn thu hút đông đảo thiếu nhi tham gia, nhất là trong dịp hè. Tuy nhiên ở vùng nông thôn, bởi nhiều lý do trẻ chưa có nhiều cơ hội được tiếp cận với các lớp năng khiếu. Tạo điều kiện cho trẻ được học môn năng khiếu, nhất là trong dịp hè, vừa giúp các em có được sân chơi an toàn, bổ ích đồng thời giúp trẻ phát triển toàn diện.

Cô giáo mỹ thuật Ngô Thị Hồng Thanh đảm nhận dạy các lớp mỹ thuật ở nhà văn hóa thiếu nhi huyện Bình Lục cho biết: Từ hè năm ngoái có một số cháu nhỏ từ xã An Lão được phụ huynh cho lên lớp mỹ thuật ở nhà văn hóa thiếu nhi học. Trẻ rất thích học, nhưng thấy việc đi lại khá vất vả bởi đường xa, cô đã trao đổi với phụ huynh và trực tiếp xuống dạy cho các cháu tại An Lão. Năm nay lớp tại An Lão đã phát triển lên sỹ số 10 cháu, dịp hè các cháu học 2 buổi/tuần, vào năm học duy trì 1 buổi/tuần.

Theo cô Thanh, các cháu rất thích học bởi ở lớp học được thoải mái sáng tạo, không bị áp lực. Ban đầu cô Thanh chỉ có ý định dạy trong hè nhưng vì các cháu thích nên phụ huynh đề nghị cô dạy cả trong năm học. Trong giờ học các cháu được tiếp xúc với màu sáp dầu, màu nước, màu acrylic, đất sét khô học trên vở, khung toan, quạt, gỗ, giấy than... Phụ huynh cũng rất yên tâm khi gửi con đến lớp học, vừa là để quản lý các cháu, vừa được học những điều bổ ích. Họ cũng rất vui khi con vẽ được những bức tranh đẹp, sinh động mang về treo ở nhà, tặng ông bà, bố mẹ. Qua học vẽ giúp các cháu vui vẻ, hoạt bát và nếu cháu nào có năng khiếu sẽ là dịp để định hướng nghề nghiệp sau này.

Tuy nhiên, để duy trì được lớp học ở vùng nông thôn như thế này không dễ. Cô giáo Ngô Thị Hồng Thanh phải rất yêu nghề, mến trẻ, cảm động trước sự yêu thích môn vẽ của các cháu mới đi xa hàng chục km, trong khi mức học phí thu lại giảm 20-30% so với học phí dạy ở trên thị trấn Bình Mỹ.

Quan tâm dạy các môn năng khiếu cho trẻ ở nông thôn
Lớp học mỹ thuật của các cháu thiếu nhi xã An Lão, huyện Bình Lục. Ảnh: Yên Chính

Trên địa bàn tỉnh cũng có một số lớp dạy năng khiếu cho trẻ được mở ở vùng nông thôn, với các môn như: nhảy, múa, hát, đàn, vẽ. Tuy nhiên số lượng lớp rất ít và giáo viên phải rất kiên trì, chấp nhận đường xa, nhận mức thù lao thấp mới duy trì được lớp học. Các lớp học, học sinh cũng chủ yếu là con em giáo viên, viên chức, người làm buôn bán có giao đãi rộng mới hiểu được lợi ích khi cho con em học năng khiếu và kỹ năng sống, đồng thời có kinh tế tốt hơn mới theo được lớp học. Còn lại nhiều cháu ở các vùng nông thôn, dù rất muốn tham gia học năng khiếu, nhất là trong dịp hè nhưng khó bởi nhiều lý do. Khi hỏi một nhóm trẻ ở xã Đồng Hóa, huyện Kim Bảng đang tự tắm dưới một hồ nước ở làng, các cháu cho biết, ngày hè tự chơi ở nhà cũng nhàm chán nhưng chẳng biết làm thế nào. Nghe nói các bạn trên thị trấn, ở TP Phủ Lý được đi học lớp năng khiếu trong dịp hè các cháu rất thích và cũng muốn được tham gia, tuy nhiên điều kiện không cho phép. Một số cháu bố mẹ làm trong khu công nghiệp đi sớm về muộn, tiết kiệm cũng có thể đăng ký cho các cháu theo học lớp năng khiếu ở thị trấn nhưng “bí” là không có người đưa đón, cũng không dám để con tự đi. Có cháu gia đình làm nông, bố mẹ nói học những cái đó không cần thiết, và cũng không có tiền cho theo học.

Học các môn năng khiếu có nhiều lợi ích cho sự phát triển của trẻ, giúp trẻ phát triển toàn diện, khơi dậy niềm đam mê, năng khiếu tiềm ẩn, và góp phần định hướng nghề nghiệp sau này. Ngoài ra trong dịp hè, đây cũng là một hoạt động bổ ích giúp quản lý các em. Trong năm học việc duy trì được lớp năng khiếu cũng là cơ hội để các em giải tỏa áp lực sau những giờ học văn hóa ở trường, học thêm. Phụ huynh ở đô thị và một số phụ huynh ở vùng nông thôn hiểu được vấn đề này nên nhiều gia đình đã cho con em tham gia các lớp học năng khiếu. Thiết nghĩ để trẻ em ở nông thôn có cơ hội được học các lớp năng khiếu, một mặt cần đẩy mạnh tuyên truyền để phụ huynh hiểu được và tạo điều kiện cho con em tham gia. Cùng đó có những hình thức hỗ trợ, ví dụ các hội, đoàn thể đứng lên tổ chức mở lớp tại địa phương và kêu gọi xã hội hóa như việc tổ chức các lớp dạy bơi vừa qua. Cũng có ý kiến cho rằng các nhà trường hiện có đầy đủ cơ sở vật chất, có giáo viên dạy một số môn năng khiếu, sẽ là hợp lý nhất nếu nhà trường tại địa phương tổ chức lớp học năng khiếu. Như thế sẽ có các lớp dạy các môn năng khiếu ngay tại địa phương, học sinh không phải đi xa, và mức học phí vừa phải để người dân nông thôn điều kiện cho con em theo học.

Đỗ Hồng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy