Những khó khăn trong dạy học môn Tin học cấp tiểu học và THCS

Những năm qua, môn Tin học đã được ngành giáo dục tổ chức dạy học ở tất cả các trường THCS và triển khai đồng loạt ở các trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ II. Thông qua việc duy trì dạy môn Tin học đã góp phần giúp học sinh THCS và học sinh tiểu học làm quen với môn học cũng như khả năng sử dụng máy tính phục vụ việc học tập và tham gia các cuộc thi được tổ chức trên mạng internet. Mặc dù vậy, việc dạy và học môn học này trong thực tế vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên...

Đến năm học 2021-2022, trên địa bàn huyện Bình Lục đã có 100% trường tiểu học và THCS đạt chuẩn quốc gia, trong đó có trên 50% số trường đạt chuẩn mức II. Việc dạy học môn Tin học được thực hiện với toàn bộ các khối lớp của cấp THCS và  triển khai đối với học sinh các lớp 3, 4, 5 của các trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ II.

Qua trao đổi với ông Trần Đình Cảnh, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Bình Lục, được  biết: Môn Tin học được đưa vào giảng dạy trong các trường THCS và các trường tiểu học đạt chuẩn mức II của huyện đã có nhiều kết quả tương đối khả quan. Song, nếu để có thể đáp ứng đúng được yêu cầu của môn học thì các nhà trường còn gặp khá nhiều khó khăn. Giáo viên bộ môn Tin học của hai cấp học về tổng thể thì cơ bản đủ nhưng vẫn thiếu cục bộ, một số trường chưa có giáo viên bộ môn, buộc ngành giáo dục huyện phải cân đối, điều tiết từ trường này sang trường kia. Nhiều giáo viên phải thực hiện giảng dạy biệt phái nhiều trường, nhiều năm. Bên cạnh đó, thực trạng về thiết bị dạy học môn Tin học nhiều trường đang còn hạn chế về cả số lượng và chất lượng, ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình dạy và học thực hành...

Những khó khăn trong dạy học môn Tin học cấp tiểu học và THCS
Tuy đã có phòng học tin học với hệ thống máy tính mới nhưng hiện Trường Tiểu học Thanh Tuyền (TP Phủ Lý) chưa có giáo viên dạy tin học.

Được biết, trên địa bàn huyện Bình Lục hiện có 16 trường tiểu học và 19 trường THCS có phòng học tin học với số máy sử dụng được trên các phòng là 437 chiếc. So với sĩ số học sinh/lớp và số máy tính thực tế, không ít trường phải bố trí từ 2-3 học sinh học chung/máy tính, hoặc một lớp chia thành hai nhóm mới có đủ máy để học. Số máy đang hoạt động đa số có cấu hình thấp, chạy rất chậm, hay tắt máy giữa chừng, ảnh hưởng đến chất lượng bài giảng. Cũng do thiếu máy nên không ít trường khá “đau đầu” khi xếp lịch học để các tiết thực hành tin học không bị chồng chéo, trùng lắp giữa các lớp. 

Năm học 2021-2022, trên địa bàn TP Phủ Lý có 14/24 trường tiểu học dạy tin học và còn tới 8 trường tiểu học chưa có phòng máy tính để phục vụ cho việc dạy tin học. Với khối THCS, thành phố có 100% trường có phòng máy và dạy tin học bắt đầu từ lớp 6 nhưng ở một số trường, phòng máy được trang bị đã xuống cấp, lạc hậu, hư hỏng nhiều. Có trường, số lượng máy tính/phòng còn quá ít, số học sinh quá đông nên gặp rất nhiều khó khăn trong triển khai dạy 2 tiết tin học/tuần.

Ngoài ra, số lượng giáo viên dạy tin học cấp tiểu học còn thiếu, hiện chỉ có 12 giáo viên trên tổng số 22 trường công lập. Đội ngũ giáo viên Tin  học còn thiếu, số tiết dạy của giáo viên Tin học thường cao hơn định mức, ngoài ra còn phải kiêm nhiệm một số công việc liên quan đến công nghệ thông tin trong nhà trường nên ảnh hưởng đến chất lượng dạy học tin học. 

Theo ông Trịnh Xuân Thắng, Trưởng phòng GD&ĐT TP Phủ Lý, đây là những khó khăn đã diễn ra trong nhiều năm, rất cần có sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của các cấp, ngành. Hơn thế, khi môn Tin học trở thành môn học bắt buộc theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, việc làm thế nào để có đủ giáo viên, đủ phòng học và máy tính phục vụ môn học này đặt ra như một bài toán mà nếu chỉ riêng ngành giáo dục sẽ không thể thực hiện được.

Lộ trình thực hiện Chương trình GDPT 2018 đến hết năm 2025 sẽ phải hoàn thành ở tất cả các cấp học phổ thông nên hiện nay, ngành giáo dục thành phố đang tích cực tham mưu với UBND thành phố, Sở GD&ĐT trong việc bố trí đủ phòng tin học cho 100% các trường tiểu học, THCS; bổ sung thêm máy tính cho các trường bảo đảm số máy tính tối thiểu theo quy định/phòng bộ môn tin học. Đồng thời, tham mưu với UBND thành phố trong việc tuyển dụng đủ giáo viên tin học cho các trường, nhất là đối với các trường tiểu học.

Trước mắt, Phòng GD&ĐT chỉ đạo các trường tiểu học chưa có phòng tin học tạm thời học nhờ phòng tin của các trường THCS trên cùng địa bàn vào buổi chiều; thực hiện biệt phái, phân công giáo viên một cách linh hoạt để kịp thời bổ sung cho các đơn vị còn thiếu giáo viên dạy tin học; bố trí kế hoạch dạy học linh hoạt để tận dụng đội ngũ giáo viên hiện có. 

Thực hiện đổi mới giáo dục, tích cực thay đổi phương pháp dạy học, hệ thống trang thiết bị và đồ dùng dạy học có vai trò quan trọng làm tăng tính hiệu quả của quá trình dạy và học. Không chỉ ở Bình Lục hay TP Phủ Lý, mặc dù, đã được đầu tư đáng kể nhưng do sự thiếu đồng bộ, không được bổ sung, thay thế thường xuyên nên hệ thống máy tính phục vụ yêu cầu dạy và học môn Tin học ở hầu hết các trường học trên địa bàn tỉnh đang ở trong tình trạng xuống cấp, làm ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng dạy và học.

Việc sửa chữa bị phụ thuộc và phải đưa về đơn vị cung cấp thiết bị thực hiện nhưng mất rất nhiều thời gian, thậm chí bị trả lại do đã hết hạn bảo hành. Nhiều nhà trường buộc phải có một số giải pháp tình thế là tự mua mới một số thiết bị, ghép các máy còn dùng được tập trung vào một phòng. Sự vận dụng mang tính tạm thời, không đồng bộ này tuy không thực sự hiệu quả nhưng vẫn còn tốt hơn là để học sinh học chay.

Trên thực tế, hầu hết các thiết bị, nhất là thiết bị điện tử phục vụ công tác dạy và học trong nhà trường chỉ phát huy công năng tốt nhất ở những năm đầu sau khi được đầu tư mua sắm sẽ xuống cấp, hỏng hóc rất nhanh. Trong khi yêu cầu đổi mới giáo dục ngày càng cao, nếu không có sự đổi mới đồng bộ, bảo đảm tính hiệu quả của máy móc phục vụ dạy học thì dù nhà trường và giáo viên có nỗ lực đến đâu cũng khó có thể đạt được các mục tiêu như mong muốn.

Các nhà trường có chung mong muốn được tạo cơ chế mở, không bị áp đặt trong việc đầu tư, mua sắm, bổ sung thiết bị theo nhu cầu. Theo đó, các nhà trường sẽ tự chịu trách nhiệm về việc liên kết, phối hợp, lựa chọn mua sắm thiết bị, tự quản lý và khai thác, sử dụng thiết bị đúng mục đích. Có như vậy mới khắc phục được những khó khăn về thiết bị dạy học môn Tin học hiện nay.

Thanh Hà

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy