Ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố Phủ Lý sẵn sàng bước vào năm học mới

Năm học 2023 - 2024, quy mô trường, lớp trên địa bàn thành phố Phủ Lý có sự biến động do gia tăng số lượng học sinh ở các cấp học. Trong đó, cấp học mầm non có 21 trường công lập với số trẻ huy động ra lớp hiện là 8.333 trẻ/279 nhóm, lớp, tăng 3 nhóm, lớp so với năm học 2022-2023; cấp tiểu học có 22 trường công lập với gần 15.000 học sinh/412 lớp, giảm 16 lớp công lập so với năm học 2022-2023 do thiếu giáo viên phải thực hiện dồn lớp. Tuy nhiên, ở cấp THCS, số học sinh ở 19 trường công lập có sự gia tăng đột biến với khoảng 11.198 học sinh/270 lớp, kéo theo phải tăng thêm 20 lớp toàn cấp so với năm học 2022-2023.

Trước đó, Phòng GD&ĐT thành phố đã chỉ đạo các nhà trường công khai chỉ tiêu tuyển sinh và căn cứ vào điều kiện cơ sở vật chất thực tế để tuyển sinh phù hợp. Hầu hết các nhà trường, ngoài hệ thống lớp học còn phải sử dụng các phòng chức năng, phòng bộ môn làm phòng học mới đáp ứng cơ bản được nhu cầu học tập của học sinh...

Ông Trịnh Xuân Thắng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thành phố Phủ Lý cho biết: Cùng với số học sinh tăng cao, nhiệm vụ giáo dục trong năm học này của thành phố cũng được đặt ra tương đối nặng nề. Trên cơ sở xác định rõ các yêu cầu, nhiệm vụ, ngành giáo dục tập trung làm tốt công tác tham mưu với lãnh đạo UBND thành phố và chủ động phối hợp với các ban, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ cho năm học mới. Trong đó, tập trung tháo gỡ những khó khăn về việc thiếu giáo viên các cấp học, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình tại một số trường học, phấn đấu cơ bản bảo đảm ổn định quy mô trường lớp, sẵn sàng bước vào năm học mới.

Về đội ngũ, tính đến ngày 1/8/2023, toàn ngành giáo dục thành phố có 1.766 cán bộ, giáo viên, nhân viên; so với định mức còn thiếu 289 cán bộ, giáo viên, nhân viên và so với chỉ tiêu giao cho ngành từ đầu năm 2023 thì còn thiếu 72 chỉ tiêu. Trong đó, cấp học mầm non hiện có 598 người/631 chỉ tiêu biên chế được giao, theo nhu cầu định mức là 735 người. Như vậy, cấp học cần thêm 137 người gồm 110 giáo viên và 27 nhân viên; so với chỉ tiêu biên chế được giao, cần thêm 33 người. Cấp tiểu học hiện có 652 người/680 chỉ tiêu biên chế được giao, còn thiếu 56 người mới đáp ứng nhu cầu theo định mức và thêm 28 người để đủ với chỉ tiêu biên chế được giao. Đối với cấp THCS, thành phố hiện có 516 người/527 chỉ tiêu biên chế được giao, so với định mức cần thêm 96 người (gồm 74 giáo viên, 22 nhân viên) và so với chỉ tiêu biên chế được giao cần bổ sung thêm 11 người. Đặc biệt, nếu tính theo nhu cầu và định mức của ngành (quy định cấp mầm non có từ 2,2 - 2,5 giáo viên/nhóm, lớp và 2 nhân viên/trường; cấp tiểu học quy định 1,5 giáo viên/lớp cùng 1 tổng phụ trách Đội và 2 nhân viên/trường; cấp THCS quy định 1,9 giáo viên/lớp cùng 1 tổng phụ trách Đội và 3 nhân viên- PV), thì trong năm học mới 2023 - 2024, thành phố cần được bổ sung tới 289 chỉ tiêu biên chế cho cả ba cấp học. Căn cứ theo chỉ tiêu biên chế được giao, năm học 2023-2024 toàn ngành cần tuyển 72 cán bộ, giáo viên, nhân viên với 33 người cho cấp mầm non, 28 người cho cấp tiểu học và 11 người cho cấp THCS. Tuy nhiên, theo quy định biên chế cắt giảm 2% năm 2024 là 35 chỉ tiêu nên tính đến ngày 1/8/2023 ngành giáo dục thành phố chỉ còn được tuyển 34 chỉ tiêu viên chức, gồm 24 chỉ tiêu biên chế dành cho vị trí giáo viên và 10 chỉ tiêu thuộc vị trí việc làm kế toán... Điều đó gây nhiều khó khăn cho ngành và các nhà trường trong việc bố trí, sắp xếp đội ngũ, nhất là trong điều kiện số lớp, số học sinh ở một số cấp học biến động tăng.

Ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố Phủ Lý sẵn sàng bước vào năm học mới
Năm học 2023 - 2024, Trường THCS Lê Hồng Phong là một trong những đơn vị gặp nhiều khó khăn về đội ngũ, cơ sở vật chất do tăng lớp, tăng học sinh. Ảnh: Hà Trần

Trước thực tế này, Phòng GD&ĐT thành phố yêu cầu các trường rà soát quy mô trường lớp, không tách lớp, có thể để lớp vượt quá sĩ số khoảng 5 học sinh/lớp theo quy định đối với các trường thiếu giáo viên, thiếu phòng học; các trường đang thiếu giáo viên, thiếu phòng học và sĩ số học sinh/lớp đã đông hạn chế nhận học sinh ngoại tuyến. Đồng thời, tiếp tục thực hiện việc biệt phái giáo viên ở những trường còn dư một số tiết sang các trường còn thiếu số tiết ở môn đó so với định mức nhưng do hầu như trường nào cũng thiếu giáo viên nên biện pháp này cũng khó khăn. Vì vậy nên chủ trương có thể biệt phái giáo viên dạy liên cấp tiểu học -  THCS đối với các môn chuyên biệt, như Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục, Tin học. Bên cạnh đó, ngành chủ động đề xuất tuyển dụng viên chức cho hết số chỉ tiêu biên chế được giao; kịp thời tiếp nhận giáo viên ở nơi khác về ngay khi có giáo viên nghỉ hưu hay xin nghỉ việc; tăng cường hợp đồng giáo viên đối với những vị trí chưa tuyển dụng được viên chức và có tính đến việc hợp đồng thỉnh giảng với người có trình độ chuyên môn phù hợp với môn giảng dạy, kể cả giáo viên đã nghỉ hưu, giáo viên đang công tác ở các đơn vị khác muốn làm thêm. Các nhà trường cân đối phân công giáo viên dạy tăng giờ; điều chỉnh kế hoạch dạy học cho phù hợp với tình hình đội ngũ hiện có theo hướng môn nào có đủ giáo viên thì bố trí dạy trước, môn nào chưa có giáo viên tạm thời chưa bố trí thời khóa biểu, khi nào có giáo viên được bổ sung thì dạy sau, hoặc kéo dài thời gian thực hiện chương trình hết thêm cả 2 tuần dự phòng của năm học... Các phương án được chủ động xây dựng sớm nhưng cơ bản vẫn gặp khó khăn vì ngành và các nhà trường không có nguồn tiền để hợp đồng thỉnh giảng hoặc trả tiền thêm giờ nên cần có cơ chế bổ sung kinh phí cho thực hiện việc này.

Về công tác chuẩn bị cơ sở vật chất cho năm học mới, từ các nguồn kinh phí, toàn thành phố có 18 trường đang được xây dựng, sửa chữa; 14 trường đã có dự án chuẩn bị được sửa chữa, xây dựng. Trong đó có một số trường được xây dựng mới hoàn toàn và mở rộng, xây mới một số hạng mục, bảo đảm có đủ phòng học cho các nhà trường. Tuy vậy, hiện một số trường THCS còn thiếu phòng học bộ môn; hệ thống máy vi tính trong phòng tin học của một số trường tiểu học, THCS hư hỏng nhiều nhưng chưa được thay mới kịp thời; một số trường thiếu thiết bị dạy học, đồ dùng đồ chơi; chưa có thiết bị, đồ dùng dạy học mới phục vụ dạy học lớp 3, lớp 4, lớp 7, lớp 8 theo chương trình, sách giáo khoa mới; một số đơn vị xây dựng mới cơ sở vật chất, đặc biệt một số trường có số lớp tăng trong năm học 2023-2024 còn thiếu bàn ghế cho học sinh...

Trên cơ sở chủ động khắc phục khó khăn, công tác chuẩn bị cho năm học mới của thành phố Phủ Lý đã và đang được các cấp, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện. Trong đó, làm tốt công tác điều tra dân số độ tuổi, bảo đảm huy động tối đa trẻ mầm non, 100% trẻ 5 tuổi ra lớp, 100% trẻ 6 tuổi vào lớp 1 và 100% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6... Bên cạnh đó, việc tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng hè cho cán bộ quản lý và giáo viên theo kế hoạch, họp hiệu trưởng các cấp học triển khai công tác đầu năm học đã được Phòng GD&ĐT thành phố nghiêm túc triển khai thực hiện, giúp đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên toàn ngành và các em học sinh có tâm thế tốt sẵn sàng bước vào năm học mới.

Thanh Hà

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy