Một số thay đổi và sự chuẩn bị cho Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019

Năm 2019, Kỳ thi THPT quốc gia vẫn được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chỉ đạo tiếp tục tổ chức thực hiện theo hướng cơ bản giữ sự ổn định như năm 2018. Tuy vậy, trong cả phương thức thi, phương thức tổ chức kỳ thi đã có một số thay đổi nhằm hướng tới mục tiêu an toàn, nghiêm túc, công bằng, đúng quy chế, phản ánh đúng chất lượng dạy và học.

Một trong những nội dung thay đổi chính là việc nới rộng biên độ ôn tập kiến thức trong toàn cấp THPT thay vì riêng kiến thức lớp 12 như trong Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 hay lớp 11 và lớp 12 như trong Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018.

Theo nhận xét từ phía giáo viên, sự thay đổi này sẽ giúp học sinh có điều kiện nắm vững các khối kiến thức một cách logic, tổng hợp, hoàn toàn phù hợp với yêu cầu làm các bài thi trắc nghiệm.

Mặc dù nội dung thi được Bộ GD&ĐT xác định chủ yếu là chương trình lớp 12, bảo đảm ngưỡng cơ bản để xét tốt nghiệp THPT và có độ phân hóa để các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp làm căn cứ tuyển sinh nhưng các nhà trường vẫn chỉ đạo giáo viên cân đối thời lượng, thời gian vừa tổ chức ôn tập lại kiến thức lớp dưới, vừa tăng cường bồi dưỡng kiến thức lớp 12. Đồng thời, thực hiện nghiêm việc rà soát mức độ, kỹ năng của học sinh trên cơ sở các bài thi, kiểm tra tại lớp.

Không chỉ chú trọng tới việc ôn tập thi THPT quốc gia cho học sinh lớp 12, tại Trường THPT B Phủ Lý, các học sinh khối 10 và 11 cũng được tuyên truyền, làm quen với hình thức và phương thức thi THPT quốc gia.

Theo kế hoạch chung, các trường THPT sẽ tiến hành tổ chức ôn tập cho học sinh lớp 12 qua 2 giai đoạn: từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán tới cuối tháng 5 và từ đầu tháng 6 tới gần ngày thi chính thức. Với yêu cầu vừa bảo đảm hoàn thành chương trình chính khóa khối 12 theo quy định, vừa tăng cường bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho học sinh một cách phù hợp theo sự đổi mới của kỳ thi, từng nhà trường đã có sự tính toán kỹ lưỡng để tổ chức biên chế lớp ôn tập, chia thời gian ôn tập thành từng giai đoạn cụ thể, tổ chức các cuộc thi thử.

Năm nay, Kỳ thi THPT quốc gia vẫn được tổ chức với 3 bài thi chính là: Toán, Ngoại ngữ, Ngữ văn, cùng 2 bài thi tổ hợp KHTN và KHXH. Trong đó, duy nhất bài thi môn Ngữ văn được thi theo hình thức tự luận, các bài thi còn lại vẫn thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Do đó, việc đăng ký môn thi tự chọn và đăng ký dự thi với các mục đích của học sinh ở mỗi lớp, mỗi trường sẽ khác nhau, số lượng đăng ký không đồng đều nên công tác biên chế tổ chức lớp ôn tập, phân công giáo viên, xây dựng thời khóa biểu cho từng giai đoạn ôn được các nhà trường chủ động thực hiện  phù hợp với đặc điểm đơn vị.

Tại Trường THPT chuyên Biên Hòa, thời gian ôn được chia thành 3 giai đoạn, ở mỗi giai đoạn, việc dạy và học ôn đều rất cụ thể, thích ứng với yêu cầu nắm bắt kiến thức của học sinh. Nhà trường cũng yêu cầu các giáo viên bộ môn phải có kế hoạch ôn tập riêng của mình theo từng tuần, từng tháng và từng giai đoạn. Theo kế hoạch, trong suốt quá trình ôn tập, nhà trường sẽ tổ chức một số lần thi thử theo đúng phương án thi của Bộ GD&ĐT, giúp học sinh có điều kiện được tập dượt, làm quen với việc thi cử…

Được biết, hiện tại các nhà trường đang tổ chức vừa học theo chương trình, vừa ôn tập các kiến thức đã học và sau tháng 3 sẽ có kế hoạch tập trung ôn tập kiến thức lớp 12 dưới dạng các chuyên đề. Các trường THPT, Trung tâm GDNN-GDTX cũng làm rất tốt việc quản lý chặt kế hoạch ôn tập tổng thể, không để xảy ra tình trạng cắt xén chương trình, tăng cường các hoạt động dự giờ để nắm bắt tình hình dạy và học ôn của từng lớp, kiểm tra sát sao hồ sơ chuyên môn bảo đảm 100% giáo viên có đủ kế hoạch và đề cương, giáo án khi lên lớp.

Đối với các tổ, nhóm chuyên môn, ngoài việc thực hiện tốt chương trình khung đều rất tích cực, nêu cao tính chủ động, sáng tạo trong xây dựng kế hoạch và đề cương ôn tập. Trên cơ sở bám sát cấu trúc đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT, hầu hết giáo viên đều cho rằng, việc ôn tập thi THPT quốc gia phải căn cứ vào thực tế học sinh để tự xây dựng được nội dung ôn tập sát chuẩn kiến thức, kỹ năng, giúp học sinh có được những kiến thức ở từng mức độ khác nhau như: nhận biết, thông hiểu, vận dụng tốt kiến thức vào quá trình làm bài thi…

Trong hoạt động chuyên môn, các giáo viên trong từng tổ, nhóm có sự trao đổi, bàn bạc, thống nhất các nội dung liên quan đến công tác ôn tập, phương pháp dạy ôn hiệu quả, các giải pháp giúp học sinh yếu kém vươn lên và nâng cao đối với học sinh khá, giỏi có nguyện vọng xét tuyển ĐH, CĐ.

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 cũng mang tới một điều chỉnh quan trọng khác đối với học sinh. Đó là, sự thay đổi về tỉ lệ điểm công nhận tốt nghiệp. Ở Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, điểm công nhận tốt nghiệp được căn cứ theo tỉ lệ 50% kết quả thi THPT và 50% điểm học bạ lớp 12.

Nhưng theo dự kiến, điểm xét tốt nghiệp THPT năm 2019 sẽ gồm 70% điểm trung bình các bài thi THPT quốc gia dùng để xét tốt nghiệp THPT, 30% còn lại là điểm trung bình cả năm lớp 12 (điểm học bạ lớp 12) của thí sinh và điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có).

Với sự thay đổi này, học sinh được khuyến cáo lưu ý cần tập trung học và ôn kiến thức đều tất cả các môn, không được học tủ, học lệch và nhất là không nên có tư duy học chỉ để chống điểm liệt như các kỳ thi trước. Vì với các kỳ thi trước, chỉ cần không có điểm liệt là đã có thể được công nhận tốt nghiệp THPT do đã có được 50% từ điểm học bạ.

Mặc dù vẫn còn khá nhiều ý kiến xung quanh các thay đổi này nhưng các nhà trường, giáo viên và học sinh đang rất nỗ lực, chuẩn bị tốt tâm thế để giành được kết quả cao trong Kỳ thi THPT quốc gia năm nay.

Thanh Hà

Thanh Hà

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy