Khuyến khích tiếp cận nhanh với chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo

Theo cô giáo Đoàn Thị Khánh Chi, giáo viên Trường THPT B Phủ Lý, khi thực hiện chuyển đổi số không chỉ gợi mở cho giáo viên thêm những hình thức, phương pháp dạy học mới, các bài giảng trở nên sinh động, hấp dẫn hơn mà còn tạo cho học sinh một không gian học khác hẳn với lớp học truyền thống, thực sự sôi nổi và phát huy được tối đa sự hiểu biết, kỹ năng của học sinh.

Theo Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 25/1/2022, việc chuyển đổi số có mục tiêu đến 2025, tỉ trọng nội dung chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) được triển khai dưới hình thức trực tuyến đạt trung bình 5% ở bậc tiểu học, 10% ở bậc trung học. Đây là một đề án quan trọng có giá trị thúc đẩy cả người dạy và người học ở các cấp học tiếp cận và thích ứng với việc chuyển đổi số trong các hoạt động giáo dục.  

Để triển khai và thực hiện có hiệu quả các mục tiêu chuyển đổi số, mỗi cá nhân, mỗi nhà trường sẽ phải có riêng cho mình những cách chỉ đạo, các phương pháp để phát huy tính ưu việt của số hóa và chuyển đổi số vào thực tiễn. Qua đó, tạo điều kiện cho các nhà trường tăng cường khả năng ứng dụng, khai thác công nghệ phục vụ việc giảng dạy, học tập và tham gia các hoạt động giáo dục tích cực khác.

Trước đó, để đưa công nghệ số vào trường học, các nhà trường, cấp học trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm đầu tư bảo đảm có hệ thống các trang thiết bị phục vụ công tác dạy và học. Với gần 100% trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia, trong đó có hơn 60% trường đạt chuẩn mức độ 2, đã giúp hầu hết các trường mầm non, phổ thông công lập của tỉnh có cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia. 

Khuyến khích tiếp cận nhanh với chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo
Các môn học khoa học tự nhiên tại Trường THPT A Phủ Lý đã được tích cực hóa và hấp dẫn hơn đối với học sinh.

Đặc biệt, từ kết quả xây dựng trường chuẩn quốc gia, từ nhiều nguồn hỗ trợ, số các trường có phòng học Tin học, học Ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh được đầu tư đầy đủ máy vi tính, máy tính bảng, máy chiếu… cũng đạt tới gần 98%.

Theo chia sẻ của nhiều cán bộ quản lý trường học, các nhà trường đang có sự chủ động tích cực để việc chuyển đổi số được áp dụng toàn diện không chỉ với các hoạt động dạy và học mà với cả các hoạt động khác nhất là quản lý chất lượng giáo dục; xây dựng, công khai kế hoạch của mỗi đơn vị về các mục tiêu, giải pháp tăng cường ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong nhà trường, nhằm tạo đồng thuận trong đội ngũ và thực hiện tốt công tác xã hội hóa đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho thực hiện chuyển đổi số.

Trên thực tế, mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn cần giải quyết nhưng việc chuyển đổi số trong các nhà trường đã nhanh chóng nhận được sự đồng thuận của đội ngũ nhà giáo. Mục đích của chuyển đổi số trong giáo dục không chỉ dừng lại ở ứng dụng CNTT như trước nay mà còn là thay đổi phương pháp làm việc truyền thống và bao gồm chuyển đổi số trong cả công tác quản lý cũng như trong hoạt động dạy, học, kiểm tra, đánh giá

. Điển hình như việc chuyển hình thức dạy và học trực tiếp kết hợp trực tuyến trong các thời điểm toàn ngành giáo dục chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Theo đó, đội ngũ giáo viên các cấp học trên địa bàn tỉnh đã thực hiện khá thành thục việc “số hóa” tài liệu học tập; khai thác và sử dụng hiệu quả thư viện số, sách giáo khoa điện tử, bài giảng điện tử, ngân hàng câu hỏi điện tử… Đồng thời, có kỹ năng tương đối tốt cho việc chuyển nhanh biện pháp, thao tác dạy học có sử dụng tương tác ảo, ứng dụng CNTT trong giảng dạy và tổ chức các hoạt động giáo dục. 

Việc đưa công nghệ số vào dạy học được giáo viên các cấp học rất chú trọng, quan tâm nhằm bắt kịp phương hướng đổi mới của nền giáo dục, tích cực ứng dụng CNTT để việc dạy học đạt hiệu quả cao, giúp học sinh tiếp cận kiến thức dễ dàng hơn, và khơi gợi cho học sinh niềm đam mê với các môn học. Như với các môn học Khoa học tự nhiên vốn được đánh giá là những bộ môn khô khan, trừu tượng, có nhiều công thức phức tạp nên cần phải có những phương pháp dạy học phù hợp để học sinh tư duy, tạo sự hứng thú môn học với học sinh. Kinh nghiệm giảng dạy của nhiều giáo viên đã khẳng định, phương pháp giáo dục truyền thống thầy giảng, trò ghi chép đôi khi không còn phù hợp với nhiều nội dung các môn học tự nhiên, khiến học sinh khó tiếp thu, thiếu những góc nhìn đa chiều, trực quan sinh động về môn học. 

Khi ứng dụng CNTT, kết hợp đa phương tiện, các môn học tự nhiên sẽ được tích cực hóa. Phương pháp dạy học mới bằng CNTT lấy học sinh làm trung tâm, giúp học sinh chủ động hơn, tiếp thu kiến thức nhanh hơn, kích thích phát triển về kỹ năng và tư duy. Sự tương tác giữa giáo viên và học sinh theo đó tăng lên đáng kể. Với học sinh, từ các nhiệm vụ được giáo viên môn học giao, học sinh đã tự lên kế hoạch, xây dựng nội dung bài tập, làm Power Point trình chiếu… khá bài bản.

Theo cô giáo Đoàn Thị Khánh Chi, giáo viên Trường THPT B Phủ Lý, khi thực hiện chuyển đổi số không chỉ gợi mở cho giáo viên thêm những hình thức, phương pháp dạy học mới, các bài giảng trở nên sinh động, hấp dẫn hơn mà còn tạo cho học sinh một không gian học khác hẳn với lớp học truyền thống, thực sự sôi nổi và phát huy được tối đa sự hiểu biết, kỹ năng của học sinh. Việc khuyến khích học sinh tiếp cận với công nghệ số, thực hiện các nhiệm vụ học tập trên nền tảng số là việc làm quan trọng và thực sự cần thiết trong đổi mới giáo dục hiện nay.

Thanh Hà

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy