Thời gian gần đây, ngày càng nhiều trường học trên địa bàn tỉnh xây dựng mô hình “Thư viện xanh” nhằm tạo môi trường thuận lợi để học sinh dễ dàng tiếp cận sách, báo, nâng cao hiệu quả thực hiện Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 329/QĐ-TTg ngày 15/03/2017 của Thủ tướng Chính phủ và khơi dậy niềm đam mê đọc sách đối với thế hệ trẻ.
Đến nay, 100% trường học trong tỉnh có ít nhất 1 mô hình thư viện trở lên (thư viện lớp học, thư viện thân thiện, thư viện xanh...), với hàng triệu bản sách, báo, tài liệu tham khảo. Việc xây dựng, phát triển văn hóa đọc đang là một trong những hoạt động trọng tâm của nhiều nhà trường nhằm rèn luyện năng lực tự học, hình thành thói quen đọc sách, giúp học sinh phát triển, mở rộng kiến thức, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập.
Khác với mô hình thư viện truyền thống, mô hình “Thư viện xanh” được xây dựng theo không gian mở, thân thiện, hài hoà với thiên nhiên. Các góc của thư viện được bố trí giỏ hoa, chậu cây xanh, trang trí, kẻ vẽ những bức họa vui nhộn, bắt mắt, kích thích nhu cầu đọc trong học sinh. Ấn tượng đầu tiên khi đến Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (phường Lê Hồng Phong, thành phố Phủ Lý) là không gian “Thư viện xanh” có khẩu hiệu “Đọc sách là nuôi dưỡng trí tuệ” được xây dựng ngay tại sân trường. Với hàng trăm đầu sách đủ các lĩnh vực: văn học, giáo dục pháp luật, giáo dục kỹ năng sống, truyện tranh, tạp chí… được đặt trong tủ ngay ngắn, phục vụ nhu cầu đọc của học sinh sau những giờ học. Tại “Thư viện xanh” có ghi nội quy đọc sách và giới thiệu những quyển sách mới cho học sinh dễ tra cứu, nắm bắt. Nguồn sách này chủ yếu do nhà trường huy động sự đóng góp của thầy cô, học sinh, phụ huynh, đặc biệt là sự ủng hộ, trao tặng của một số cơ quan, ban ngành như: Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Đoàn Thanh niên Công an tỉnh, Công ty cổ phần xây dựng và phát triển hạ tầng kỹ thuật Hà Nam… Không gian “Thư viện xanh” cũng là nơi nhà trường tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như: Trưng bày các gian sách theo chủ đề, tuyên truyền giới thiệu sách bằng hình thức trực tiếp, trực tuyến… vào dịp hưởng ứng Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam hằng năm, nhằm tạo cho học sinh một sân chơi bổ ích, lý thú, giúp các em giao lưu, học hỏi, rèn luyện kỹ năng đọc sách hiệu quả, đưa phong trào đọc sách trở thành một nét đẹp văn hóa.
“Từ ngày mô hình “Thư viện xanh” được xây dựng, đi vào hoạt động, số lượng học sinh trong trường tham gia đọc sách, báo ngày càng đông. Việc rèn luyện thói quen đọc sách đã giúp các em mở rộng tri thức, học hỏi thêm nhiều kiến thức bổ ích, qua đó góp phần giáo dục đạo đức, nhân cách sống cho các em. Để nâng cao chất lượng văn hóa đọc, cán bộ phụ trách thư viện và các thầy, cô giáo đã hướng dẫn cho học sinh cách chọn lựa những cuốn sách hay, bổ ích, phù hợp với sở thích, lứa tuổi... Đồng thời, khuyến khích học sinh nâng cao ý thức tự học, tự nghiên cứu và phát triển ngôn ngữ tiếng Việt, hướng tới xây dựng môi trường văn hóa đọc trong nhà trường và cộng đồng”- thầy Hà Văn Đồng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Hồng Phong cho biết.
Công trình “Thư viện xanh” của Trường THCS Trần Phú (thành phố Phủ Lý) rộng gần 50m2 được xây dựng từ nguồn tiết kiệm ngân sách kết hợp với huy động xã hội hóa. Ngoài tủ đựng sách, báo được bố trí ngay ngắn, thuận tiện cho các em tìm đọc, tra cứu thông tin, khu ghế ngồi được thiết kế có mái che mưa, nắng, thư viện còn bố trí nhiều giỏ hoa, chậu cây xanh và trang trí những bức họa vui nhộn. Sách, báo được phân loại theo các chủ đề: Văn học, Toán học, Ngoại ngữ, Lịch sử, Tiếng Anh, Khoa học, Kỹ năng sống, truyện kể về Bác Hồ, truyện ngắn Việt Nam, truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, người tốt việc tốt, thiên nhiên kì thú… Vào mỗi giờ ra chơi, học sinh có thể chọn những cuốn sách, cuốn truyện phù hợp với lứa tuổi để đọc tại chỗ. Hết giờ ra chơi, các em tự giác đem sách xếp trả lại vị trí cũ. Để tăng thêm sự phong phú về nguồn sách cho thư viện và duy trì hiệu quả mô hình “Thư viện xanh”, Ban Giám hiệu Trường THCS Trần Phú thường xuyên phát động phong trào chung tay bổ sung nguồn tư liệu sách, báo, tạp chí cho thư viện; kêu gọi sự ủng hộ của toàn thể cán bộ, giáo viên, học sinh, phụ huynh, các cựu học sinh, các ban, ngành, đoàn thể chung tay đóng góp, hỗ trợ. Trường còn phối hợp chặt chẽ với Thư viện tỉnh trong việc luân chuyển sách, báo định kỳ. Hằng tuần, cán bộ thư viện sắp xếp, bổ sung thêm sách, báo, truyện để học sinh có điều kiện được đọc nhiều thể loại. Từ khi đi vào hoạt động, mô hình “Thư viện xanh” của Trường THCS Trần Phú không chỉ là nơi tổ chức đọc sách cho học sinh mà còn là địa điểm để các thầy cô giáo thực hiện một số tiết học chính khóa như: tự nhiên xã hội, khoa học, lịch sử, địa lí… đáp ứng yêu cầu cải tiến phương pháp dạy học, giáo dục kĩ năng sống, kĩ năng giao tiếp và hoạt động xã hội của học sinh, góp phần thực hiện tốt phong trào thi đua xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện tại trường.
Mô hình “Thư viện xanh” không chỉ tạo môi trường thân thiện cho học sinh, giúp các em được tiếp thu những kiến thức mới, vừa được học, vừa được chơi, được thư giãn sau những giờ học tại trường, mà còn giúp các em phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thẩm mỹ, về năng lực, phẩm chất, tâm hồn và nhân cách, góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục tại các nhà trường. Ngành Giáo dục tỉnh đã và đang khuyến khích nhân rộng mô hình “Thư viện xanh” tại các trường học, quy định đây là một trong những tiêu chí đánh giá trường “xanh, sạch, đẹp, an toàn”.
Theo ông Đinh Trung Hiếu, Giám đốc Thư viện tỉnh, việc xây dựng những mô hình “Thư viện xanh”, “Thư viện thân thiện” đã khơi dậy niềm đam mê sách trong học sinh, nâng cao hiệu quả văn hoá đọc trên địa bàn tỉnh. Thời gian tới, Thư viện tỉnh sẽ tiếp tục đồng hành cùng các nhà trường thông qua hoạt động trao tặng, luân chuyển sách, báo, tổ chức thư viện lưu động… và sẵn sàng hỗ trợ tập huấn chuyên môn cho cán bộ thư viện các nhà trường.
Hoàng Oanh (Trung tâm Văn hoá Nghệ thuật tỉnh Hà N