Duy trì tốt mô hình “Bếp ăn một chiều” trong nuôi ăn bán trú

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 300 cơ sở giáo dục (CSGD), trong đó chủ yếu là các CSGD mầm non đang thực hiện nuôi ăn bán trú. Các cơ sở đã tuân thủ và thực hiện tốt mô hình “Bếp ăn một chiều”, bảo đảm các hoạt động diễn ra theo đúng trình tự: tiếp nhận nguyên liệu đầu vào phục vụ cho việc chế biến, nấu món ăn; sơ chế nguyên liệu; chế biến và nấu nướng các món ăn; chia suất ăn; lưu trữ mẫu thức ăn; thu dọn… phải tuân thủ theo một chiều. Trong thực tế, mô hình này giúp các cơ sở nuôi ăn bán trú bảo đảm tốt các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, không để xảy ra các vụ việc ngộ độc thức ăn trong trường học.

Thực hiện song song hai nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ trong độ tuổi mầm non, những năm qua, bên cạnh việc triển khai thực hiện tốt các chương trình giáo dục theo quy định, các CSGD mầm non trên địa bàn tỉnh còn tập trung tổ chức có chất lượng việc nuôi ăn bán trú cho 100% trẻ đến trường, duy trì hiệu quả mô hình “Bếp ăn một chiều”. Nhiều đơn vị đã nỗ lực duy trì và xây dựng thành công mô hình “Bếp ăn một chiều” tiên tiến, “Bếp ăn một chiều” xuất sắc.

Duy trì tốt mô hình “Bếp ăn một chiều” trong nuôi ăn bán trú
Mô hình Bếp ăn một chiều được các cơ sở giáo dục có nuôi ăn bán trú thực hiện hiệu quả, có chất lượng.

Với mục tiêu: trẻ ăn bán trú tại trường phải được bảo đảm nuôi dưỡng theo đúng thực đơn, phù hợp với lứa tuổi, có sự cải tiến về cách chế biến để trẻ ăn ngon miệng, ăn hết suất và được cung cấp đầy đủ, cân đối các chất dinh dưỡng…, các CSGD mầm non đã chủ động xây dựng và chuẩn hóa mô hình “Bếp ăn một chiều”. Theo mô hình này, toàn bộ các hoạt động của việc nấu nướng, chế biến thức ăn ngoài việc đáp ứng đúng yêu cầu quy trình còn phải xây dựng được các khu riêng biệt, như: kho chứa thực phẩm tươi sống, khu sơ chế thực phẩm, khu vực chế biến thức ăn, khu vực phân chia thức ăn đã được nấu chín, khu vệ sinh các dụng cụ nấu nướng…

Cô giáo Nguyễn Thị Diệu Thúy, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Lương Khánh Thiện cho biết: Mô hình “Bếp ăn một chiều” được nhà trường xây dựng ngay từ những năm đầu tiên khi Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo triển khai mô hình này trong các trường mầm non. Điều dễ thấy nhất từ mô hình này là đã giúp nhà trường kiểm soát một cách hiệu quả chất lượng các bữa ăn cho trẻ ăn bán trú tại trường, ngăn ngừa tối đa hiện tượng ngộ độc thực phẩm mà các bếp ăn tập thể hay gặp phải. Với mô hình “Bếp ăn một chiều”, do có sự đầu tư tương đối đầy đủ, đồng bộ hệ thống trang thiết bị nên hầu hết các hoạt động nằm trong khu vực nhà bếp đã được chuyên biệt hóa, bảo đảm ở mức cao nhất về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Trên địa bàn thị xã Duy Tiên, nhu cầu gửi con ăn bán trú tại các trường tiểu học của cha mẹ học sinh hiện tương đối cao, nhất là ở những địa bàn có đông công nhân, người lao động làm việc tại các khu công nghiệp. Để đáp ứng nhu cầu này, thị xã có chủ trương phát triển hoạt động nuôi ăn bán trú trong các trường tiểu học và đã triển khai tại 3 đơn vị, gồm: Trường Tiểu học Duy Minh, Trường Tiểu học Bạch Thượng và Trường Tiểu học Hòa Mạc. Một số địa phương khác cũng đang tích cực xây dựng, hoàn thiện cơ sở vật chất để đưa các công trình phục vụ nuôi ăn bán trú vào hoạt động.

Duy trì tốt mô hình “Bếp ăn một chiều” trong nuôi ăn bán trú
Trẻ mầm non được nuôi ăn bảo đảm tốt về dinh dưỡng, an toàn thực phẩm. Ảnh: Hà Trần

Trường Tiểu học Hòa Mạc là một trong những đơn vị có số học sinh ăn bán trú đông nhất với hơn 200 học sinh đăng ký thường xuyên ăn bán trú tại trường. Theo chia sẻ của cô Hiệu trưởng Trần Thị Nguyệt Minh, cách đây hàng chục năm nhà trường đã tổ chức nuôi bán trú, nhưng khi đó điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa đáp ứng tốt nhu cầu thực tế, cũng chưa thực hiện được mô hình “Bếp ăn một chiều”. Chỉ đến năm 2022, sau khi công trình nhà ăn và khu nghỉ trưa dành cho học sinh được hoàn thiện, đưa vào sử dụng với đầy đủ thiết bị, đồ dùng, việc nuôi ăn bán trú mới thực sự nền nếp và mô hình “Bếp ăn một chiều” mới được áp dụng thực hiện triệt để… Với sự đầu tư từ nhiều nguồn kinh phí hỗ trợ, khu vực bếp ăn của nhà trường được trang bị đầy đủ hệ thống vận hành của bếp ăn một chiều, có nhiều trang thiết bị hiện đại, như: tủ sấy bát, tủ hấp cơm tự động, tủ lạnh chứa thực phẩm tươi sống, tủ chứa mẫu lưu thực phẩm, máy khử độc…; có sự phân bố riêng biệt, hợp lý, một chiều các khu vực, từ khu tiếp phẩm, sơ chế thực phẩm đến khu chế biến thức ăn và hệ thống bàn chia khẩu phần. Việc mua sắm bổ sung các trang thiết bị, dụng cụ cũng được nhà trường quan tâm thực hiện, đáp ứng yêu cầu của bếp ăn.   

Bên cạnh việc đầu tư cho bếp ăn, Trường Tiểu học Bạch Thượng còn quan tâm đặc biệt tới chất lượng đầu vào của thực đơn. Theo đó, trường đã ký hợp đồng mua thực phẩm với các đơn vị chuyên sản xuất, cung cấp thực phẩm, rau xanh có uy tín trong và ngoài tỉnh. Với kinh nghiệm hơn 10 năm nấu cho các bếp ăn tập thể, chị Trịnh Thị Nhiên, nhân viên nhà bếp của nhà trường khẳng định: Mô hình “Bếp ăn một chiều” rất quan trọng trong việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn nuôi ăn. Những nhân viên nấu ăn được cung cấp đầy đủ kiến thức, kĩ năng thực hành theo mô hình “Bếp ăn một chiều”. Quá trình chế biến, nấu ăn được các nhân viên tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của mô hình. Thực phẩm trước khi được đưa vào chế biến đều phải qua quá trình kiểm tra chặt chẽ, bảo đảm tươi sống, có xuất xứ rõ ràng và đã qua kiểm dịch. Cứ 6 giờ hằng ngày, thực phẩm được bàn giao trực tiếp cho nhân viên nhà bếp, đủ về số lượng, đúng về chất lượng. Các loại thức ăn sau khi chế biến đều được lưu mẫu trong 24 giờ để phục vụ việc kiểm tra, xét nghiệm nếu có xảy ra trường hợp ngộ độc nghi do thức ăn.

Duy trì tốt mô hình “Bếp ăn một chiều” trong nuôi ăn bán trú
Nhân viên nấu ăn tại Trường Tiểu học Bạch Thượng (TX Duy Tiên) thực hiện nghiêm các quy định của mô hình Bếp ăn một chiều trong nuôi ăn bán trú.

Được biết, hằng ngày, các bộ phận có liên quan tới công tác nuôi ăn bán trú của các CSGD thường xuyên có sự kiểm tra chéo lẫn nhau, nhà bếp phải tự kiểm tra thực đơn, chịu trách nhiệm chính về chế độ dinh dưỡng, mức ăn cho học sinh, cho trẻ mầm non theo từng độ tuổi. Hiện nay, với sự hỗ trợ của phần mềm nuôi ăn, căn cứ vào nhu cầu dinh dưỡng, calo, vitamin của trẻ, các trường mầm non đã xây dựng được thực đơn hoàn chỉnh theo từng ngày cho trẻ. Đối với các trường tiểu học nuôi ăn bán trú, việc xây dựng thực đơn được các nhà trường chủ động thực hiện, thông báo công khai cho cha mẹ học sinh biết và cùng tham gia xây dựng thực đơn cũng như giám sát thực đơn theo từng bữa ăn.

Làm tốt công tác nuôi ăn bán trú, nhiều năm trở lại đây, các CSGD trên địa bàn tỉnh không để xảy ra các sự việc bất thường về an toàn thực phẩm, không có trường hợp trẻ mầm non hoặc học sinh ngộ độc thực phẩm, thực hiện tốt các mục tiêu chăm nuôi trẻ mầm non và học sinh phát triển bình thường, hạn chế tỉ lệ suy dinh dưỡng và béo phì.

Thanh Hà

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy