kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Động viên, hỗ trợ người cao tuổi tiếp cận công nghệ

Động viên, hỗ trợ người cao tuổi tiếp cận công nghệ

Mạng xã hội phát triển, internet phủ sóng rộng rãi từ thành thị đến nông thôn không chỉ giúp con người dễ dàng kết nối với bạn bè, người thân, mà còn là kho dữ liệu khổng lồ về tri thức, thông tin, giải trí…, đem lại tiện ích cho người dùng. Không nằm ngoài xu hướng, dù có những rào cản nhất định nhưng khá nhiều người lớn tuổi vẫn đang cố gắng tiếp cận với công nghệ để làm phong phú hơn cuộc sống của mình.

Đang tất bật với luống rau ngoài vườn, nhưng khi điện thoại bất chợt ngân lên tiếng chuông mặc định quen thuộc của ứng dụng zalo, bà Nguyễn Thị Mây, thôn Lạt Hà, xã Trác Văn (thị xã Duy Tiên) lại vui vẻ ra mặt, vội vàng lau tay rồi “bắt máy”. Đã qua tuổi 65, nếu như trước đây chỉ quen dùng “điện thoại đen trắng” thì hiện tại bà đã gần như sử dụng thành thạo các chức năng cơ bản của chiếc điện thoại thông minh và những ứng dụng mạng xã hội đi kèm.

Bà vui vẻ cho biết: “Chiếc điện thoại này là con gái tôi mua cho đấy, “zalo, phây-búc, ziu-túp” cũng là nó giúp tôi tạo tài khoản rồi hướng dẫn cách sử dụng. Ban đầu tôi cũng thấy khó sử dụng, điện thoại to quá cầm không quen tay, chức năng cũng phức tạp hơn loại điện thoại có sẵn bàn phím, ấy thế nhưng dùng vài tuần rồi cũng quen dần. Từ ngày có nó, tôi có thể quay lại clip chị em trong hội người cao tuổi, hội phụ nữ xã tập văn nghệ, tập thể dục thể thao rồi đưa lên “phây, ziu-túp”, lan tỏa tinh thần sống vui sống khỏe đến cộng đồng. Chưa kể, tôi có con trai đang làm việc ở Nhật, con gái lại ở Hà Nội, từ hồi có zalo giúp tôi dễ dàng liên lạc với con, cháu. Tuần nào mấy đứa cháu cũng gọi điện qua mạng hàn huyên với tôi vài lần, nói chuyện thoải mái vì không lo tốn phí điện thoại, lại còn được thấy hình ảnh trực tiếp, con cháu thấy ông bà ở quê sống vui khỏe cũng phần nào yên tâm học tập, công tác hơn”…

Động viên hỗ trợ người cao tuổi  tiếp cận công nghệ
Người cao tuổi luôn được con cháu giúp hướng dẫn sử dụng máy tính, điện thoại thông minh để tiếp cận với công nghệ.

Cũng như bà Nguyễn Thị Mây, ông Nguyễn Đức Trận, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Chuyên Ngoại (thị xã Duy Tiên) tâm sự: Tôi gần 70 rồi nhưng vẫn hiểu được công nghệ cần thiết như thế nào trong cuộc sống hiện nay, và người cao tuổi không thể đứng ngoài xu hướng đó, để không bị lãng quên trong thời đại công nghệ số. Nhờ mạng xã hội, chúng tôi liên lạc thuận tiện với bạn bè (kể cả những đồng nghiệp lâu năm không gặp do về hưu, chuyển nhà đi nơi khác), kết nối với con cháu, hòa nhập cộng đồng và thu hẹp khoảng cách giữa các thế hệ.

Hiện tại, nhóm “Hội Người cao tuổi xã Chuyên Ngoại” chúng tôi thành lập trên facebook đã có 106 thành viên tham gia, là nơi để hội viên chia sẻ hoạt động thường kỳ của hội, đăng tải các chính sách, pháp luật mới của Nhà nước, địa phương… Các thành viên đều đánh giá, nhờ làm quen với công nghệ, mạng xã hội mà họ cảm thấy hiểu hơn cách sống, cách nghĩ của thế hệ trẻ, gần gũi hơn trong mỗi cuộc trò chuyện với con cháu. Đồng thời, hiểu biết hơn về thế giới đó đây qua các trang báo điện tử. Tuy nhiên, tôi cũng luôn chú ý nhắc nhở mọi người cần phải cẩn trọng, tỉnh táo khi lựa chọn, khai thác thông tin. Với những trang thông tin hoặc kênh Youtube không chính thống, đăng tải những bài viết trái chiều, xấu độc thì không nên nghe, không nên đọc, chia sẻ.

Hào hứng với chủ đề: người cao tuổi truy cập internet, con gái ông Nguyễn Đức Trận vui vẻ góp chuyện: Trước đây hầu như chỉ có người trẻ mới thích lướt web, sử dụng mạng xã hội, người lớn tuổi sẽ gặp nhiều trở ngại khi tiếp xúc với công nghệ và các thiết bị máy tính, điện thoại thông minh vì mắt không tinh, tay không còn “dẻo” nữa. Trong khi đó, vẫn còn rất ít phân khúc sản phẩm công nghệ với tính năng riêng, ứng dụng phù hợp tâm lý, thể trạng và thói quen của người cao tuổi. Thời gian sau này, tôi nhận ra cuộc sống tinh thần của các cụ cũng cần phải được làm cho phong phú hơn lên, nhất là khi con cháu đi làm, đi học hết, một mình các cụ ở nhà rất cô đơn. Chính vì thế chúng tôi đã quyết định “lên đời” điện thoại cho các cụ từ hàng “cục gạch” lên hàng smartphone. Rất may là chỉ qua hướng dẫn một vài lần là các cụ làm quen được ngay. Bây giờ đọc báo, xem chương trình giải trí, mở lại các chương trình đã phát trên ti vi, tham gia lập hội nhóm trên facebook, zalo, like, chia sẻ bài viết… ông, bà đều tự tin, thành thạo sử dụng được hết.

Không chỉ giúp đời sống của người cao tuổi thêm sinh động, phong phú hơn, công nghệ còn giúp người lớn tuổi tiếp cận gần hơn với các loại hình kinh doanh, trao đổi buôn bán mới. Năm nay đã ngót 60 tuổi, nhưng bà Bùi Thị Nhung, Đường Trường Chinh (thành phố Phủ Lý) vẫn sử dụng thành thạo các tính năng của zalo, facebook, youtube để bán hàng. Không chỉ có facebook cá nhân, bà còn có riêng một trang facebook chuyên để đăng bán các mặt hàng chăn, ga, gối, đệm.

Bà Bùi Thị Nhung chia sẻ: Dù cửa hàng thành lập có tiếng từ lâu, nhưng trong thời đại công nghệ phát triển, bản thân người bán phải chủ động đến gần hơn với khách hàng, bởi hiện nay, khách hàng có rất nhiều sự lựa chọn, mình không thay đổi sẽ bị xã hội đào thải. Bài đăng trên zalo, facebook không chỉ có hình ảnh mẫu mã, nhãn hàng, giá thành, số điện thoại, địa chỉ liên hệ, chúng tôi còn quay cả clip đặc tả chất liệu sản phẩm để khách hàng dễ dàng lựa chọn theo yêu cầu. Đồng thời, cửa hàng còn đăng ký gian hàng trên sàn thương mại điện tử Shopee để tiếp cận gần hơn với khách hàng ở các tỉnh, thành khác và mở thêm nhiều hình thức thanh toán.

Đơn cử, khách hàng trong tỉnh đến mua hàng trực tiếp, có thể chuyển khoản bằng tài khoản ngân hàng hoặc quét mã QR Pay, bảo đảm an toàn, tránh tiếp xúc gần trong mùa dịch. Với khách ngoại tỉnh mua online, khách hàng có thể chọn hình thức COD (nhận hàng trả tiền) hoặc thanh toán trước bằng cách chuyển khoản, rất thuận tiện. Nhờ có mạng xã hội, việc kinh doanh của cửa hàng thuận lợi hơn so với trước kia, thậm chí còn nhận được hợp đồng với số lượng đơn hàng lớn từ các công trình xây dựng chung cư.

Có thể thấy rằng, dù còn có những rào cản nhất định khi tiếp cận với công nghệ và thiết bị điện tử, thậm chí một số người cao tuổi tỏ ra nghi ngại về lợi ích mà công nghệ mang lại…, nhưng nhìn chung phần lớn người lớn tuổi hiện nay đang cố gắng sử dụng công nghệ và mạng internet để cải thiện cuộc sống và phần nào bắt kịp xu hướng của người trẻ. Qua công nghệ, người lớn tuổi dễ dàng liên lạc với bạn bè, người thân, kết nối với con cháu và hòa nhập cộng đồng, thu hẹp khoảng cách giữa các thế hệ.

Hơn thế nữa, công nghệ còn giúp người cao tuổi duy trì sự nhanh nhẹn, năng động, trẻ trung về tư duy và hành động trong cuộc sống hiện đại. Nhiều người khẳng định: Nhờ tiếp cận mạng xã hội mà họ không còn cảm thấy cô đơn, lạc lõng giữa những câu chuyện với con cháu vì không hiểu, không thể bắt kịp nhịp sống của người trẻ.

Tuy nhiên, khi sử dụng internet, cũng như các lứa tuổi khác, người lớn tuổi cần cẩn trọng trước những thông tin trái chiều hoặc những chiêu trò lừa đảo từ các đối tượng xấu. Và hơn hết, dù có công nghệ, có mạng xã hội thì sự gần gũi các thành viên trong gia đình vẫn là cầu nối quan trọng kết nối tình cảm để người cao tuổi không cảm thấy buồn chán và có thể sống vui, sống khỏe mỗi ngày.

Thanh Vân

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy