Trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, Mỹ không chỉ dùng các loại bom đạn gây thương vong, mà còn sử dụng cả chất độc hoá học (CĐHH). Từ năm 1961 đến năm 1971, quân đội Mỹ đã tiến hành 19.905 phi vụ, rải khoảng 80 triệu lít CĐHH (trong đó 61% là chất da cam dioxin) xuống 3,06 triệu ha (gần 25% tổng diện tích miền Nam Việt Nam), khiến môi trường bị ô nhiễm, hủy hoại nặng nề. Chất độc da cam (CĐDC) đã làm 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân; hàng trăm nghìn nạn nhân đã chết, hoặc đang vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo; khoảng 100 nghìn nạn nhân thuộc thế hệ thứ hai, thứ ba tiếp tục bị ảnh hưởng.
Giải quyết hậu quả CĐDC, hàn gắn vết thương chiến tranh là lương tâm, trách nhiệm, đạo lý với những người đã chiến đấu, hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, là vấn đề xã hội nhân đạo đối với đồng bào những vùng bị ảnh hưởng CĐDC, là vấn đề chính trị, ngoại giao tế nhị. Từ nhận thức đó, tháng 10/1980, Chính phủ thành lập Ủy ban đặc biệt điều tra hậu quả CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam (gọi tắt là “Ủy ban 10-80”). Kết quả điều tra của “Ủy ban 10-80” khẳng định: Tác hại của CĐDC/dioxin vô cùng trầm trọng, để lại hậu quả nặng nề, lâu dài đối với con người, môi trường Việt Nam. Cùng với hoạt động nghiên cứu khoa học tìm giải pháp khắc phục hậu quả đối với môi trường, hằng năm nhà nước dành khoản ngân sách hơn 10 nghìn tỉ đồng để trợ cấp, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC), hỗ trợ những vùng bị ảnh hưởng nặng nề bởi CĐDC. Toàn quốc hiện có 320 nghìn người tham gia kháng chiến và con đẻ bị nhiễm CĐHH được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; gia đình NNCĐDC được hưởng bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh miễn phí; NNCĐDC được chỉnh hình, phục hồi chức năng, trẻ em bị hậu quả gián tiếp của CĐDC được học trong các trường hòa nhập, chuyên biệt.
Để có một tổ chức đủ sức đảm đương những nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn mới, ngày 10/1/2004, Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam (gọi tắt là VAVA) chính thức thành lập. Tiếp sau việc thành lập Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam, ngày 25/6/2004, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và 32/32 tổ chức thành viên của mặt trận họp Hội nghị Vì NNCĐDC/dioxin Việt Nam, nhất trí đề nghị lấy ngày 10/8 hằng năm (*) là Ngày Vì NNCĐDC Việt Nam. Ngày 6/8/2004, Văn phòng Trung ương Đảng có công văn thông báo ý kiến của Ban Bí thư, đồng ý lấy ngày 10/8 hằng năm là Ngày Vì NNCDDC Việt Nam. Ngày 24/10/2009, Hội đồng Hòa bình Thế giới ra nghị quyết lấy ngày 10/8 hằng năm là Ngày Quốc tế đoàn kết với NNCĐDC Việt Nam. Ngày 10/8 hằng năm trở thành Ngày Kỷ niệm thảm họa da cam ở Việt Nam, Ngày Vì NNCĐDC Việt Nam, Ngày Quốc tế đoàn kết với NNCĐDC Việt Nam.
Từ khi thành lập Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam (1/2004) đến tháng 12/2020, số tiền vận động Quỹ NNCĐDC đạt hơn 2.663 tỷ đồng. Các cấp hội đã chi giúp đỡ nạn nhân, gia đình nạn nhân tổng số tiền hơn 2.536 tỷ đồng (gồm: xây dựng cơ sở bán trú, nhà tình nghĩa, trợ cấp học bổng, trợ cấp khó khăn, khám chữa bệnh, hỗ trợ vốn, tặng quà…). Trung tâm bảo trợ xã hội NNCĐDC các cấp tổ chức nuôi dưỡng luân phiên, khám bệnh, tẩy độc, chỉnh hình, phục hồi chức năng cho hàng chục nghìn lượt người.
Các cấp hội cũng đã tích cực đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, vận động các nguồn lực để chăm sóc, giúp đỡ NNCĐDC và đấu tranh đòi công lý cho NNCĐDC. Thông qua hoạt động đối ngoại, hội đã vận động được 10% số tiền ủng hộ NNCĐDC của toàn hội; vận động các nghị sĩ Mỹ trình Quốc hội Mỹ 5 dự luật ủng hộ NNCĐDC Việt Nam, thúc đẩy việc kiện các công ty hóa chất ở Mỹ, Pháp. Đến nay, Chính phủ Mỹ đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức của Việt Nam hoàn thành tẩy độc dioxin ở sân bay Đà Nẵng, xúc tiến dự án tẩy độc dioxin ở sân bay Biên Hòa; triển khai dự án 21 triệu USD (giai đoạn 2016-2020) hỗ trợ người khuyết tật ở 6 tỉnh; ký thỏa thuận triển khai dự án trị giá 65 triệu USD (giai đoạn 2021-2025) hỗ trợ người khuyết tật ở 8 tỉnh bị ảnh hưởng CĐDC.
Khắc phục hậu quả CĐHH là một vấn đề có ý nghĩa lớn về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học. Giải quyết vấn đề này không chỉ góp phần xử lý vướng mắc trong lịch sử quan hệ Việt-Mỹ, mà còn tạo nhân tố tích cực cho phát triển quan hệ hai nước; không chỉ giải quyết hậu quả chiến tranh hóa học, mà còn góp phần ngăn chặn nguy cơ xảy ra chiến tranh hóa học, bảo vệ hòa bình thế giới. Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam không chỉ là vấn đề từ thiện, nhân đạo, mà còn là hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” với người có công, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Thương người như thể thương thân” của dân tộc, là lương tâm, trách nhiệm của mỗi người Việt Nam.
Đồng hành cùng Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam, phong trào “Hành động vì NNCĐDC Việt Nam” (do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động ngày 10/6/2011) đã và đang tiếp tục nhận được sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng xã hội nhằm chung tay chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân, xoa dịu nỗi đau da cam. Chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước cùng với sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho nhiều NNCĐDC và gia đình có thêm -----động lực phấn đấu vượt qua khó khăn, bệnh tật, ổn định cuộc sống, hòa nhập xã hội.
___________________________
(*) Ngày 10/8/1961 - Ngày đầu tiên Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh hóa học tại Việt Nam.
Thế Vĩnh