kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Hai tác phẩm “Đất thiêng nơi Mả Dấu” và “Bà Chúa kho” tham dự Liên hoan Sân khấu Chèo toàn quốc năm 2019

Hai tác phẩm “Đất thiêng nơi Mả Dấu” và “Bà Chúa kho” tham dự Liên hoan Sân khấu Chèo toàn quốc năm 2019

Hai vở chèo “Đất thiêng nơi Mả Dấu” và “Bà Chúa kho” của Trung tâm Văn hóa nghệ thuật Hà Nam cùng với 24 vở diễn khác đã chính thức góp mặt vào Liên hoan Sân khấu Chèo toàn quốc năm 2019.

Cảnh dân làng tiễn công chúa An Quốc hồi kinh trong vở "Bà Chúa kho"

Vở chèo “Bà Chúa kho” của tác giả kịch bản Thế Song, đạo diễn NSND Lê Hùng được dàn dựng cuối năm 2017 kể về công lao và những đóng góp của công chúa An Quốc, con gái vua Lý Thánh Tông đối với vùng đất Cổ Mễ (Bắc Ninh).

Sau khi công chúa An Quốc  xin vua cha về  vùng đất này khai khẩn đất đai, giúp dân trị thủy, phát triển nông tang, nàng đã gặp một chàng trai võ nghệ cao cường, có tài thổi sáo tên là Lý Điền, rồi mang lòng thương mến. Mối tình của hai người mỗi ngày một thắm thiết, công chúa An Quốc trở thành người làng, có cuộc sống gắn bó, gần gũi với dân chúng nhiều hơn.

Đúng lúc đó, nàng được lệnh vua hồi cung, chuẩn bị thành thân với một tướng giỏi triều đình tên là Lý Nam. Không thể chống lệnh vua, nàng và Lý Điền phải chia tay nhau trong nhớ nhung, tiếc nuối. Không ngờ, An Quốc có số “hồng nhan bạc phận”, vị hôn phu của nàng sau ngày thành thân đã hy sinh nơi biên ải trong một trận chiến đấu với quân giặc.

An Quốc bấy giờ lại xin vua cha trở lại Cổ Mễ giúp nhân dân đánh giặc. Khi đó quân giặc phương Bắc đang kéo xuống, An Quốc đã xây dựng những kho lương để tích trữ lương thảo, nuôi quân đánh giặc. Nàng đã bày mưu lừa quân giặc vào hang đá theo nàng, nàng chấp nhận hy sinh để cứu bách tính. Sau khi thắng giặc, nhớ ơn công lao của nàng, nhân dân đã lập đền thờ, tôn bà là Thánh nữ, gọi là Bà Chúa kho.

Một cảnh khác trong vở "Bà Chúa Kho" của đoàn Hà Nam tại Liên hoan Sân khấu Chèo toàn quốc 2019.

Vở “Đất thiêng nơi Mả Dấu” của hai tác giả Thế Song và Xuân Hồng, đạo diễn NSUT Thanh Tùng, cố vấn NSND Trương Hải Thọ được dàn dựng năm 2019. Vở diễn nói về cuộc đời, sự nghiệp của vua Lê Hoàn được lưu truyền trên vùng đất Bảo Thái (xã Liêm Cần, huyện Thanh Liêm ngày nay).

Từ nhỏ, Lê Hoàn đã bộc lộ những phẩm chất cao đẹp, nhưng phải trải qua một cuộc sống niên thiếu vất vả. Sau khi ông nội ông là Lê Lộc và cha qua đời, mẹ ông cũng bị chết dưới gươm đao của giặc cướp, Lê Hoàn phải sống trong bối cảnh non sông chìm vào cảnh loạn lạc bởi 12 sứ quân

Cảnh trong vở "Đất thiêng nơi Mả Dấu" 

Ông quyết chí rèn văn, luyện võ , quy tập binh sỹ tại nơi Mả Dấu – phần mộ của ông nội Lê Lộc ở làng Bảo Thái, chuẩn bị cho công cuộc dẹp loạn 12 sứ quân của Đinh Bộ Lĩnh.

Sau khi dẹp yên 12 sứ quân, Lê Hoàn được phong Thập đạo Tướng quân rồi trở về đất tổ nơi Mả Dấu gặp lại bà con thân thích, thắp nén tâm nhang cho ông nội trước khi lên đường bình Chiêm, dẹp giặc. Hồn thiêng sông núi Bảo Thái đã trở thành dấu ấn thiêng liêng trong cuộc đời và sự nghiệp Lê Hoàn.

Vở diễn còn khắc họa một thiên tình sử diễm lệ giữa Lê Hoàn với Quế Ngọc, con gái của Sứ quân Bạch Hải và tình huynh đệ thiêng liêng giữa Lê Hoàn và Huệ Nương, con gái của Quan sát sứ Lê Công – cha nuôi của Lê Hoàn.  

Cảnh Lê Hoàn về quê bái biệt ông nội chuẩn bị lên đường bình Chiêm

Khi xem xong vở diễn, soạn giả Mai Văn Lạng, Trưởng phòng Dân ca Đài Tiếng nói Việt Nam nhận xét: “Chèo vốn dĩ xưa nay rất hay và tinh túy. Một vở diễn để lấy được tình cảm và cảm xúc của khán giả là cả một vấn đề. Mọi người cứ nói khán giả thời nay quay lưng lại với chèo, nhưng trên thực tế không phải vậy. Khán giả vẫn yêu chèo, rất đông là đằng khác… Tối qua, tôi có xem đến vở diễn của  Đoàn Hà Nam, một vở diễn rất hay, đã lấy được và để lại được rất nhiều cảm xúc cho khán giả. Khán giả đã đến rất đông, chật cứng hội trường, vỗ tay như pháo rang.”

Còn đạo diễn Lê Hùng, người được mệnh danh là “gã phù thủy”, “con sói già” của nền sân khấu Việt Nam hiện đại, đạo diễn tác phẩm “Bà Chúa Kho” chia sẻ: “Mình dựng lại một tích chuyện về Bà Chúa kho để cho người dân hiểu hơn về cuộc đời và những cống hiến của bà với đất nước, quê hương, nó là một đề tài dân gian phù hợp với Chèo, Chèo nên khai thác. Vở diễn vừa giáo dục được con trẻ, vừa hởi lòng, hởi dạ những người già.”

Đạo diễn, NSND Lê Hùng

Trung tâm Văn hóa nghệ thuật Hà Nam là một trong 16 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc tham dự liên hoan. Hai tác phẩm của Hà Nam đã trình diễn tại liên hoan trong hai ngày 18 và 19/9, bước đầu nhận được nhiều lời khen từ khán giả và giới chuyên môn.

Ông Ngô Thanh Tuân, Giám đốc Trung tâm Văn hóa nghệ thuật Hà Nam nói: “Chúng ta phải tự hào vì Hà Nam là quê hương của nhiều nghệ sỹ Chèo nổi tiếng. Hãy phát huy, phát triển truyền thống đó trong đời sống hôm nay, để xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đúng với các Nghị quyết của Đảng về phát triển văn hóa, văn học nghệ thuật.”

Giang Nam

Chu Uyên

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy