Giải thưởng VHNT Nguyễn Khuyến - “Sân chơi trí tuệ” của giới văn nghệ sỹ

Cứ 5 năm Lễ trao Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Nguyễn Khuyến lại được tổ chức một lần, trở thành ngày hội của giới văn nghệ sỹ trong tỉnh. Với ý nghĩa tôn vinh các tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật (VHNT) có tính tư tưởng cao, có giá trị nghệ thuật, thể hiện sự tìm tòi sáng tạo của các văn nghệ sỹ và công dân Hà Nam hoạt động trong lĩnh vực VHNT, Giải thưởng VHNT Nguyễn Khuyến thực sự là một sân chơi trí tuệ của những người hoạt động trong lĩnh vực VHNT. Không chỉ tôn vinh những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao, Giải thưởng VHNT Nguyễn Khuyến còn là dịp để cấp ủy, chính quyền biểu dương, ghi nhận những đóng góp tích cực của giới văn nghệ sỹ tỉnh nhà trong công cuộc xây dựng quê hương, đất nước. 

Lắng đọng cảm xúc…

Là hội viên Chi hội Nhiếp ảnh (Hội VHNT Hà Nam), đồng thời cũng là một trong những tác giả lần đầu tiên có tác phẩm được vinh danh tại lễ trao Giải thưởng VHNT Nguyễn Khuyến lần thứ VIII (2016 - 2020), ông Trần Đức Duy chia sẻ: Giải thưởng VHNT Nguyễn Khuyến là giải thưởng lớn có giá trị của tỉnh Hà Nam. Giải thưởng chính là nguồn động viên, khích lệ quý báu đối với giới văn nghệ sỹ và các tác giả; đây cũng là động lực để văn nghệ sỹ và các tác giả hăng say, tìm tòi, sáng tạo, tìm cảm hứng và đầu tư cho các tác phẩm VHNT mới. Với tôi, giải thưởng không chỉ là "sân chơi" mà còn là sự ghi nhận những cống hiến, đóng góp và khẳng định giá trị tài năng của mỗi văn nghệ sỹ, tác giả đạt giải thông qua từng tác phẩm của họ.

Giải thưởng VHNT Nguyễn Khuyến lần thứ VIII được tổ chức gián đoạn sau một thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Mặc dù, vẫn còn những khó khăn, trăn trở nhưng với sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự tận tâm của Ban tổ chức, Giải thưởng VHNT Nguyễn Khuyến lần này đã cho thấy sự chuyên nghiệp ngay từ khâu tổ chức. Sự cẩn trọng, tỉ mỉ, khách quan được thể hiện qua việc tuyển chọn và xét giải. Tất cả đều vì một mục đích chung: đó là chất lượng các tác phẩm được tôn vinh, chất lượng các tác phẩm sẽ tạo nên giá trị của giải thưởng.

Giải thưởng VHNT Nguyễn Khuyến  “Sân chơi trí tuệ” của giới văn nghệ sỹ
Ban tổ chức trao giải cho các tác giả có tác phẩm, công trình VHNT đoạt giải.

Cùng chung cảm xúc với tác giả Trần Đức Duy, nhà thơ Đỗ Nhàn, hội viên Chi hội Thơ (Hội VHNT Hà Nam), tác giả được trao giải Nhì với tập thơ “Gửi mùa thương nhớ” cũng rất tâm tư: Tôi đến với thơ rất tự nhiên như nhu cầu “cơm ăn, nước uống và hít khí trời” hằng ngày vậy. Tôi làm thơ chỉ để ghi lại những cảm xúc của mình về thiên nhiên cây cỏ, về gia đình, về tình yêu quê hương, đất nước. Vì vậy, khi biết tập thơ đầu tay của mình được vinh danh tại Lễ trao Giải thưởng VHNT Nguyễn Khuyến lần thứ VIII, bản thân tôi rất xúc động. Giải thưởng lần này không chỉ là nguồn cổ vũ động viên tinh thần rất lớn đối với tôi trên con đường sáng tạo nghệ thuật mà còn là sự ghi nhận những đóng góp của tôi trong lĩnh vực sáng tạo VHNT của tỉnh nhà. Với tư cách là một người cầm bút, tôi luôn mong muốn được thử sức, được cống hiến khi tham gia vào “sân chơi trí tuệ” này…

Được đánh giá là một mùa giải khá thành công cả về công tác tổ chức lẫn chất lượng giải, Giải thưởng VHNT Nguyễn Khuyến lần thứ VIII đã để lại nhiều cảm xúc lắng đọng đối với giới văn nghệ sỹ và những người hoạt động trong lĩnh vực VHNT trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Phát biểu tại Lễ trao giải, đồng chí Đặng Thanh Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Hà Nam đã nhấn mạnh: “Qua theo dõi có thể thấy, Ban tổ chức Giải thưởng VHNT Nguyễn Khuyến lần thứ VIII đã tiến hành các quy trình lựa chọn, đánh giá, bình xét các tác phẩm rất nghiêm túc, kỹ lưỡng, bài bản, khách quan, bảo đảm các tác phẩm được lựa chọn là những tác phẩm thật sự tiêu biểu, có giá trị nghệ thuật, đóng góp thiết thực vào thực hiện các nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Nhiều tác giả đã nỗ lực vượt qua hoàn cảnh khó khăn, đóng góp những tác phẩm có giá trị, giành kết quả cao. Với kết quả 54 giải thưởng (45 Giải chính thức và 9 Giải tặng thưởng) tại lễ trao giải đã khẳng định giá trị, chất lượng của các tác phẩm, qua đó biểu dương, ghi nhận, khuyến khích động viên những đóng góp tích cực của giới văn nghệ sỹ và công dân tỉnh Hà Nam trong lao động nghệ thuật…”.

Và những trăn trở…

Mặc dù, Giải thưởng VHNT Nguyễn Khuyến lần thứ VIII (2016-2020) đã khép lại nhưng bên cạnh niềm vui của những tác giả, tác phẩm đạt giải, thì vẫn còn đó những trăn trở, những kỳ vọng vào một mùa giải mới. Nhạc sỹ Sỹ Thắng (hội viên Hội VHNT Hà Nam), tác giả đạt giải Nhì với tác phẩm “Mắt chiều Hồ Tây” chia sẻ: Khi tham gia bất kỳ một cuộc thi nào, văn nghệ sĩ luôn mong muốn sự ghi nhận về uy tín chuyên môn nghề nghiệp thông qua các giải thưởng. Nhất là ở nước ta, truyền thống trọng chính danh, muốn được thừa nhận vẫn rất phổ biến. Do vậy, nâng cao chất lượng giải thưởng là cách làm duy nhất vẹn cả đôi đường. Trước tiên, cải tổ về cách làm việc, cơ cấu giải thưởng, thành viên hội đồng, ban giám khảo chấm giải... Điều này rất dễ thực hiện thông qua sửa đổi quy chế giải thưởng, vấn đề là lãnh đạo và hội viên hội VHNT có muốn làm hay không. Trên hết là nâng cao trách nhiệm của những người bỏ lá phiếu quyết định các giải thưởng. 

Trách nhiệm ở đây là sự khách quan trong chấm giải, đặt chất lượng tác phẩm lên hàng đầu, không vì quen biết, nể nang, thậm chí “lợi ích nhóm” mà bỏ phiếu thiếu công tâm; mang hết tâm huyết, kinh nghiệm, vốn kiến thức để thẩm định tác phẩm. Là một người nghệ sỹ, tôi luôn hy vọng rằng, các giải thưởng uy tín sẽ ngày càng nhiều lên; mỗi lần trao giải sẽ có nhiều tác phẩm giá trị được phát hiện, vinh danh; góp phần lành mạnh hóa đời sống VHNT. Riêng cá nhân tôi được tham dự giải thưởng là một niềm vinh dự lớn lao. Có rất nhiều văn nghệ sỹ tuổi cao, sức yếu vẫn cố gắng tham gia cho thấy họ đã thành công trong dự định của bản thân. Bản thân tôi luôn nghĩ rằng, các tác phẩm vào chung khảo đều đã được chọn lọc, có chất lượng tốt, cần được trân trọng để những lần sau, giải thưởng tiếp tục hấp dẫn các văn nghệ sỹ tham gia…

Vẫn biết, giải thưởng văn chương là sự định lượng hóa, vật chất hóa thứ vốn vô định lượng, phi vật chất. Do đó, để giải thưởng văn học “được giá”, trước hết cần đến phẩm giá (lương tâm, tinh thần trách nhiệm, con mắt tinh tường...) của những thành viên hội đồng thẩm định, tiếp đó là cần đến sự giới thiệu, quảng bá, truyền thông tác phẩm đoạt giải đến đông đảo công chúng để những tác phẩm không lặng lẽ ra đời, lặng lẽ được giải rồi lại lặng lẽ bị khỏa lấp đi trong đời sống hôm nay. 

Hà Nam là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa - lịch sử, đó chính là nguồn tư liệu, nguồn cảm hứng rất lớn để các văn nghệ sỹ khai thác và sáng tác. Tuy nhiên, để có các tác phẩm có giá trị và sức lan tỏa, các văn nghệ sỹ Hà Nam cần tiếp tục nỗ lực sáng tác, khai thác các đề tài mang hơi thở của đời sống xã hội; qua đó phát huy vai trò, trách nhiệm của người nghệ sỹ trong việc nhân rộng cái đẹp, cái tốt, cái tích cực, đẩy lùi cái xấu, tiêu cực, tệ nạn xã hội... góp phần xây dựng quê hương Hà Nam ngày càng giàu đẹp, văn minh; xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, giàu bản sắc. 

Minh Thu

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy