Giải thưởng Văn học nghệ thuật (VHNT) Nguyễn Khuyến lần thứ VIII giai đoạn 2016 - 2020 (gọi tắt là Giải thưởng) dự kiến tổ chức trao giải vào dịp 30/4 - 1/5. Ngày 8/4, Hội đồng Nghệ thuật chung khảo (Hội chuyên ngành Trung ương được mời chấm giải) đã hoàn thành việc chấm chọn các tác phẩm, công trình VHNT cho Giải thưởng. Với tinh thần “so bó đũa chọn cột cờ”, nhiều tác phẩm, công trình VHNT của các tác giả, nhóm tác giả được tôn vinh sẽ phản ánh những nỗ lực, cố gắng của đội ngũ văn nghệ sỹ Hà Nam trong chặng đường lao động sáng tạo nghệ thuật giai đoạn mới.
“Thầy Đàn” - cuốn tiểu thuyết dày 891 trang, gồm 12 chương, mỗi chương 5-6 tiết được đánh số, viết về trí thức, giáo dục và y tế… Lấy bối cảnh thành Hạ Sơn, trung tâm một tỉnh lỵ, kéo dài suốt những năm bao cấp đến gần đây, tiểu thuyết đã dựng lên một thực tại xã hội chồng chéo, bề bộn những lớp, những cảnh, những người, những vụ việc… Tác giả Đoàn Ngọc Hà đã kiến tạo một hiện thực đời thường trong sự vận động liên tục, với những gối tiếp, xen kẽ các trường đoạn không đứt, xoay quanh cuộc đời và số phận của Thầy Đàn (làm nghề dạy học ở trường phổ thông, lắm tài, nhiều tật): Tình trạng quản lý xã hội; vấn nạn ngành y; những bất công, rối ren của xã hội tồn tại song hành một bộ phận người ích kỷ, cá nhân, độc ác, nhơ bẩn về nhân cách. Tác phẩm đề cập đến sự suy thoái toàn diện của một bộ phận người trong xã hội.
Theo PGS, TS Văn Giá, tiểu thuyết có được cái phẩm chất đa dạng, đa âm, làm nên một cấu trúc đối thoại. Những khả năng về đời sống được đặt ra hơn là những gì thuộc đời sống được phơi bày… Ngôn từ của tiểu thuyết đi theo hướng thế tục hóa triệt để. Đó là ngày hội hoan lạc của ngôn ngữ đời thường. Và, “Thầy Đàn” là một trong số 7 tác phẩm của 7 tác giả tham dự Giải thưởng ở loại hình văn xuôi lần này được đánh giá cao về nội dung tư tưởng và chất lượng nghệ thuật. Bên cạnh đó, một số tập truyện ngắn như “Vua thợ hàn” của Lê Thanh Kỳ, truyện ngắn Nguyễn Thanh Bình là những tác phẩm được chú ý kể từ khi xuất bản…
Nhà văn Lê Thanh Kỳ chia sẻ: “Những vấn đề được đề cập trong văn xuôi những năm qua đều động chạm đến thực tiễn đời sống xã hội nhiều phức tạp và đa chiều. Các tác giả đã từng có thời gian đắm mình vào thực tiễn đó để sống, để chiêm nghiệm và sáng tạo. Cái đích cuối cùng của người viết là làm cho người đọc cảm thấu tận cùng những tồn tại và hy vọng của con người trong đời sống xã hội có nhiều sóng gió, thử thách nhưng cũng rất phong phú và trầm lắng”.
Thơ cũng vậy. 19 tác phẩm của 16 tác giả tham dự Giải thưởng cũng là những trang đời nóng hổi. Ở đó, nhịp đập trái tim nghệ sỹ trước cuộc sống, tình yêu và những tồn tại vui – buồn… được diễn tả trong không gian thơ chật hẹp bằng những ngôn từ cô đọng. “Ở giữa trời và đất” của Đoàn Văn Thanh tập hợp 45 bài thơ, bắt đầu là “Tự vấn”, cuối cùng là “Bệnh viện lúc giao thừa”. Những suy nghĩ mang tính triết lý về thân phận, cuộc đời và tình yêu xoay quanh cuộc sống như: “Nhiều lần định nghĩa mình/Vẫn không ra lời giải/Tóc cứ trắng vô tình/ Chỉ cỏ xanh mãi mãi…” hay, “Dẫu đời nham nhở hư vinh/Bon chen thì vẫn là mình với ta/Đêm bệnh viện trắng màu hoa/Chợt nghe tiếng pháo bắc qua… giao thừa”. Cuộc đời đúng là bể khổ, người nghèo thì phải kiếm tiền để sống, giàu thì vẫn cần kiếm tiền để giàu hơn và tìm đủ mọi cách để “giữ tiền”.
Ở bộ môn Mỹ thuật, các tác phẩm gửi về rất đa dạng về thể loại, chất liệu, hầu hết đều đã được các họa sỹ lựa chọn trong hàng chục, hàng trăm tác phẩm của riêng mình, từng được ghi nhận ở nhiều triển lãm. Thí dụ “Mẹ” của Nguyễn Ngần, một tác phẩm khắc gỗ đen trắng từng được giải tại Triển lãm Mỹ thuật khu vực đồng bằng sông Hồng. Hình ảnh một người mẹ già với tấm lưng còng lặng lẽ bước đi với những nét biểu cảm bình dị cho thấy, Nguyễn Ngần quan sát cuộc sống, quan sát nhân vật khá kỹ. Ấn tượng ở bức tranh này chính là bố cục và những mảng sáng – tối được thể hiện, khắc họa chân dung một người mẹ có cuộc đời tảo tần, lam lũ. Bên cạnh Nguyễn Ngần, các họa sỹ Đỗ Kích, Đỗ Thắng, Trần Phong, Lê Minh Sơn, Lê Thị Lượng … cũng gửi tham dự nhiều tác phẩm có chất lượng cả nội dung và nghệ thuật. Họa sỹ Trần Phong giãi bày: “So với giai đoạn trước, ở giai đoạn này, điều kiện sáng tác của bản thân tôi đã có những đổi thay tích cực hơn. Suy nghĩ của mình về cuộc sống, tự nhiên và những quy luật vận động chín hơn, thấu đáo hơn. Bản thân mình cũng nghĩ nhiều hơn, chiêm nghiệm nhiều hơn…”.
Ban tổ chức Giải thưởng đã nhận được 64 tác phẩm nhiếp ảnh của 16 tác giả gửi về. Điều đáng ghi nhận ở đội ngũ nghệ sỹ nhiếp ảnh tham gia Giải thưởng lần này có khá nhiều gương mặt mới, trẻ và tiềm năng. Phan Anh Phong là thí dụ. Anh là một bác sỹ, lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh, vì đam mê nhiếp ảnh, Phan Anh Phong luôn cố gắng tạo cho mình một khoảng thời gian riêng dành cho nhiếp ảnh. Tự học, tự mày mò, tự sắm sửa máy móc phục vụ “cuộc chơi”, Phan Anh Phong đi vào cuộc sống, hòa mình vào thiên nhiên để khám phá và giải tỏa những áp lực công việc. Vì thế, trong tác phẩm của Phan Anh Phong, những góc cạnh của cuộc sống tự nhiên hiển hiện theo một trật tự, một cách nhìn mang tính “tiêu chuẩn” của một bác sỹ. Mặc dù không mới, không lạ, nhưng nó gần gũi với đời thực và làm cho con người có cảm giác được hòa vào cuộc sống ấy… Thế Tuân thì khác, cách nhìn của anh, cuộc chơi của anh có kinh nghiệm hơn, có độ từng trải hơn. Nhưng đôi khi, những sắp đặt cầu kỳ và quá kỹ lại làm cho những tác phẩm trở nên cũ, trở nên cứng nhắc khi nó không thể lột tả những diễn biến tự nhiên hay bất ngờ của cuộc sống…
Rồi đến Âm nhạc, một loại hình không thể thiếu vắng trong cuộc sống tinh thần của con người. Các nhạc sỹ hầu hết tuổi đã cao, nhưng cũng có 9 tác giả có tác phẩm gửi về. Trong số này, “Mắt chiều Hồ Tây” của Sỹ Thắng từng đoạt giải Nhì của Hội Nhạc sỹ Việt Nam năm 2020; Giải Nhì Giải thưởng Âm nhạc sáng tác về Hà Nội kỷ niệm 65 năm Giải phóng Thủ đô 10/10/1954-10/10/2019 (không có Giải Nhất)…
Theo ông Lê Minh Sơn, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nam, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban tổ chức Giải thưởng, sau khi triển khai Giải thưởng, Ban tổ chức đã nhận được 147 tác phẩm của 80 tác giả, nghệ sỹ gửi về tham dự. Hội đồng sơ khảo của các loại hình đã chọn được 112/147 tác phẩm của 74/80 tác giả, đạo diễn, diễn viên, ca sỹ, gửi Hội đồng Nghệ thuật chung khảo Giải thưởng chấm chọn. Với năng lực, trình độ, sự công tâm của các thành viên Hội đồng Nghệ thuật chung khảo (Hội chuyên ngành Trung ương), ngày 8/4/2022, các loại hình nghệ thuật của Giải thưởng đã chấm chọn xong các tác phẩm loại A, B, C.
Nhạc sỹ Sỹ Thắng chia sẻ: “Được tham dự Giải thưởng là niềm vinh dự của các văn nghệ sỹ. Có rất nhiều văn nghệ sỹ tuổi cao, sức yếu vẫn cố gắng tham gia cho thấy họ đã thành công trong dự định của bản thân. Đó là chiến thắng. Chúng ta không thể so sánh một cách tuyệt đối khoảng cách giữa các tác phẩm, công trình, vì sự ra đời của mỗi tác phẩm mỗi công trình ấy mang những lý do và những điều kiện khác nhau. Bản thân tôi luôn nghĩ rằng, các tác phẩm vào chung khảo đều đã được chọn lọc, có chất lượng tốt rồi, cần được trân trọng để những lần sau, Giải thưởng tiếp tục hấp dẫn các văn nghệ sỹ tham gia”.
Giang Nam